Quá sợ, hoa quả để nửa năm không hỏng

ANTĐ - Người tiêu dùng ngày càng lo lắng khi tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) để bảo quản rau, quả ngày càng khó kiểm soát, đặc biệt với rau, quả nhập khẩu. Dù khẳng định việc dùng hóa chất là được phép, nhưng dùng hóa chất gì mà để nửa  năm rau quả không hỏng thì cơ quan chức năng bó tay.

Tràn lan hoa quả nhập khẩu trong khi việc kiểm soát còn lúng túng

Siêu thị bán táo đã nhập 6 tháng

Gần đây, dư luận xôn xao về hiện tượng hoa quả để nửa năm, thậm chí 9 tháng không hỏng. Vào đầu tháng 9, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia Phạm Xuân Đà cho biết, ông mua lê Trung Quốc để trong môi trường bình thường, sau 5 tháng chỉ hơi héo một chút so với lúc đầu. Rồi mới đây, bà Đặng Thị Thọ (ở Yên Hòa, Cầu Giấy) cho biết, mua một quả táo thắp hương từ dịp Tết Nguyên đán, đến nay đã hơn 8 tháng mà không hỏng, chỉ héo và màu ngả vàng. 

Tương tự, ngày 27-8, Thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh rau, quả tại siêu thị Oceanmart trên đường Phạm Ngọc Thạch phát hiện, lô táo được siêu thị ghi “táo Fuji, xuất xứ Hàn Quốc” có hóa đơn thương mại từ ngày 17-2-2014, tờ khai hải quan của lô hàng cấp ngày 5-3-2014. Như vậy, đến thời điểm kiểm tra, lô táo “Fuji Hàn Quốc“ bán tại siêu thị này đã có thời hạn 6 tháng. Tuy vậy, nhìn bề ngoài, trái táo vẫn tươi, ngon, chỉ hơi xỉn màu. Đại diện siêu thị Oceanmart khẳng định, lô táo không phải đã được nhập khẩu lâu như vậy, nhưng qua 1 tháng, phía siêu thị vẫn không cung cấp được giấy tờ liên quan chứng minh điều này. 

Việc rau, quả nhiễm thuốc BVTV và hóa chất bảo quản cũng được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đánh giá là một trong những vấn đề gây bức xúc nhất trong dư luận hiện nay. “Cục BVTV phải làm rõ việc lê, táo để 5 đến 9 tháng vẫn không hỏng, thông tin minh bạch cho người dân và dư luận nắm được”, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu. 

Lô táo Fuji Hàn Quốc bày bán ở siêu thị Ocean mart Phạm Ngọc Thạch 
đã được nhập khẩu 6 tháng

Bất lực kiểm soát ATTP rau, quả?

Nhận định về hiện tượng lê, táo để lâu không hư hại, PGS.TS Nguyễn Duy Lâm (Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch) cho biết, thông thường hai loại quả này có thời gian tươi lâu hơn so với xoài, đu đủ, nhưng tươi lâu vượt mức như vậy là có sự can thiệp của thuốc bảo quản với độc tính cao: “Hoa quả bình thường khi xuất xưởng phải để trong điều kiện tự nhiên. Tuy nhiên, lê, táo nhập khẩu chắc chắn sẽ được bọc trong túi nylon ẩm có thuốc để các loại vi khuẩn, nấm mốc chết, không có cơ hội phát triển làm thối quả”.

Được biết, hiện có khoảng hơn 2.000 hoạt chất BVTV sử dụng trong  trồng trọt, bảo quản rau, củ, quả nhưng Việt Nam mới kiểm nghiệm được 600 chất. Mặc dù Cục BVTV khẳng định, ngay cả các nước khắt khe như châu Âu, Mỹ, Nhật… cũng cho phép dùng hóa chất bảo quản để bảo quản rau, củ, quả thế nhưng, các nước dùng hóa chất gì thì Việt Nam không kiểm soát được. Đại diện Cục BVTV lý giải, tiêu chuẩn của các nước rất khắt khe, trong khi các lô hàng rau, củ, quả nhập khẩu đều được các nước cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn. Và như vậy, chắc chắn sẽ đạt tiêu chuẩn của Việt Nam! Điều đáng lo ngại, với hàng tiêu dùng trong nước, các nước đều có cơ quan kiểm soát rất chặt với bộ máy tiên tiến, có thể phát hiện ra các mối nguy về ATTP. Còn hàng xuất khẩu, trong quá trình vận chuyển, thương nhân dùng hóa chất gì để bảo quản rau, quả tươi, khi vào Việt Nam là câu hỏi lớn.

Tiến sĩ Nguyễn Trường Thành, nguyên Trưởng bộ môn Thuốc - Cỏ dại và Môi trường, Viện BVTV thông tin, thị trường hiện có quá nhiều loại thuốc BVTV. Tại các cửa khẩu, hiện nay chỉ kiểm tra được những chất thông thường nên nguy cơ mất an toàn cao nếu không có một hàng rào kỹ thuật tốt để giám định.

Trong khi, hoa quả Việt Nam muốn xuất khẩu đi các thị trường khác bị kiểm tra, kiểm soát rất khắt khe theo quy trình từ gốc đến ngọn như: phải có vùng chuyên canh lớn, phải được đánh số và mã hóa ngay tại vùng trồng, trước khi xuất khẩu phải được chiếu xạ…. Hàng năm, các nước nhập khẩu đều có đoàn sang Việt Nam kiểm tra ngay tại vùng trồng, nếu không đáp ứng sẽ dừng nhập khẩu. Nhìn lại quy trình, đặc biệt là việc giám sát hoa quả nhập khẩu vào Việt Nam mới thấy, dường như bất lực.