Nên có trung tâm điều hành sử dụng gas

ANTĐ - Trước cái chết của 2 cháu bé trong vụ nổ khí gas, sập nhà tại phường Bách Khoa (Hà Nội), ông Trần Ngọc Vinh, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (ĐBQH - TP  Hải Phòng) chia sẻ với phóng viên ANTĐ.
- PV: Tâm trạng của ông ra sao khi biết tin vụ nổ khí gas, sập nhà ở phường Bách Khoa, vào sáng 3-11 đã cướp mất sinh mạng 2 cháu bé còn thơ dại?

- Ông Trần Ngọc Vinh: Tôi rất thương và xin được chia sẻ nỗi mất mát, không gì bù đắp được với gia đình các nạn nhân. Tôi và các ĐBQH đều thấy đau xót vô cùng trước cái chết thảm thương của 2 cháu bé. Mong các đoàn thể, tổ chức và cá nhân có lòng hảo tâm chia sẻ với gia đình nạn nhân, để nguôi ngoai bớt nỗi đau thương của họ.

- PV: Ông thấy gì qua vụ việc này?

- Hiện nay, chúng ta dùng khí gas rất nhiều, nhưng công tác tuyên truyền cho nhân dân hiểu về cách sử dụng khí gas an toàn, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Bên cạnh đó, còn thiếu những chế tài để kiểm tra các đơn vị cung cấp khí gas xem trọng lượng gas trong bình đủ chưa; chất lượng bình chứa khí gas liệu có đảm bảo các chỉ số an toàn; các thiết bị đấu vào bình gas, dụng cụ san chiết gas đạt đủ tiêu chuẩn sử dụng không?... Đây là những vấn đề còn thiếu về mặt quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này. Một vấn đề khác tôi muốn đề cập đến là nhà ở của người dân chật hẹp, do vậy nơi đặt bếp gas cũng chưa thực sự an toàn. Đây là nguyên nhân dẫn đến những vụ tai nạn. Thử tính xem, gian nhà của các nạn nhân vụ nổ ở phường Bách Khoa rất chật nên sức công phá của một bình gas dân dụng dành cho gia đình đã gây thiệt hại lớn đến như vậy. Thử hỏi, nếu xảy ra những vụ nổ bình khí gas lớn hơn, hậu quả sẽ ra sao?

- PV: Vậy, cần có biện pháp gì để sử dụng khí gas an toàn, thuận tiện?

- Theo tôi, cần tính toán lại phương án sử dụng khí gas. Ví dụ: Nên có một trung tâm điều hành sử dụng khí gas tại một khu vực nhất định, để phân phối khí gas đến từng hộ có nhu cầu sử dụng. Nhà nào dùng bao nhiêu gas, sẽ có đồng hồ đo đếm. Đây là một trong những biện pháp khả thi, nhằm giảm thiệt hại bởi những hậu quả từ các vụ nổ khí gas gây ra.

- PV: Từ vụ nổ khí gas, sập nhà ở phường Bách Khoa, nhiều ý kiến người dân cho rằng công tác cứu hộ rất chậm, lúng túng trong cách xử lý các tình huống xảy ra, ông đánh giá việc này như thế nào?

- Tôi cho rằng, do những vụ việc kiểu này không xảy ra thường xuyên, nên các đơn vị chức năng thực hiện công tác cứu hộ cũng chủ quan, không tính trước được các phương án ứng cứu. Mặt khác, công tác luyện tập và ứng phó của các đơn vị tham gia cứu hộ thiếu tính chuyên nghiệp, thành ra lúng túng, xử lý chậm chạp trong những tình huống cần phải chạy đua với thời gian, để giành giật lấy từng sinh mạng con người.

- PV: Xin cảm ơn ông!