Phí dịch vụ y tế theo khung điều chỉnh: Quá nửa đề xuất không hợp lý

ANTĐ - Theo thông tin từ cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, tính đến thời điểm này chỉ còn khoảng 10 tỉnh/thành chưa thông qua khung giá viện phí mới. Dự kiến bắt đầu từ 1-8 tới, các địa phương đã được HĐND tỉnh thông qua sẽ chính thức áp dụng thu phí dịch vụ y tế theo khung giá viện phí điều chỉnh này…

Các BV tuyến Trung ương đề xuất giá viện phí mới bằng khung tối đa

Hầu hết đã xây dựng xong

Trong số 38 BV tuyến Trung ương trực thuộc Bộ Y tế, tính đến thời điểm này đã có 22 BV xây dựng xong và trình khung giá điều chỉnh viện phí lên Bộ Y tế, 5 BV đã được Bộ Y tế thông qua, có thể chính thức áp dụng giá viện phí mới ngay từ 1-8 tới đây gồm: BV Bạch Mai, BV Việt Đức, Viện Huyết học và truyền máu Trung ương, BV K và BV Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh).

Dự kiến ngay trong quý 3 này, tất cả các BV trực thuộc Bộ Y tế sẽ hoàn tất việc xây dựng khung giá viện phí mới để có thể đưa vào áp dụng trong thời gian sớm nhất. Ông Nguyễn Nam Liên, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính - Bộ Y tế cho biết, so với các BV tuyến tỉnh thì các BV trực thuộc Bộ Y tế đề xuất mức viện phí khá hợp lý: những BV hạng đặc biệt và hạng 1 đề xuất mức phí bằng 95-100% khung giá tối đa mà liên Bộ ban hành, các BV hạng 2 như BV Phổi Trung ương, BV 74 Trung ương, các BV Phong, Da liễu… đề xuất mức phí bằng 90% khung giá tối đa nhưng các chuyên khoa chính thì đề xuất tối đa.

Với các BV tuyến dưới, đến thời điểm này hầu hết các địa phương hoàn thành việc xây dựng, thẩm định khung giá viện phí mới, báo cáo UBND tỉnh trình hoặc đã trình HĐND tỉnh thông qua. Từ 1-8 tới, có ít nhất 9 tỉnh, thành sẽ chính thức áp dụng giá viện phí mới và dự kiến từ nửa cuối tháng 8 trở đi, con số này sẽ tăng lên gần 50 địa phương. Tuy nhiên có một số tỉnh/thành phố, dù đã xây dựng xong khung giá viện phí mới nhưng HĐND tỉnh/thành phố quyết định chưa xem xét phê duyệt ngay mà lùi đến tháng 9, tháng 12.

Điển hình là Hà Nội, hiện đã xây dựng xong, và trình UBND khung giá viện phí mới (mức giá đưa ra là 73% khung tối đa) nhưng cả UBND và HĐND thành phố đều thống nhất không xem xét trong kỳ họp này, yêu cầu xây dựng lại lộ trình thực hiện giá dịch vụ y tế mới đến năm 2015 cho phù hợp. Tương tự còn có các tỉnh/thành phố như Đà Nẵng, Bình Thuận, Tây Ninh, Tiền Giang, Vĩnh Phúc, Huế, TP Hồ Chí Minh.

Có 35 tỉnh, thành phố xây dựng mức giá viện phí mới khá phù hợp, từ 70% - 80% khung giá tối đa mà liên Bộ Y tế - Tài chính ban hành. Trong số những địa phương đã thông qua khung giá viện phí mới, có những tỉnh/thành chỉ đề nghị điều chỉnh chưa đến 200 trên tổng số 447 dịch vụ y tế được điều chỉnh giá. 

Đua nhau lên khung giá cao

Bên cạnh những địa phương đã điều chỉnh khá sát, gần một nửa số địa phương còn lại đã trình lên mức giá viện phí điều chỉnh chưa phù hợp, thậm chí rất thiếu phù hợp với điều kiện kinh tế tại địa phương đó. Có thể chỉ ra: tỉnh Khánh Hòa đề xuất mức viện phí điều chỉnh bằng 95% khung giá tối đa, Đồng Tháp là 93%, Ninh Thuận 93%... dù rằng người dân các tỉnh này mức thu nhập thấp, khả năng cung cấp dịch vụ y tế và chất lượng dịch vụ y tế không cao, tỷ lệ dân số tham gia BHYT rất thấp. Hay tỉnh Cao Bằng, một tỉnh miền núi phía Bắc còn khó khăn cũng xây dựng mức giá bằng 93% và đã được HĐND tỉnh thông qua, cơ quan BHXH đã phải có công văn đề nghị Cao Bằng tạm thời dừng lại không thông qua khung viện phí nói trên nhưng hiện vẫn phải chờ quyền quyết định cuối cùng của HĐND tỉnh.

Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT - BHXH Việt Nam phân tích, lý do các địa phương đua nhau xây dựng khung giá viện phí cao, rất cao có nhiều. Một là bản thân các BV xây dựng giá dịch vụ y tế chưa theo đúng mục tiêu mà liên Bộ Y tế - Tài chính ban hành trong thông tư 04, đó là tính đúng tính đủ dịch vụ y tế. Nhiều tỉnh còn khó khăn, tỉnh nghèo ở miền núi cũng có tư tưởng nâng mức dịch vụ y tế lên cao để tăng nguồn thu cho BV từ quỹ BHYT, tận dụng hết nguồn thu của BHYT tại địa phương mà không tính đến việc có phù hợp với chất lượng dịch vụ y tế hay không, phù hợp với kinh tế địa phương hay không, càng không nghĩ đến tỷ lệ người dân chưa có thẻ BHYT. Ông Sơn dẫn chứng, BHXH Việt Nam đã phải gửi thư đến bí thư tỉnh ủy và chủ tịch HĐND của 15 tỉnh/thành đề nghị nên có sự điều chỉnh lại khung giá viện phí cho phù hợp hơn. 

Đặc biệt, theo thông tin từ BHXH Việt Nam, để giá viện phí có thể được phê duyệt ở mức cao, không ít địa phương đã sử dụng một số “thủ thuật”, “tiểu xảo” nhằm đưa ra những lý luận lôgic cho việc này. Cách phổ biến mà các địa phương thường dùng là chia nhóm các dịch vụ kỹ thuật, trong đó, dịch vụ kỹ thuật nào thường xuyên được sử dụng (như khám bệnh, giường bệnh...) thì đề xuất ở mức rất cao. Còn những dịch vụ kỹ thuật ít được sử dụng (như sinh thiết tủy xương…) thì đề xuất ở mức thấp. Từ đó, tính bình quân thì mức viện phí điều chỉnh vẫn ở mức phù hợp, không quá cao nhưng người bệnh lại rất thiệt thòi.