Nhộn nhịp chợ nổi Cái Răng ngày áp Tết

ANTĐ - Chợ nổi Cái Răng nằm trên sông Cái Răng, gần cầu Cái Răng, cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 7km, nếu đi bằng đường bộ. Đi thuyền, xuất phát từ bến Ninh Kiều (Cần Thơ), gặp mùa nước lên chỉ hết 30 phút, mùa nước ròng phải mất 45 phút. Đương nhiên chơi chợ nổi trên sông, chúng tôi thích “phượt” bằng thuyền. 

Chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) tấp nập đông vui

Biết rằng ngày áp Tết, người thăm chợ mua bán rất đông, “cháy” ghe thuyền, chúng tôi phải đăng ký đặt đò từ chiều hôm trước với một bà lái lanh lẹn, xởi lởi. Đúng hẹn, sáng tinh mơ hôm sau, bà đon đả cười tít, đón chúng tôi xuống bến, mau mắn chào: “Thấy các chú còn trẻ, tôi cho cô em út chở các chú đi cho… vui“. 

Đặt chân xuống đò, khi đò quay mũi, cô lái trẻ có nụ cười má lúm đồng tiền, thật thà thanh minh: “Em hổng phải là “Út” của bả. Bả làm “cò” rước mối khách cho tụi em đưa đi tham quan thôi!”. Chiếc đò “đuôi tôm” phành phạch rẽ nước đưa, cô lái đò vui chuyện cất tiếng ca cải lương mùi mẫn phục vụ khách, tự hào giới thiệu phiên chợ quê hương: “Chợ nổi từ nửa đêm về sáng / Ta vẫn chìm từ giữa hoàng hôn / Em treo bẹo Cái Răng Ba Láng / Ta thương hồ Vàm Xám Cần Thơ“.

Đến chợ Cái Răng, mới hiểu thế nào là “chợ nổi”. Hàng trăm ghe thuyền lớn nhỏ, người bán, kẻ mua đều ngồi trên thuyền đậu kín cả khúc sông dài 2km. Đây là chợ đầu mối chuyên mua bán các loại trái cây, nông sản. Hàng hóa tập trung ở đây với số lượng lớn. Mỗi mặt hàng được phân loại đồng đều về chất lượng và kích cỡ. Dân địa phương và vùng lân cận thường dùng ghe xuồng loại trung bình. Ghe bầu lớn là của các thương lái thu mua trái cây tải đi khắp nơi ra miền Trung, các thành phố lớn, sang cả Campuchia, Trung Quốc… Chợ có đủ mặt hàng trái cây đặc sản miệt vườn Nam bộ, rau, thịt, tôm, cá, mực, hủ tiếu, cà phê, quán nhậu, cả số sim, card điện thoại, vé số… cuối năm có thêm mặt hàng điện tử, đèn nhấp nháy, đồ hàng mã… Mỗi ghe thuyền bán một loại mặt hàng, trước mũi ghe có một cây sào cao chót vót gọi là “cây bẹo”, trên đó treo kín hàng hóa. Khách muốn mua gì cứ nhìn cây bẹo mà tới. Đây là một hình thức rao bán sáng tạo, độc đáo của người dân vùng sông nước. Trên một chiếc thuyền trang trí như một nhà hàng, chúng tôi thấy rất nhiều khách điểm tâm sáng tô hủ tiếu, bánh tiêu…, xen vào đó là những tiếng trao đổi, mua bán chân quê. 

Hòa mình vào không khí nhộn nhịp của phiên chợ ngày áp Tết, du khách còn có thể quan sát tìm hiểu sinh hoạt của nhiều gia đình thương hồ với nhiều thế hệ sống chung trên ghe. Có những chiếc ghe như “căn hộ di động” trên sông nước đủ cả chậu kiểng, vật nuôi chó - gà - mèo… các tiện nghi sinh hoạt: Ti vi, tủ lạnh, đầu đĩa, dàn âm thanh, xe gắn máy đậu cả trên ghe… Sau khi dạo một vòng chợ, khi cái nắng xua tan màn sương mỏng, chiếu ánh nắng vào chiếc ghe “mui trần”, chúng tôi ghé vào quán giải khát trên đò nhâm nhi ly cà phê “lắc” trong cảm giác bồng bềnh thú vị…