Thiết bị theo dõi hiện đại: Những sự thật phũ phàng

ANTĐ - Thời gian gần đây, để theo dõi người thân, nhiều người đã sử dụng thiết bị định vị, nghe trộm nhằm kiểm soát, nắm bắt mọi thông tin những đối tượng này ở khoảng cách xa. Tuy nhiên, bên cạnh sự tiện dụng của nó thì không ít người đã lâm vào tình cảnh khó xử.

Giá nào cũng có

Tại một trang web quảng cáo thiết bị nghe lén bắt gặp những lời giới thiệu: “Bạn có cần biết “nhất cử nhất động” của đối phương - người mà bạn quan tâm? Thiết bị nhỏ bằng 1/4 bao diêm, có thể đặt ở mọi nơi từ phòng làm việc, ô tô, cốp xe máy không ai có thể phát hiện được”... Bên cạnh đó, trang web này còn chỉ dẫn khá cụ thể về tính năng, cách sử dụng các loại thiết bị này: “Thiết bị ứng dụng công nghệ GSM (sóng điện thoại di động) nên có chức năng như một máy thu âm và truyền thông tin đến điện thoại. Chỉ cần đặt thiết bị ở nơi muốn theo dõi, sau đó gọi vào số thuê bao của chiếc sim đã cài vào thiết bị, thiết bị sẽ tự kích hoạt và thu âm thanh xung quanh rồi truyền đến điện thoại người muốn nghe trộm. Dung lượng ghi âm cuộc gọi có thể lên tới hàng chục giờ đồng hồ liên tục”. 

Hiện trên thị trường đã xuất hiện loại thiết bị nghe trộm được quảng cáo là “siêu thông minh”. Thiết bị này có cấu hình tương tự các sản phẩm thông thường nhưng nó có khả năng tự động gọi đến cho chủ nhân khi “phát hiện” cuộc nói chuyện trong phạm vi có thể ghi âm. Bên cạnh đó, với sự phát triển của mạng 3G, một loại thiết bị nghe lén, định vị mới được tung ra thị trường là camera 3G. Thiết bị này có kích thước tương đương với một chiếc điện thoại di động cỡ nhỏ. Người sử dụng chỉ cần đặt thiết bị này ở nơi cần theo dõi, gọi điện video vào thiết bị này là có thể xem được hình ảnh, âm thanh tại địa điểm có đối tượng mình quan tâm.

Điều đáng nói là hầu hết những thiết bị này có nguồn gốc từ Trung Quốc, không bảo hành, không hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt. Ngoài ra, một số thiết bị được quảng cáo là “hàng xách tay” từ Anh, Mỹ, Nhật. Giá thành các thiết bị này từ vài trăm nghìn đồng đến hàng chục triệu đồng. Theo ông Nguyễn Tất Đạt - Giám đốc Quản lý mạng Công ty Pacific Travel, thiết bị định vị, theo dõi ngày càng phổ biến với mục đích sử dụng đa dạng. Đối tượng được gắn thiết bị định vị không chỉ là con người, đồ vật như xe hơi, xe máy, mà còn đối với các loại thú cưng, vật nuôi. Các loại thiết bị này có kích thước nhỏ gọn, sử dụng đơn giản, có thể may vào bên trong trang phục đối tượng cần định vị, gắn lên các phương tiện vận chuyển hoặc tài sản cần giám sát. Thiết bị có thể hoạt động trong khoảng thời gian nhất định được cài đặt trước với pin dự phòng có sẵn.

Ngoài việc dùng thiết bị định vị thì hiện nay, một số công ty còn giới thiệu các phần mềm trực tiếp quản lý nhân viên, con cái... qua điện thoại. Với sự trợ giúp của các kỹ thật viên của nhà cung cấp dịch vụ, chỉ cần một thao tác nhắn tin đơn giản, người sử dụng có thể kiểm soát được vị trí di chuyển, hình ảnh của đối tượng cần theo dõi. Tuy vậy, người sử dụng dịch vụ này phải trả tiền thuê bao theo tháng tùy theo sự phức tạp của dịch vụ.


Những tình huống khó xử

Anh Nguyễn Văn Thông - chủ một cửa hàng chuyên bán thiết bị định vị, nghe trộm tại quận Hoàn Kiếm cho biết, hầu hết khách hàng là phụ nữ. Họ mua thiết bị để theo dõi chồng, con… Ngoài ra, cũng có một số chủ doanh nghiệp đặt mua thiết bị để theo dõi, kiểm soát nhân viên. Bên cạnh sự tiện dụng thì những thiết bị này cũng đẩy chủ nhân chúng lâm vào nhiều hoàn cảnh trớ trêu.

“Thời gian gần đây, tôi thấy chồng mình có nhiều biểu hiện lạ: thường xuyên vắng nhà, gọi điện thì điện thoại luôn báo “ngoài vùng phủ sóng”, ăn vận đỏm dáng, cầu kỳ hơn… nên tôi đã đến cửa hàng IP camera để mua một bộ thiết bị về lắp tại các phòng trong nhà, kết nối các camera này với máy chủ.

Hệ thống camera cũng được bố trí kín đáo với bộ tích điện riêng, kết nối mạng không dây. Sau đó, để tiện cho việc theo dõi, tôi vờ đi công tác xa một tuần. Chỉ sau 2 ngày, chồng tôi đã đưa về nhà một thanh niên trong độ tuổi gần 30. Và tôi không thể ngờ rằng, người thanh niên này chính là người tình của chồng mình. Chưa hết, anh ta còn là bạn trai của con gái tôi - người quen của gia đình tôi bấy lâu nay. Tôi gần như sụp đổ hoàn toàn. Nếu tôi nói ra sự thật thì hạnh phúc gia đình sẽ tan vỡ, con gái tôi sẽ suy sụp. Còn nếu cứ để trong lòng, chắc đầu tôi sẽ bị nổ tung mất. Sự thật quá đắng cay và nghiệt ngã” - Chị Vũ Thanh Hà, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội chua xót.

Anh Lê Mạnh Quang - một kỹ sư xây dựng tại khu đô thị Mỹ Đình, huyện Từ Liêm lại tìm mua thiết bị để kiểm soát hành vi của cậu con trai quý tử. Bằng cách sử dụng phần mềm gián điệp trên di động, anh Quang đã bí mật cài đặt phần mềm này vào máy của con trai. Thông qua đó, mọi thông tin về tin nhắn, nhật kí cuộc gọi, email và thậm chí là cả định vị vị trí của con trai anh Quang đã được lưu lại qua GPS.

“Từ khi theo dõi cậu con trai, tôi mới phát hiện ra chính bản thân mình cũng đang bị… theo dõi. Vợ tôi đã gắn camera vào phòng làm việc, ô tô của tôi để theo dõi tôi. Qua những cuộc nói chuyện của cậu con trai với mẹ, tôi mới biết điều này. Thì ra vợ tôi nghi ngờ tôi có “bồ” nên đã đưa tiền cho con trai để mua, gắn thiết bị theo dõi bố. Không những vậy, họ còn tìm cách “bày binh bố trận” để cho tôi sập bẫy. Tôi vô cùng thất vọng và mất niềm tin vào những người ruột thịt của mình. Rồi những ngày tiếp theo chúng tôi sẽ cư xử với nhau thế nào khi mọi tính toán riêng tư đã bị phơi bày? Sự thật này lẽ ra không nên biết thì hơn” - Anh Quang thở dài.

Trên thực tế, không ít người khi sử dụng thiết bị theo dõi đã bị đối phương sớm phát hiện ra nên cố tình cung cấp những thông tin sai sự thật. Do đó, chính bản thân những người theo dõi bị rơi vào cảnh bẽ bàng và xấu hổ, đồng thời có thêm bài học về niềm tin vào người khác. Không ai có thể phủ nhận, sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của công nghệ thông tin mang lại tiện ích cho cuộc sống của con người. Tuy nhiên, việc lạm dụng công nghệ để theo dõi không chỉ gây mất niềm tin lẫn nhau mà ở một khía cạnh nào đó, đây còn là hành vi vi phạm pháp luật. Và trong một số trường hợp, không biết hoặc biết ít còn tốt hơn biết nhiều...

(Còn nữa)