Nỗi ám ảnh thang máy

ANTĐ - Ba ngày sau cái chết của người bảo vệ xấu số tại toà nhà N5A phố Hoàng Đạo Thúy, quận Thanh Xuân, Hà Nội, phóng viên Báo ANTĐ quay trở lại khu nhà này và được biết hệ thống thang máy tại đây vẫn ngừng hoạt động.

Lối đi vào nhà N5A thành nơi trông giữ xe máy và thang máy vẫn ngừng hoạt động

Toát mồ hôi vì thang máy hỏng

Tay xách đồ ăn, tay dắt con nhỏ chưa đầy 3 tuổi mệt mỏi bước lên cầu thang, chị Hoàng Thị V ở tầng 9 nhà N5A cho biết, nhiều tháng nay, ngày nào chị cũng phải leo lên, leo xuống tối thiểu 4 lần/ngày bằng cầu thang bộ. Vất vả nhất là người già và trẻ nhỏ. Cậu bé con chị V khi xuống còn chịu đi vài bước, lúc lên nằng nặc đòi bế khiến chị V rất vất vả. Từ khi thang máy trục trặc, việc gọi gas để nấu nướng sinh hoạt trong các căn hộ ở tầng trên cũng rất khó. Hầu hết các nhà cung cấp tìm cách từ chối do việc mang vác trên tầng cao mất rất nhiều công sức. “Mang tiếng là sống ở khu đô thị mới, hiện đại mà tôi thấy trăm đường khổ” - chị V thở dài. 

Cũng theo chị V, 80 hộ gia đình ở tòa nhà N5A phần lớn là dân tái định cư thuộc dự án thu hồi đất ở đường Khuất Duy Tiến để mở rộng đường vành đai 3. Nhiều gia đình đã chuyển về đây sinh sống từ năm 2003. Tại những tầng trên cùng, thời gian gần đây, một số hộ đã phải tạm thời tá túc nơi khác. Đặc biệt sau khi xảy ra cái chết thương tâm của người bảo vệ, người dân nơi đây càng thêm lo sợ về chất lượng thang máy. “Chúng tôi đã tình nguyện rời nơi chôn nhau cắt rốn để đến đây, vậy mà đến cái thang máy - phương tiện thiết yếu phục vụ sinh hoạt cũng không đảm bảo. Trong khi đó, hầu hết diện tích các căn hộ ở tầng 1, khu sinh hoạt chung xung quanh tòa nhà đã bị đơn vị quản lý cho thuê thu lợi. Chỉ có người dân là thiệt đủ đường” - chị V bức xúc.

Còn theo ông Nguyễn Trí Hải, phòng 804 nhà N5A, thang máy số 1 trong  tòa nhà đã trục trặc cách đây gần 4 tháng. Người dân đã làm đơn trình báo và đề nghị đơn vị quản lý tiến hành sửa chữa song chỉ nhận được câu trả lời bằng miệng: “từ ngày 1-4 người dân phải tự bỏ tiền để sửa chữa bất cứ hỏng hóc nào trong chung cư”. Do vậy, cư dân trong tòa nhà đã thành lập tổ tự quản, nhất trí mỗi hộ đóng góp một khoản tiền để sửa chữa thang máy. Trong khi đang chờ vật tư sửa chữa thì xảy ra sự cố đáng tiếc. Ông Hải chia sẻ: “Tòa nhà N5A gồm 11 tầng. Điều khiến chúng tôi lo lắng nhất là tính mạng, sức khỏe của trẻ nhỏ. Để chúng đi thang bộ thì không nỡ mà cho đi thang máy thì thấp thỏm không yên”.

Liên quan đến sự việc trên, được biết, ngày 12-6, Xí nghiệp Quản lý dịch vụ và khai thác khu đô thị (QLDV&KTKĐT) đã nhận được báo cáo của Tổ quản lý vận hành cụm nhà N khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính về việc thang máy số 1 nhà N5A không hoạt động do phớt dầu hộp số bị mòn gây chảy dầu. Tại buổi kiểm tra,  tổ quản lý vận hành cụm nhà N đã khóa, ngắt nguồn điện không cho thang máy hoạt động. Sau đó, tổ dân phố đã thông báo trên bảng tin của tòa nhà về việc này.

Chậm do… quy trình xin kinh phí ?!

Ngày 13-6, Xí nghiệp QLDV&KTKĐT đã mời đơn vị chuyên môn xuống kiểm tra ghi nhận cụ thể thiết bị hỏng của thang máy số 1: Hỏng phớt dầu hộp số, su đối trọng bị mòn, vỡ, sensor giới hạn trên dưới bị lỗi do sử dụng lâu ngày. Xí nghiệp đã đề nghị đơn vị  Coninco-Sec cung cấp báo giá  linh kiện thiết bị hỏng và báo cáo  rõ về tình trạng này để xí nghiệp có cơ sở lập phương án, dự toán sửa chữa. 

Ngày 26-6, Xí nghiệp QLDV&KTKĐT đã thông báo cho tổ quản lý vận hành cụm nhà N khu Trung Hòa - Nhân Chính tạm dừng thang máy không cho hoạt động nhằm đảm bảo an toàn và thông báo để tổ dân phố toà nhà được biết. Cùng ngày, xí nghiệp đã lập phương án sửa chữa và dự toán, dự trù kinh phí thay thế thiết bị cho thang máy số 1 nhà N5A.

Theo ông Lương Văn Hữu, Giám đốc Xí nghiệp QLDV&KTKĐT, đến ngày 30-6, sau khi nhận được thông tin về cái chết đột ngột của ông Trần Anh Tuấn - nhân viên bảo vệ của xí nghiệp, xí nghiệp đã phối hợp với cơ quan cảnh sát điều tra ghi nhận sự việc, cùng gia đình ông Tuấn lo hậu sự cho nạn nhân. Xí nghiệp đã hỗ trợ cho gia đình ông Tuấn tổng số tiền là 50 triệu đồng. Ông Hữu khẳng định, việc thang máy hỏng đã được thông báo từ trước và ông Tuấn không có nhiệm vụ kiểm tra, sửa chữa thang máy. Chiều 1-7, cơ quan cảnh sát điều tra CAQ Thanh Xuân đã tổ chức cuộc họp thông báo về nguyên nhân khiến ông Tuấn tử vong là do tai nạn và thống nhất đề xuất công ty TNHH một thành viên quản lý và phát triển nhà  Hà Nội ứng vốn sửa chữa ngay thang máy hỏng để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân.

Cũng theo ông Hữu, mặc dù nhà N5A vẫn còn hơn 40 triệu đồng tiền phí bảo trì, song để được sử dụng kinh phí này sửa chữa các sự cố, theo quy trình, xí nghiệp phải báo cáo với công ty, mời phòng chuyên môn của Sở Xây dựng, đơn vị bảo trì xuống kiểm tra. Sau khi xác định được nguyên nhân gây hỏng hóc, đơn vị bảo trì phải báo giá với xí nghiệp và qua một số công đoạn khác mới tiến hành sửa chữa. Đây là một trong những nguyên nhân khiến việc khắc phục sự cố bị chậm. Bên cạnh đó, tòa nhà này dù đã được đưa vào sử dụng hơn 10 năm nay nhưng Ban Quản trị vẫn chưa được thành lập. Hiện xí nghiệp đã lập phương án và dự trù kinh phí sửa chữa thang số 1 nhà N5A với tổng kinh phí dự kiến là 17,4 triệu đồng. Việc sửa chữa đang được cơ quan chuyên môn tiến hành. Sau khi sự cố được khắc phục, những thang máy này phải được cơ quan chức năng kiểm định an toàn về chất lượng, xí nghiệp mới đưa thang máy vận hành trở lại.

Nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn chết người nêu trên là do sự chậm trễ trong  việc khắc phục những hư hỏng trong các khu nhà chung cư của các đơn vị quản lý. Để tránh xảy ra những sự việc đáng tiếc tiếp theo, tạo điều kiện thuận lợi cho đời sống sinh hoạt của người dân, đề nghị thành phố yêu cầu các ban ngành liên quan sớm thống kê các hư hỏng tại các khu nhà tái định cư, chung cư, có biện pháp khắc phục ngay.