Thịt siêu nạc ra Hà Nội

ANTĐ -Thời gian gần đây, thịt lợn siêu nạc xuất hiện khá nhiều tại một số chợ trên địa bàn Thủ đô. Điều đáng lo ngại là để tạo ra những miếng thịt siêu nạc đỏ tươi này, vật nuôi được vỗ béo bằng các chất độc, có thể tác động nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng…

Rất ít người tiêu dùng có thể nhận biết đâu là thịt lợn thường, đâu là thịt lợn siêu nạc chứa hóa chất

Mầm bệnh từ thịt siêu nạc

Năm 2005, Chi cục Thú y TP.HCM đã kiểm tra và phát hiện một số mẫu thịt lợn bày bán trên thị trường có chất Clenbuterol - độc chất giúp tăng trọng gia súc, nguy hiểm đối với sức khoẻ con người, sau khi phát hiện 4/5 mẫu thức ăn tại một trường mầm non ở tỉnh Bình Thuận có chứa dược chất Dexamethasone. Hồi cuối năm 2011 vừa qua, Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp với Bộ NN&PTNT bắt vụ vận chuyển 5kg Salbutamol 98% đang trong quá trình mang đi tiêu thụ. Hiện tượng này một lần nữa dấy lên mối lo ngại của người dân về nguy cơ gây ung thư từ loại thực phẩm thường dùng này. Theo tài liệu của Cục Chăn nuôi, Clenbuterol và Salbutamol được Bộ NN&PTNT xếp trong danh mục 18 loại chất cấm nghiêm ngặt, không được sử dụng trong chăn nuôi từ năm 2002. Trên thế giới, các hormone này cũng bị cấm sử dụng trong chăn nuôi.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, thịt lợn siêu nạc lại tiếp tục “tái xuất” khiến người tiêu dùng lo ngại trước loại thực phẩm được coi là khá phổ biến trong bữa ăn của nhiều gia đình. Có mặt tại một số chợ trong khu vực nội thành như chợ Gia Lâm - quận Long Biên, chợ Thành Công - quận Ba Đình,… chúng tôi nhận thấy thịt lợn được bày bán phổ biến tại nhiều quầy hàng. Bà Trần Thị Hạc, ở phường Ngọc Lâm, quận Long Biên lo lắng: “Hiện hầu hết thịt lợn bán ngoài thị trường đều rất nạc và không thể biết chắc miếng thịt đó có an toàn hay không. Bằng mắt thường, người tiêu dùng rất khó phân biệt được loại thịt lợn nào có chứa chất độc, gây hại đến sức khoẻ. Là người thường xuyên đi chợ, tôi cũng chỉ nhận biết bằng cảm quan, còn để biết miếng thịt đó có chất tăng trọng, hay được nuôi bằng chất nào đó thì đành chịu”. Tuy nhiên, theo một số bà nội trợ thì nếu quan sát kỹ có thể thấy loại thịt lợn siêu nạc có thớ thịt to hơn so với thịt lợn nuôi thông thường. Mặc dù có màu đỏ tươi nhưng thịt nhão và có mùi hôi,… Song đó cũng chỉ là những kinh nghiệm bằng mắt của một số người quen đi chợ.

Nguy cơ chết người

Trước tình trạng một số mẫu thịt lợn bày bán trên thị trường có chất Clenbuterol, Tiến sỹ Phan Thanh Tâm - Phó Trưởng bộ môn Công nghệ thực phẩm, Viện Công nghệ sinh học & Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, chất Clenbuterol là loại chất kích thích tuyến thượng thận, điều tiết sinh trưởng động vật, thúc đẩy quá trình phát triển cơ bắp, làm tăng lượng thịt nạc và đẩy nhanh việc phân giải mỡ, giảm tối đa lượng mỡ hình thành trong cơ thể, chỉ để lại một lớp rất mỏng. Việc ăn phải thịt lợn chứa chất Clenbuterol về lâu dài có thể gây biến chứng ung thư, ngộ độc cấp, run cơ, đau tim, tim đập nhanh, tăng huyết áp, choáng váng… Clenbuterol sẽ gây tổn hại cho hệ thần kinh, hệ tuần hoàn, thậm chí gây chết người. Đối với gia súc như lợn, con vật khi ăn phải chất này chỉ có thể tồn tại được quá nửa tháng là phải giết mổ.

Điều đáng nói là hiện các cơ quan chức năng chưa có sự kiểm soát chặt chẽ các khâu cả trong chăn nuôi và giết mổ. Trong khi đó, chất Clenbuterol chỉ có thể được phát hiện khi lấy mẫu để phân tích còn mắt thường rất khó để phân biệt. Bên cạnh đó, về thịt lợn siêu nạc trên thị trường tồn tại 2 loại: lợn thuộc giống siêu nạc do các trung tâm giống cung cấp, an toàn với người sử dụng và lợn siêu nạc do ăn bột có chất Clenbuterol. Về cơ bản hình thức 2 loại thịt này đều có chung đặc điểm là chiều dày mỡ lưng thấp, độ nạc cao. Nhưng nếu quan sát kỹ sẽ thấy, loại thịt lợn ăn “bột siêu nạc” tích nước nhiều, thịt có độ ẩm cao, mặt cắt trên thớ thịt không được mịn, thớ ngắn, độ săn chắc kém. Tại bắp vai, đùi vật nuôi, lượng thịt nạc phát triển bất thường, u lên, màu đỏ au giống thịt bò.

Không chỉ có chất

Clenbuterol mà mới đây, Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Bộ NN&PTNT) còn phát hiện việc lạm dụng chất Ethephon (thúc chín tố) để bảo quản thịt tại một số tỉnh thành. Các lái buôn đã sử dụng hóa chất này để bảo quản thịt gia súc, gia cầm sau giết mổ nhằm giữ độ tươi của thịt. Trong chế biến bảo quản thực phẩm có nguồn gốc động vật, chất này cũng bị cấm sử dụng.

Để bảo vệ sức khỏe của mình, người tiêu dùng tốt nhất chỉ nên mua loại thịt có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Khi mua nên chọn miếng thịt tươi ngon, màng ngoài khô, không bị nhớt, mùi và màu sắc bình thường, khối thịt rắn chắc, có độ đàn hồi cao, ngón tay ấn vào thịt tạo thành vết lõm nhưng không để lại dấu vết khi nhấc ngón tay ra, các thớ thịt đều. Không nên mua thịt không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa qua kiểm dịch bán trôi nổi trên thị trường và có màu quá đỏ và độ nạc cao một cách bất thường...

Việt Nam đã cấm sử dụng Salbutamol

Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, chất cấm Salbutamol là một trong những thuốc kích tăng trưởng gốc B-Agonist đã được đề cập trong thời gian qua. Theo ông Dương, để triệt tận gốc vấn đề này, cần phải có sự vào cuộc của nhiều ngành, của chính quyền địa phương, trọng tâm là lực lượng công an. Bởi, người bán cũng như người sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi thường lén lút như buôn thuốc phiện, rất khó phát hiện.

Trong năm 2012, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với Bộ Công an làm mạnh hơn nữa trong vấn đề này, tập trung ở những điểm chăn nuôi lớn như Đồng Nai, Bình Dương… Ông Dương cho biết, tại một số tỉnh, thành này, có nhiều khu công nghiệp, chăn nuôi thường tận dụng thực phẩm thừa từ đây, và muốn tăng tỷ lệ nạc trong thịt, họ sử dụng loại chất này để cho ăn. Nguy hại là, rất khó phát hiện bằng mắt thường loại lợn được kích nạc hay lợn chăn nuôi bình thường, mà phải lấy mẫu thịt để kiểm tra, phân tích mới có thể đưa ra kết luận chắc chắn. Còn trên con lợn sống, theo ông Dương, nếu lợn được kích nạc bằng Salbutamol thì cơ bắp, cơ mông, đùi rất chắc, nổi rõ mà những con lợn chăn nuôi trong điều kiện bình thường khó có thể đạt được.

Salbutamol được hấp thụ dễ dàng qua đường tiêu hóa, là loại thuốc dùng cắt cơn hen, giãn phế quản, giãn cơ trơn. Salbutamol có thể gây nhược cơ, làm giảm vận động của cơ, khớp, khiến cơ thể phát triển không bình thường. Khi ăn thịt lợn có Salbutamol cũng giống như uống thuốc này. Lượng Salbutamol còn tồn dư trong thịt bao nhiêu sẽ được cơ thể người hấp thu bấy nhiêu.