Thay đổi số năm học THCS: 1 triệu học sinh dồn đi đâu?

ANTĐ - Hai phương án về số năm học trong các bậc học phổ thông vừa được đưa ra bàn luận tại phiên họp Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực nhận được sự quan tâm lớn của các chuyên gia giáo dục. Trong đó vấn đề lớn nhất là nếu nâng bậc học THCS từ 4 năm lên 5 năm thì đồng nghĩa với việc tăng thêm 1 triệu học sinh vào cấp học này…

Phương án kéo dài 1 năm bậc THCS bị đánh giá là chưa phù hợp

Khắc phục tình trạng phân luồng kém ở bậc phổ thông 

Nhận xét về thực tế dạy và học ở bậc phổ thông, TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng khẳng định, công tác phân luồng, định hướng nghề nghiệp trong trường học hiện không đáp ứng được yêu cầu xã hội. Việc quá tập trung vào kiến thức cơ bản với mục đích duy nhất là vào đại học khiến công tác phân luồng của các trường THPT không phát huy tác dụng. Bằng chứng là mỗi năm có khoảng 1 triệu thí sinh thi tốt nghiệp THPT thì cũng có khoảng 1 triệu lượt thí sinh đăng ký tuyển sinh ĐH, CĐ.

Yêu cầu phải tạo sự phân luồng sớm, cân đối nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội, đã dẫn tới những đề xuất thay đổi khá lớn trong ngành giáo dục khi Bộ GD-ĐT đưa ra 2 phương án 9 năm và 10 năm hoàn thành giáo dục cơ bản ở bậc THCS, tương ứng với đó là 3 năm và 2 năm giáo dục định hướng nghề nghiệp ở bậc THPT. Theo phân tích của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận, Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đã đề cập đến giáo dục nghề nghiệp và giáo dục toàn diện. Trong đó, giáo dục phổ thông sẽ tích hợp cao ở lớp học dưới, phân hóa mạnh kết hợp với tự chọn ở lớp học trên. Giai đoạn giáo dục toàn diện kết thúc khi hết bậc THCS. Còn giáo dục THPT chuyển mạnh sang định hướng nghề nghiệp. Như vậy, sứ mạng của THPT là định hướng, chuẩn bị tốt cho các học sinh, phát huy được năng lực, sở trường.

Phải bù 30.000 phòng học nếu thêm 1 năm học THCS

“Tôi vừa nhận được văn bản về dự thảo tờ trình đề án đổi mới chương trình và sách giáo khoa của Bộ 

GD-ĐT để góp ý trong phiên họp tới. Trong đó có đề cập tới 2 phương án trên. Tôi chưa thể đưa ra ý kiến ngay lúc này nhưng có thể thấy, việc thay đổi theo hướng phân luồng là hướng đi đúng và là quy luật chung của thế giới. Việc chọn đến lớp nào thì dừng chương trình giáo dục cơ bản, cần thời gian bao nhiêu cho giáo dục định hướng nghề nghiệp, trên thế giới có rất nhiều phương án được áp dụng. Điều này đòi hỏi ta phải có thời gian cân nhắc kỹ và phân tích lý luận, thực tiễn từ các nước trước khi triển khai trong nước” – TS Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ.

PGS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam cho biết, nếu Bộ GD-ĐT áp dụng phương án 10 năm cho giáo dục cơ bản ở bậc THCS, có nghĩa sẽ tăng thêm 1 năm với khoảng 1 triệu học sinh. Trong khi đó, bậc THPT lại “rỗng ruột” khi rút từ 3 triệu xuống còn 2 triệu học sinh. Cần thận trọng khi xem xét lại việc giảm tải chương trình với những kiến thức không cần thiết để gói gọn 9 năm THCS hiện nay cho giáo dục cơ bản. Còn việc phân luồng chúng ta phải làm mạnh ở bậc THPT. “Tôi đề xuất 2 năm với học sinh xác định sẽ học tiếp lên đại học và 3 năm với học sinh học nghề. Với khối học nghề, các em vừa phải học kiến thức THPT vừa học nghề và sẽ có các chương trình liên thông từ trung học nghề lên CĐ, ĐH nghề. Học sinh có khả năng và định hướng vào đại học nghiên cứu hay ứng dụng thì có thể chỉ cần 2 năm học THPT”- PGS Trần Xuân Nhĩ nêu đề xuất.

Đại diện lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết, dự thảo có nêu vấn đề này nhưng chưa công khai vì cần thời gian hoàn chỉnh và thông qua Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo vào ngày 28-8 tới trước khi trình Quốc hội. Sau khi có ý kiến chính thức của Chính phủ, dự thảo tờ trình đề án đổi mới chương trình và sách giáo khoa sẽ được công khai để lấy ý kiến rộng rãi của xã hội.