Nạn lạm dụng và xâm hại trẻ em: Giật mình... những con số

(ANTĐ) - Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2009, toàn quốc phát hiện 776 vụ tội phạm xâm hại trẻ em do 909 đối tượng gây ra, trong đó số các em bị xâm hại bao gồm từ giết, hiếp dâm đến cố ý gây thương tích lên đến hơn 800 trường hợp. Những thống kê này từ Cục CSĐT tội phạm về TTXH - Bộ Công an đưa ra khiến các đại biểu tham dự cuộc Hội thảo Quốc gia Phòng chống lạm dụng và xâm hại trẻ em phải giật mình…

Nạn lạm dụng và xâm hại trẻ em: Giật mình... những con số

(ANTĐ) - Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2009, toàn quốc phát hiện 776 vụ tội phạm xâm hại trẻ em do 909 đối tượng gây ra, trong đó số các em bị xâm hại bao gồm từ giết, hiếp dâm đến cố ý gây thương tích lên đến hơn 800 trường hợp. Những thống kê này từ Cục CSĐT tội phạm về TTXH - Bộ Công an đưa ra khiến các đại biểu tham dự cuộc Hội thảo Quốc gia Phòng chống lạm dụng và xâm hại trẻ em phải giật mình…

Trẻ em cần được quan tâm hơn nữa để được bảo vệ trước các hành vi xâm hại, lạm dụng
Trẻ em cần được quan tâm hơn nữa để được bảo vệ trước các hành vi xâm hại, lạm dụng

Thực trạng đáng buồn

“Mặc dù từ nhiều năm nay, vấn đề bảo vệ trẻ em khỏi những hành vi lạm dụng, xâm hại, tạo điều kiện để các em đựoc sống và phát triển trong môi trường an toàn rất được Nhà nước chú trọng. Tuy nhiên sau gần 10 năm thực hiện Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2001-2010, việc ngăn chặn đẩy lùi các nguy cơ, hành vi xâm hại, lạm dụng trẻ em vẫn chưa đạt được hiệu quả tương xứng”. Đó là nhận xét thẳng thắn của Tiến sỹ Bùi Sĩ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội nêu ra trong cuộc hội thảo. Theo Tiến sỹ Bùi Sĩ Lợi: Trong một nghiên cứu xã hội mới đây chỉ tính riêng tại TP.HCM có 1.200 trẻ em bị thương tích trong gia đình và xã hội đến mức phải nhập viện. So với 10 năm về trước, sự xâm hại do bạo lực trong gia đình tăng gấp 3 lần, tại cộng đồng tăng 7 lần và trong trường học tăng 13 lần.

Bác sỹ Nguyễn Trọng An - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em - Bộ LĐ-TB&XH cũng phản ánh: Thời gian gần đây các vụ lạm dụng, bạo lực đối với trẻ em liên tiếp được phát hiện gây bức xúc mạnh mẽ của dư luận. Có nhiều vụ việc gây “sốc” trong dư luận xã hội do bạo lực và xâm hại diễn ra trong thời gian dài hoặc đối với nhiều em, trẻ quá nhỏ hoặc quá trái ngược với đạo lý, thuần phong mỹ tục.

Ví dụ: Em Nguyễn Thị Bình trong nhiều năm bị cả hai vợ chồng chủ quán phở đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội bóc lột sức lao động và đánh đập tàn nhẫn. Vụ 4 học sinh lớp 9 trường THCS Trần Phú, phường 15, quận 10, TP Hồ Chí Minh bị các dân quân phường đánh gây thương tích nặng. Cháu Hồ Thị Bông, 9 tuổi, ở quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh bị mẹ nuôi bắt đi ăn xin từ sáng đến đêm, bị đánh đập dã man nếu không kiếm đủ 200.000 đồng/ngày, thậm chí bị dội nước sôi vào người. Cháu Đỗ Ngọc Bảo Trâm, 18 tháng tuổi, trường Mầm non tư thục Thiên Cơ, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh, bị cô giáo dùng băng dính bịt miệng, ngạt thở dẫn đến tử vong. Các em nhỏ ở cơ sở trông giữ trẻ tổ 6, khu phố 3, phường Quyết Thắng, TP Biên Hoà, Đồng Nai bị người trông giữ Quản Thị Kim Hoa quát mắng, đánh đập tàn nhẫn vào giờ ăn. Bé Hảo, 3 tuổi, ở Phước Long, Bình Phước bị mẹ đẻ đánh đập dã man và dùng dao, kéo cắt tay, cắt tai và cắt đứt gân chân, tháng 9-2008.

40% trẻ trong độ tuổi học sinh từng bị ngược đãi

(ANTĐ) - TS Nguyễn Thanh Hương, trường Đại học Y tế công cộng cho biết, theo kết quả nhiều nghiên cứu với 2600 vị thành niên cấp II, III tại Hải Dương, Hà Nội và sinh viên năm thứ nhất trường Đại học Y Dược Cần Thơ cho thấy: ngược đãi tinh thần chiếm gần 40%, xao nhãng khoảng 30%, đặc biệt ngược đãi về thể xác chiếm từ 34% đến 47% và tình dục chiếm khoảng 20%. Trong đó, các hình thức trừng phạt thân thể trẻ rất đa dạng như: đánh bằng roi chiếm 24,5%, tát hoặc phát vào mông 18,1%, đấm và đá 8,6%, véo tai, mũi hoặc giật tóc chiếm 10,3%, đánh bằng bất cứ vật gì có trong tay 9,5%, trói hoặc xích, giam trong nhà, bếp…Trẻ bị ngược đãi càng nhiều thì nguy cơ bị trầm cảm, rối loạn lo âu, mất tự tin trong giao tiếp và học hành càng cao.                                                                                           

D.Tiến

Cần nâng cao trách nhiệm cộng đồng

Theo Đại tá Nguyễn Chí Việt - Phó Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về TTXH, ngoài những giải pháp mang tính chất giáo dục truyền thống cần chú trọng đặc biệt đến các chính sách pháp luật cụ thể về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và phòng ngừa tội phạm dạng này. Cần quy định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành. Bên cạnh đó cần nghiên cứu xây dựng thành lập tòa án vị thành niên để chuyên trách giải quyết xử lý các vi phạm pháp luật liên quan đến trẻ em. Đại tá Nguyễn Chí Việt cho rằng: Vấn đề cơ bản của công tác đấu tranh phòng chống tội phạm không chỉ áp dụng các hình phạt nghiêm khắc với kẻ phạm tội xâm hại trẻ em mà quan trọng hơn là mọi hành vi phạm tội phải được kịp thời phát hiện và xử lý đúng mức theo quy định của pháp luật đồng thời có biện pháp phòng ngừa, khắc phục các nguyên nhân, dẫn đến vi phạm.

Một số ý kiến khác cho rằng, chính vì công tác bảo vệ trẻ em hiện nay vẫn chủ yếu tiếp cận theo hướng giải quyết từng đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt, từng vấn đề nảy sinh. Đối với từng trường hợp cụ thể, các biện pháp, hành động phần lớn đưa ra vào lúc hậu quả đã xảy ra, trẻ em đã bị lạm dụng. Do đó cơ chế, biện pháp phòng chống lạm dụng, bạo lực đối với trẻ em chưa chuyển mạnh sang hướng quản lý và triển khai thực hiện có hệ thống, phân công trách nhiệm, phân cấp thực hiện rõ ràng, cụ thể để chuyển từ giải quyết hậu quả sang chủ động phòng ngừa.

Vì vậy, chúng ta phải rà soát, đánh giá hệ thống pháp luật, chính sách về bảo vệ trẻ em để bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới. Tăng khả năng phòng ngừa lạm dụng trẻ em bằng pháp luật, chính sách. Xem xét việc bổ sung một chương riêng trong Luật Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em về phòng chống lạm dụng, bạo lực đối với trẻ em.

Nguyễn Long