Sẽ tiến hành cách ly cưỡng chế phòng Ebola

ANTĐ - Ngày 22-8, Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế cho biết, tính đến thời điểm này đã có 84 hành khách nhập cảnh vào Việt Nam từ vùng có dịch Ebola và họ đều đang được giám sát, theo dõi sức khỏe chặt chẽ. Điều lo ngại là việc giám sát sẽ khó khăn hơn, nguy cơ dịch xâm nhập ngày càng lớn khi số người về nước từ vùng có dịch Ebola đang gia tăng.

Tiến hành kiểm tra hành khách nhập cảnh vào Việt Nam

84 người đang được giám sát

Thông tin tại hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống dịch Ebola do Bộ Y tế tổ chức ngày 22-8, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế cho biết, đến thời điểm này đã có 83 hành khách nhập cảnh Việt Nam từ vùng có dịch bệnh Ebola. Số người này đang được ngành y tế tiến hành giám sát tích cực, gồm 79 người nhập cảnh qua sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, 4 người vào qua sân bay quốc tế Nội Bài. Trong số này, 75% là người nước ngoài (đa số là người Nigeria), còn lại là người Việt Nam. Đáng chú ý, ngoài số người bị yêu cầu cách ly, giám sát phòng dịch Ebola, có một hành khách người Việt Nam từ nước ngoài về nước bị sốt, đã xin tự nguyện cách ly. 

Đây là trường hợp trở về từ Liberia qua Cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, có biểu hiện sốt nhưng trước đó đã khai báo với cán bộ kiểm dịch y tế đang bị viêm họng và sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị, đồng thời uống thuốc hạ sốt tại sân bay Bangkok trước khi về Việt Nam. Trường hợp này ngay sau đó đã đưa vào khu vực cách ly tạm thời và được Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế TP Hồ Chí Minh theo dõi thân nhiệt 3 giờ/lần. Sau hơn 10 tiếng đồng hồ theo dõi, hành khách nói trên không sốt và không có triệu chứng nào của bệnh do virus Ebola nên được cho trở về nhà giám sát tại nơi cư trú. Tuy nhiên, chiều 20-8, hành khách này đã đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh xin tự nguyện cách ly, theo dõi tình trạng sức khỏe của bản thân. Từ lúc nhập viện đến nay, hành khách này vẫn trong tình trạng sức khỏe bình thường, không sốt, không có biểu hiện triệu chứng của bệnh do virus Ebola.

PGS.TS Trần Đắc Phu khẳng định, hiện Việt Nam vẫn chưa có bệnh nhân mắc bệnh Ebola. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh Ebola tiếp tục gia tăng tại 4 nước Tây Phi với nhiều diễn biến phức tạp, khả năng dịch Ebola xâm nhập vào Việt Nam là có thể xảy ra. Vì thế, ngành y tế chỉ đạo phân loại tất cả người nhập cảnh Việt Nam từ vùng có dịch và thông báo kịp thời cho các địa phương có hành khách cư trú để giám sát chặt trong 21 ngày theo quy định.

Tăng cường giám sát người nhập cảnh

Tại cuộc họp, đại diện Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cho biết, dịch Ebola đang có diễn biến ngày càng phức tạp với số mắc, tử vong tăng rất nhanh. Cụ thể, chỉ trong 20 ngày đầu tháng 8, số ca mắc đã tăng gấp đôi so với tháng 7 và gấp 5 lần so với tháng 6. Việt Nam tuy chưa có bệnh nhân nhưng với tình hình dịch phức tạp như vậy thì nguy cơ dịch lây lan vào Việt Nam là rất lớn. Đồng quan điểm, TS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh đề nghị “chúng ta nên đặt ra bối cảnh nếu có nhiều người cần cách ly thì phải tiến hành như thế nào. Đối với  những trường hợp người nước ngoài thì giải quyết viện phí ra sao?…”. Theo ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, rõ ràng khi số hành khách nhập cảnh Việt Nam từ vùng có dịch ngày càng tăng thì việc giám sát sẽ khó khăn hơn.

Trước những diễn biến mới và phức tạp của dịch Ebola, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, ngăn chặn Ebola từ ngoài xâm nhập vào nước ta vẫn là nhiệm vụ hàng đầu trong bối cảnh hiện nay. PGS.TS Nguyễn Thanh Long phân tích, nếu tình hình dịch càng diễn biến phức tạp thì khả năng xâm nhập vào Việt Nam càng lớn. Do đó, để ngăn chặn được dịch xâm nhập, tới đây phải đẩy mạnh thực hiện sàng lọc thân nhiệt hành khách nhập cảnh ở tất cả các chuyến bay quốc tế đến Việt Nam chứ không riêng gì hành khách từ Châu Phi. Riêng hành khách từ 4 nước có dịch thì bắt buộc khai báo và theo dõi toàn bộ. Nếu phát hiện trường hợp hành khách bị sốt phải cách ly ngay lập tức. 

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, theo quy định phòng chống bệnh truyền nhiễm, không chỉ tuyên truyền để người dân tự giác mà trong trường hợp cần thiết có thể phải áp dụng hình thức cao hơn, đó là cách ly cưỡng chế. Việc giám sát theo dõi sức khỏe của người nhập cảnh là rất quan trọng. Bộ Y tế sẽ cung cấp danh sách người  nhập cảnh cho chính quyền địa phương và công an, kiểm tra tình trạng sức khỏe của họ hàng ngày, giám sát các triệu chứng. Dự kiến trong tuần tới Bộ Y tế sẽ chủ trì tổ chức cuộc họp liên ngành về biện pháp phòng chống dịch bệnh với các bộ ngành có liên quan.