Thiên tai ngày càng khốc liệt

ANTĐ - Diễn biến lũ quét, sạt lở đất ngày càng phức tạp, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng tác động rõ rệt đến thời tiết thì con người đã và đang góp phần làm cho thiên tai ngày càng khốc liệt.

Mỗi năm, lũ quét, lở đất gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh

Hàng nghìn tỷ đồng trôi theo lũ

Nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn  (DBKTTV) Trung ương cho biết, từ nay đến cuối năm 2014 còn khoảng 5-6 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, trong đó 2-3 cơn đổ bộ trực tiếp vào đất liền nước ta. Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm DBKTTV Trung ương nhấn mạnh, về cuối năm, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nên mưa, bão, lũ sẽ bất thường hơn. Gia tăng về cường độ khốc liệt, như mưa dồn dập trong một thời gian ngắn hoặc không mưa trong một thời gian dài. Bên cạnh đó, dù mới tháng 8 nhưng những đợt không khí lạnh cường độ mạnh đã liên tiếp tràn xuống, gây mưa, giông lốc, lũ quét tại nhiều địa phương trong thời gian gần đây. “Lũ quét, sạt lở đất gia tăng do cường độ mưa lớn dồn dập tại các tỉnh phía Bắc. Trong khi đó, các khu vực nằm trong nguy cơ vùng sạt lở đất lại mở rộng. Ngoài nguyên nhân tự nhiên, trong đó có vai trò của BĐKH tác động thì việc phá rừng đầu nguồn, rừng đệm cũng góp phần tạo nên những trận lũ khốc liệt”, ông Hoàng Đức Cường bày tỏ.

Giám đốc Trung tâm DBKTTV Trung ương nhận định: “BĐKH có khả năng làm cho thiên tai trở thành thảm họa, gây rủi ro lớn cho phát triển kinh tế, xã hội hoặc xoá đi những thành quả nhiều năm của sự phát triển”. Những vùng được dự tính chịu tác động lớn nhất của các hiện tượng khí hậu cực đoan là dải ven biển Trung bộ, vùng núi phía Bắc và Bắc Trung bộ, vùng đồng bằng Bắc bộ và đồng bằng sông Cửu Long. 

Thiên tai có sự tiếp tay của con người

Ban chỉ đạo PCLB Trung ương cho biết, thống kê từ năm 2000 đến năm 2014, cả nước đã xảy ra 250 đợt lũ quét, sạt lở ảnh hưởng tới các vùng dân cư, làm chết và mất tích 646 người, bị thương 351 người; hơn 9.700 căn nhà bị đổ, trôi; hơn 100.000 căn nhà bị ngập, hư hại nặng; nhiều công trình giao thông, thuỷ lợi, dân sinh bị hư hỏng nặng nề, tổng thiệt hại ước tính trên 3.300 tỷ đồng.

Đề án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam” của Bộ TN-MT được giao thực hiện trên phạm vi 37 tỉnh, thành cho thấy, dù mới có đánh giá tại 10 địa phương nhưng đã ghi nhận 10.000 điểm có nguy cơ sạt lở cao, trong đó 2.100 điểm nguy cơ rất cao. “Dự báo tình hình BĐKH sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn, nỗ lực kiểm soát khí thải nhà kính chưa mang lại hiệu quả mà còn diễn biến theo chiều hướng xấu đi. Điều này khiến chúng ta phải hành động quyết tâm và khẩn trương hơn thì mới giảm thiểu được thiệt hại về tính mạng và tài sản của Nhà nước, nhân dân”, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh tại hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành về công tác phòng chống lũ quét ngày 20-8.

Đại diện UBND tỉnh Lào Cai, một trong những địa bàn thường xuyên xảy ra lũ quét, sạt lở đất gây thiệt hại nặng nề nhiều năm cho hay, năm 2013, thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn lên tới 635 tỷ đồng, bằng ¼ tổng thiệt hại của 13 năm qua, trong đó, thiệt hại do lũ quét chiếm 200 tỷ đồng. Mặc dù tỉnh Lào Cai đã di dời được 7.000 hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét, nhưng năm 2013-2014, tiếp tục phát hiện 70 điểm có nguy cơ cao về sạt lở, như vậy, vẫn còn khoảng 500 hộ dân phải di chuyển đến nơi an toàn. 

Còn tại tỉnh Hà Giang đã ghi nhận và cảnh báo có 967 điểm  nguy cơ sạt trượt cao. Tỉnh cũng lập đề án di chuyển 10.000 hộ dân nhưng kinh phí còn khó khăn. Tuy vậy, đại diện tỉnh này cũng cho rằng, dự án phòng chống thiên tai lập ra nhiều nhưng tiến độ triển khai rất chậm, thậm chí có dự án chưa xong đã bị bỏ dở để lập dự án khác. 

Trung bình mỗi năm, nước ta có 50 người thiệt mạng do lũ quét, sạt lở đất. Hiện trạng phá rừng đầu nguồn, xây dựng các công trình giao thông không tính toán đã khiến dòng chảy bị thay đổi, nhiều công trình giảm thiểu tác động BĐKH kinh phí lớn nhưng hiệu quả thấp. Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT phối hợp cùng các bộ, ngành địa phương đưa ra kế hoạch đầu tư nâng cấp khẩn cấp đối với các khu dân cư bị đe dọa bởi sạt lở đất, nếu chưa bố trí được vốn thì dự báo sớm để sơ tán dân.

Còn tâm lý chủ quan giai đoạn “hậu bão”

Trong mưa bão, do tinh thần cảnh giác, tính tập trung trong phòng chống nên thiệt hại về người thường được hạn chế tối đa, nhưng hệ lụy của mưa bão lại gây ra những thiệt hại lớn, không đáng có do tâm lý chủ quan, sự phức tạp, khó lường của diễn biến thời tiết, biến đổi khí hậu và cả địa chất, thủy văn.
Xác định rõ tính chất đặc thù này, Chính phủ đã có những chỉ đạo, giải pháp riêng, trước mắt và lâu dài cho chương trình phòng tránh lũ quét, sạt lở đất trong các chương trình ứng phó và phòng chống thiên tai quốc gia. 

Riêng giai đoạn 2006-2013, cả nước bố trí ổn định khoảng 171.497 hộ thuộc Chương trình bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, rừng đặc dụng, vượt 14% so với mục tiêu đề ra đến năm 2015.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, Việt Nam đã ngày càng hạn chế, giảm thiểu được những thiệt hại do thiên tai nói chung. Trước đây, mỗi năm Việt Nam mất trung bình 500 người, chủ yếu do mưa bão ngoài biển, vùng ven, vùng sông nước. Còn nay bình quân 50 người chết mỗi năm do thiên tai, nhưng cũng chủ yếu là do các hiện tượng lũ, hoàn lưu mưa sau bão. Điều đáng tiếc là thiệt hại do lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đá vẫn còn lớn, chưa được khắc phục.

Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan quản lý nghiêm túc đánh giá tình hình, xác định lũ quét, sạt lở đất là loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra, với quy mô không lớn nhưng khó dự báo chính xác. Do đó, công tác phòng tránh lũ, lũ quét, sạt lở đất tập trung theo hướng lấy phòng ngừa là chính.