Thi nhau uống nước tiểu chữa bệnh ung thư

ANTĐ - Môi trường sống ô nhiễm, thực phẩm mất an toàn khiến con người ngày càng mắc nhiều chứng bệnh nan y, đặc biệt là bệnh ung thư. “Có bệnh thì vái tứ phương” – nhiều người đã lầm tưởng, mù quáng tin vào những biện pháp chữa bệnh hoang đường như: uống nước tiểu, nhịn ăn, thậm chí còn nuốt cả thạch sùng sống…

Hoang đường niệu liệu pháp

Vài năm trước đã có nhiều người tìm đến bác sỹ Nguyễn Xuân Hướng, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam để nhờ tư vấn về một phương pháp chữa bệnh có tên là: “niệu liệu pháp” (chữa bệnh bằng nước tiểu). Theo thông tin từ cuốn sách Niệu liệu pháp (được dịch từ sách của nước ngoài) thì phương pháp này kết hợp với canh dưỡng sinh được coi là những phương pháp chữa bệnh hiệu quả hơn cả phẫu thuật và sử dụng hóa chất. Đối với những người bị bệnh ung thư vú và tử cung, mỗi ngày uống canh dưỡng sinh 600cc và nước gạo lứt rang 600cc. Bệnh sẽ dần thuyên giảm. Bướu ung thư sẽ mềm và teo nhỏ dần đến khi hoàn toàn mất dạng. Tuy nhiên đối với những người bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, thì cuốn sách khuyến cáo phải dùng thêm niệu liệu pháp. Hay chữa bệnh AIDS thì kết hợp niệu liệu pháp với canh dưỡng sinh là một phương pháp thần hiệu.

Những người sùng bái phương pháp chữa bệnh này còn tung hô rằng  sử dụng niệu liệu pháp hiệu quả tăng gấp 3 lần so với phương pháp chữa ung thư thông thường. Bệnh nhân buổi sáng thức dậy, đi tiểu lần đầu tiên. Phần đầu bỏ, lấy nước tiểu ở quãng giữa chừng, đổ đúng 180cc, chia làm 3 phần. Uống 3 lần: sáng, trưa, chiều kết hợp với canh dưỡng sinh. Thời gian gần đây, tại xã Giao Tân, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định việc dùng niệu liệu pháp lại rộ lên sau khi một người phụ nữ trong xã bị ung thư, bệnh viện trả về, uống nước tiểu của chính bản thân mình vô tình thấy bệnh có phần thuyên giảm thế là  niệu liệu pháp lại được tung hô như một thần dược. Người dân rỉ tai nhau và photocopy những cuốn sách niệu liệu pháp đã bị cấm xuất bản từ khá lâu và giờ đây, ai bị bất cứ bệnh gì cũng tìm đến niệu liệu pháp và coi đó là nước thánh.

BS Nguyễn Xuân Hướng, Chủ tịch BCH TƯ Hội Đông y Việt Nam cho biết, nước tiểu là một loại nước để bài tiết các chất độc hại, thải loại từ cơ thể nên rất bẩn, không thể dùng để chữa bệnh được, đặc biệt là nước tiểu của người lớn, người bệnh. Hiện nay, trong Đông y chỉ dùng nước tiểu của bé trai từ 5-6 tuổi cho phụ nữ sau sinh uống với nghệ tán dạng bột để cầm máu và giảm co bóp tử cung, giảm bớt sự đau đớn khi dạ con co lên. Trường hợp thứ 2, có thể dùng nước tiểu trẻ nhỏ là để sao với củ gấu làm hương phụ liệu trong vị thuốc. Tuy nhiên, việc dùng nước tiểu của chính mình để chữa bệnh, trong đó quảng cáo chữa được cả bệnh ung thư, HIV/AIDS là hoàn toàn không có căn cứ khoa học, thậm chí có thể nói là... hoang đường. Đó là chưa kể đến nước tiểu của người lớn, nước tiểu của người đã sinh hoạt tình dục, viêm nhiễm đường tiết niệu nếu dùng cái thứ nước này để  chữa bệnh thì cực kỳ nguy hiểm.

Nuốt thạnh sùng sống chữa ung thư hạch

Cùng với gan mật cóc, những thứ kịch độc được dân gian cho rằng có thể làm vị thuốc chữa được ung thư thì thạch sùng sống cũng là một phương thuốc được lưu truyền trong dân gian để chữa ung thư hạch. Cách đây khoảng gần 20 năm, khi căn bệnh ung thư hạch và vòm họng còn chưa có nhiều người mắc phải như bây giờ, nhiều người còn chưa tỏ tường về căn bệnh này. Thời điểm đó ông Nguyễn Tiến Thắng, trú tại ngõ Quỳnh, phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng khi phát hiện ra mình có hạch quanh cổ, ông đã thử dùng phương pháp nuốt thạch sùng sống để chữa trị căn bệnh này vì ông cho rằng thạch sùng có thể điều trị bệnh liên quan đến hạch, kể cả lao hạch. Nhưng thời gian sau, khi biết mình mắc bệnh ung thư hạch, ông vẫn tiếp tục điều trị bằng phương pháp này. Cứ hễ bắt được thạch sùng là ông nuốt sống và việc này được thực hiện hàng ngày. Nhưng cuối cùng thì ông cũng đã  mất năm 2007, nhưng căn bệnh ung thư hạch của ông đã kéo dài 16 năm, một thời gian dài của căn bệnh nan y.

Thạch sùng có rất nhiều công dụng trong thực tế. Trong y học cổ truyền thạch sùng có thể chữa được 11 loại bệnh khác nhau, phổ biến nhất là động kinh và lao hạch cùng những biến chứng của nó.Theo sách Tứ xuyên Trung dược chí thì thạch sùng có tác dụng: “Khu phong, phá huyết tích thành cục. Trị thũng lựu (ung thư)”. Y học Trung Quốc hiện đại cũng đã có những nghiên cứu nhất định về thạch sùng và cho ra kết quả là dung dịch của thuốc in vitro có tác dụng ức chế hô hấp tế bào ung thư gan; Có tác dụng ức chế trực khuẩn lao và một số nấm gây bệnh thường gặp; Có tác dụng an thần gây ngủ chống co giật và chống ung thư huyết.

Song các nghiên cứu này chưa được khẳng định ở Việt Nam và chưa được người Việt Nam biết tới. Theo các bác sỹ đông y Việt Nam thì việc dùng thạch sùng để chữa trị ung thư thì từ trước đến nay rất hiếm gặp, hầu như không có. Thạc sỹ Hoàng Khánh Toàn - Chủ nhiệm khoa Y học dân tộc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết: Không có bác sỹ đông y nào chỉ định dùng thạch sùng để điều trị căn bệnh này. Bác sỹ Khổng Đức Hạnh, Hội Y học cổ truyền Hà Nội cũng đồng quan điểm là cũng chưa gặp trường hợp người bệnh nào nuốt thạch sùng để chữa ung thư và chỉ dùng trong một số trường hợp điều trị sốt rét. Khi được hỏi về trường hợp của ông Thắng thì các bác sĩ cũng không có câu trả lời và cho rằng ông Thắng có thể đã gặp may.

Sừng tê giác không phải là thực phẩm toàn năng

Sừng tê giác có tên trong y văn cổ truyền nhưng thực sự là một loại quý hiếm. Thuộc nhóm thuốc thanh nhiệt giải độc, an thần giảm đau, được sử dụng trong gần 70 bài thuốc cổ dùng để trị các chứng viêm nhiệt; các trường hợp sốt cao, vật vã, mê sảng, co giật, liệt nửa người, phát cuồng, cầm máu, cường dương và tăng cường sinh lực... Vốn được coi là vị thuốc có công hiệu mà các thầy thuốc đông y không ai không biết đến. Khi chưa có thuốc kháng sinh hiện đại, một số trường hợp nhiễm trùng yếm khí như cam tẩu mã phải dùng đến sừng tê giác mới có công hiệu. Cách đây hơn 10 năm, thông tin về việc mài sừng tê giác để uống chữa bệnh ung thư đã bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam, nhiều người kể cả chưa mắc bệnh cũng sử dụng với hy vọng phòng được căn bệnh nan y này. Trong các nghiên cứu về sừng tê giác từ trước đến nay đã khẳng định sừng tê giác không phải là thực phẩm toàn năng như mọi người vẫn nghĩ.

Giáo sư Hoàng Bảo Châu, nguyên giảng viên Đại học Y Hà Nội cho biết: “Tác dụng của sừng tê giác là thật nhưng đó không phải là thuốc chữa bách bệnh. Người mua đừng thần tượng hóa và quá kỳ vọng vào nó”. Tùy thuộc vào cơ địa của từng người, không phải bệnh gì cũng chữa khỏi đặc biệt là ung thư, và hơn hết càng không có giá trị trong phòng bệnh ung thư.

Trong trường hợp nhiều gia đình vì thiếu hiểu biết, cho rằng uống thuốc bổ thì không độc hại và ai có điều kiện thì nên uống, không phòng trước cũng phòng sau là điều không nên. Những người mang thai, những người thể tạng hàn là những người thường sợ lạnh, tay chân lạnh, đại tiện phân lỏng, nát, sống phân, nước tiểu trong và nhiều... mà không có sốt thì không được sử dụng sừng tê giác.

Hậu quả nhãn tiền

Dân gian lưu truyền nhiều biện pháp chữa mẹo khá sốc, liên quan đến đường thở và đường ăn uống, như nuốt thạch sùng chữa bệnh đái dắt, nuốt giun chữa ung thư, nuốt chửng cơm hoặc nhiều thứ khác chữa hóc xương… Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các bác sĩ tai mũi họng thì việc chữa mẹo đường thực quản bằng cách nuốt nhiều thứ vào để trôi xương… là việc làm gây nguy hiểm đến tính mạng hơn vì càng đẩy sâu mảnh xương vào niêm mạc, thành thực quản… Cuối năm 2010, một cháu bé vì mắc bệnh đái dắt đã bị mẹ cho nuốt thạch sùng, do bị cấu đuôi dẫn nên con thạch sùng bị hoảng loạn, quẫy lung tung nên nó đã  không trôi vào thực quản mà vào khí quản, sau đó vào phổi khiến cậu bé bị khó thở. Các bác sỹ ở Viện Tai mũi họng Trung ương đã phải mổ nội soi để lấy con thạch sùng đang nằm im trong phổi. Các bác sỹ cho rằng, cậu bé quá may mắn vì con thạch sùng bị vào phổi, chứ nó ở lại khí quản thì cậu bé đã chết vì không thở được.

Hay việc một bà cụ bị hóc xương nên đã nuốt chửng cơm, rau, thậm chí cả rơm để tống cục xương xuống dạ dày. Nhưng tất cả đều hóc ở thực quản khiến cụ không ăn được gì trong nhiều ngày liền. Con cháu phải đưa cụ đến Viện Tai mũi họng Trung ương để mổ phẫu thuật lấy dị vật. Theo PGS Nguyễn Thị Ngọc Dinh, nguyên Viện trưởng Viện Tai mũi họng Trung ương, việc nuốt chửng để nhằm hi vọng trôi dị vật có thể khiến xương đâm xuyên thực quản, đâm sang quai động mạch chủ (gần tim) khiến khi rút xương ra có thể chết ngay vì máu chảy xối xả. Nếu để lâu gây hoại tử. Thực quản có nhiều đoạn hẹp nguy hiểm như miệng thực quản, chỗ gần quai động mạch chủ và phế quản gốc. Đây là những đoạn hẹp tự nhiên nên hay hóc những đoạn đó. Do vậy, khi bị hóc xương hoặc dị vật đường thở, bệnh nhân cần nhanh chóng đến các bác sĩ chứ không nên chữa mẹo gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn.

Hiện nay có rất nhiều bệnh nhân tin tưởng vào các phương pháp chữa bệnh theo kiểu… truyền miệng về chức năng công hiệu của một loại thần dược nào đó. Điều này rất nguy hiểm, không những không thể chữa được bệnh mà còn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Nêu các ví dụ trên để bạn đọc biết và không nên mù quáng bị lôi kéo vào những phương pháp chữa bệnh hoang đường không có sự kiểm chứng khoa học.