Nghỉ hè, gia tăng trẻ bị đuối nước và tai nạn

ANTĐ - Khoảng 2 tuần trở lại đây, khoa Nhi của các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội tiếp nhận khá nhiều trẻ nhỏ bị đuối nước và tai nạn sinh hoạt khác. Theo các bác sĩ, vào mùa hè trẻ được nghỉ học, nhiều trường hợp trẻ không được trông nom, giám sát chặt chẽ nên tai nạn dễ xảy ra hơn.

Nhiều trẻ phải nhập viện cấp cứu do các tai nạn đáng tiếc. Ảnh minh họa: internet

Mới đây, khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận một bé trai mới 2 tuổi, ở Phú Xuyên (Hà Nội) vào cấp cứu đuối nước trong tình trạng hôn mê, tím tái, co giật... Theo lời người nhà cháu bé kể lại, tai nạn xảy ra vào lúc chập tối khi bé cùng với một bé khác ngồi chơi ở gần bờ ao. Trong ít phút không có người lớn trông nom, cháu bé bị ngã xuống ao. Rất may cháu bé chơi cùng chạy vào gọi người lớn nên người nhà của cháu bé kịp nhảy xuống ao vớt được bé lên và đưa đến trạm y tế xã sơ cứu trước khi chuyển thẳng lên Bệnh viện Bạch Mai.  

Bác sĩ Nguyễn Hồng Phong, khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trường hợp trẻ nói trên được đưa vào khoa cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu, toàn cơ thể tím tái, tăng trương lực cơ, nhịp tim nhanh, tự thở, phổi tổn thương. Ngay lập tức, trẻ được cấp cứu bằng các thuốc cắt cơn co giật, chống phù não, thở ôxy liều cao, đồng thời được chỉ định dùng kháng sinh. Nhờ đó, cháu bé đã được cứu sống và may mắn là không để lại di chứng.

Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Phong, thường cứ đến hè thì số trẻ bị đuối nước vào cấp cứu lại có xu hướng tăng lên. Trong đó, rất nhiều trường hợp trẻ bị đuối nước là do lỗi của cha mẹ sơ ý, không theo dõi trẻ sát sao. Thực tế bệnh viện đã từng tiếp nhận cả những cháu bé đi bơi ở bể bơi cùng bố mẹ, trẻ đi trên thành bể bơi không may ngã xuống nước… Vì thế, các bậc cha mẹ cần hết sức cảnh giác, không nên để trẻ nhỏ chơi gần bờ ao, mương, rạch, khi cho trẻ đi bơi cần có sự theo dõi sát sao của người lớn. Trường hợp trẻ bị đuối nước thì cần lập tức tiến hành sơ cứu bằng cách kiểm tra mũi, miệng của trẻ để khai thông đường thở (nếu có mắc dị vật) và làm thủ thuật hô hấp nhân tạo, sau đó nhanh chóng đưa  đến cơ sở y tế gần nhất.

Ngoài đuối nước, số trẻ phải nhập viện vì gặp các tai nạn sinh hoạt khác trong mùa hè cũng gia tăng mà nguyên nhân chủ yếu vẫn là do sự lơ là của người lớn. Thời gian qua, khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Nhi Trung ương liên tục tiếp nhận các bệnh nhi bị ngộ độc các loại chất tẩy, xăng dầu, hóa chất… được chứa trong chai nước suối, nước ngọt. Tình trạng hóc dị vật ở trẻ nhỏ, đặc biệt là hóc thạch cũng diễn ra phổ biến hơn trong mùa hè bởi đây là món ăn mát. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Khoa Nhi – Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong mùa hè nóng nực, thạch là món ăn yêu thích của nhiều trẻ nhỏ nhưng do đây là loại đồ ăn trơn, nhẵn nên các cháu rất dễ bị hóc do thạch rơi vào thanh quản, gây nghẹt thở. Trong số các loại hóc dị vật thì hóc thạch thuộc dạng nguy hiểm nhất và đe dọa nghiêm trọng tính mạng của trẻ.

Một loại tai nạn ở trẻ em khác cũng thường gia tăng mạnh trong mùa hè là bỏng điện. Thống kê tại Bệnh viện Bỏng Quốc gia và các bệnh viện khác trong những năm gần đây đều cho thấy, số trẻ phải nhập viện vì bỏng điện trong mùa hè luôn gia tăng đột biến. Theo các bác sĩ, nguyên nhân vì nhu cầu dùng điện trong mùa hè cao hơn. Đặc biệt ở các vùng nông thôn, mùa hè  được nghỉ học, trẻ thường rủ nhau thả diều, nhiều trường hợp không may diều vướng vào dây điện cao thế gây ra tai nạn… 

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng chỉ rõ, những tai nạn nói trên ở trẻ hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu trẻ được giáo dục thường xuyên về các biện pháp đảm bảo an toàn, nhất là cần phải có sự quan tâm, trông nom sát sao hơn của người lớn.