Muôn nẻo… giúp việc

ANTĐ - Những câu chuyện giữa người giúp việc với chủ nhà vốn chưa có hồi kết. Và nếu không được coi là một nghề và có những biện pháp quản lý chặt chẽ thì chắc chắn những câu chuyện ấy sẽ còn kéo dài…


Già không được

Chị Linh vẫn còn ngán ngẩm khi kể lại câu chuyện về người giúp việc của gia đình mình. Chẳng là cách đây gần 1 năm, khi mới sinh con được vài tháng, qua một trung tâm giới thiệu người giúp việc, chị thuê một người giúp việc ở một tỉnh miền núi. Đó là một người phụ nữ quê mùa và chất phác. Phải cái tội bà giúp việc nhà chị chẳng biết sử dụng bếp ga, máy giặt, nấu nướng rất vụng nên chị phải vất vả hướng dẫn. Quen lối sống ở quê nên nhiều khi thấy nhà cửa bề bộn nhưng cứ phải nhắc bà mới dọn. Đã thế cứ sểnh ra lúc nào, bà lại sang hàng xóm “buôn” chuyện đến cả tiếng đồng hồ. Nghĩ là không biết rồi hướng dẫn mãi cũng biết, miễn sao thật thà là được nên dù nhiều chuyện bực mình, chị vẫn kiên trì chỉ bảo từng li từng tí.

Nhưng càng cố lại càng mua thêm bực dọc vào người, cuối cùng chị đành nói khéo để “gửi” bà về quê.

Trường hợp chị Huyền lại khác, ý định của chị là thuê một người giúp việc có tuổi để “giữ” chồng vì đã chứng kiến nhiều kinh nghiệm đau thương chồng tòm tem với giúp việc. Bà giúp việc của gia đình chị gần 50 tuổi, góa chồng, được cái nhanh nhẹn, chăm chỉ, mồm mép. Vợ chồng chị đi làm cả ngày từ sáng đến tối, về nhà thấy nhà cửa gọn gàng, con cái sạch sẽ, cơm nước sẵn sàng thì ưng ý lắm. Cho đến một ngày, chồng chị gọi điện cho chị đầy bực tức. Hóa ra hôm đó anh phải về nhà lấy tài liệu. Về nhà thấy cửa chốt phía trong, gọi mãi mới thấy bà giúp việc ra mở cửa, quần áo xộc xệch, đầu tóc bù xù. Nghĩ là bà ngủ quên, nhưng khi bước vào nhà anh “choáng” khi thấy ông bán vé số cùng khu phố, kém bà mấy tuổi đang lúng túng như gà mắc tóc. Cũng may vì xấu hổ nên mấy hôm sau, bà giúp việc xin gia đình anh chị cho nghỉ “về quê công chuyện” và không trở lại.

Trẻ cũng không xong

Nhiều gia đình lại lâm vào cảnh dở khóc dở cười với những giúp việc trẻ. Chị Dương mới sinh con xong, thuê được một cô giúp việc hơn 20 tuổi từ trung tâm môi giới. Đều đặn sáng nào cô bé cũng mặc quần soóc chạy thể dục đến gần 7h mới về làm anh chị hôm thì được ăn sáng, hôm thì nhịn. Lại có lần sáng sớm tinh mơ, đang thiu thiu trên giường thì nghe tiếng nhạc xập xình ở nhà dưới, chị ngó xuống xem thì thấy cô giúp việc trẻ đang thể dục nhịp điệu nhảy tưng bừng theo tiếng nhạc. Hóa ra “hôm nay trời mưa quá, em không chạy được nên ở nhà tập vậy” - cô giúp việc giải thích.

Ô sin nhà chị Hạnh lại đem đến cho nhà chị đầy sóng gió. Một lần, bỗng đứa bạn gọi điện cho chị giọng thảng thốt: Mày lên mạng mà đọc, tao gửi link cho đấy. Vội vàng lên mạng, chị không tin vào mắt mình khi trên một diễn đàn, những người xa lạ đang bức xúc thay chị. Chẳng là hôm đấy, chồng chị và ô sin đưa 2 đứa con đi thi một cuộc thi năng khiếu. Trong lúc các con đang thi thì chồng chị và ô sin đưa nhau vào ôtô… nặn mụn trứng cá cho nhau. Một thành viên diễn đàn hỏi con chị, biết là ô sin đã rất bức xúc nên post bài lên diễn đàn. Đọc những lời trên mạng chị biết mình đã tin nhầm người…

Chủ nhà không tha giúp việc

Chuyện người giúp việc giở chứng, người giúp việc bỏ về, rồi người giúp việc không biết làm việc khiến chủ nhà dở khóc dở mếu đã không còn là chuyện hiếm. Song trên thực tế cũng có nhiều người giúp việc bị chủ nhà lạm dụng. Chuyện ông chủ tòm tem với giúp việc đã trở thành chủ đề nóng của nhiều thành viên nữ trên các diễn đàn, nó cho thấy đây không phải hiện tượng cá biệt nữa. Giúp việc trẻ lả lơi với chủ nhà đã đành, nhưng nhiều cô gái trẻ lên thành phố làm giúp việc cũng phải “khóc thầm” khi gặp ông chủ có máu dê.

Thúy, sinh viên của một trường cao đẳng ở Hà Nội nhận làm giúp việc cho một gia đình công chức trẻ với thỏa thuận cô đi học buổi sáng, còn buổi chiều thì dọn dẹp nhà cửa, đón con cho chủ, cơm nước… tối ngủ ở nhà chủ. Nghĩ là lợi đôi đường, vừa đỡ mất tiền thuê phòng trọ, vừa có thêm thu nhập nên cô rất chăm chỉ làm việc để chủ nhà vui. Nhưng rồi, Thúy nhận ra ông chủ có biểu hiện khác lạ, đặc biệt là rất hay “nhìn trộm” cô giúp việc mới lớn. Nghĩ mình bị bệnh “tưởng” nên cô không chú ý. Cho đến một hôm, ông chủ bất ngờ về giữa buổi chiều không có ai ở nhà bất bị ngờ ông chủ ôm chầm lấy cô. Thậm chí ngay cả đến những cô giúp việc nhan sắc còn thua xa bà chủ nhưng vì ông chủ “ham của lạ” nên cũng đã trở thành nạn nhân. Thậm chí vì thiếu hiểu biết, vì sợ bị phát hiện, nhiều người giúp việc đã trở thành nô lệ tình dục cho các ông chủ, cho đến khi cái bụng to tướng thì mới bị phát hiện.


Khổ với môi giới… lừa

Do nhu cầu tìm người giúp việc cao, nên nhiều người đã làm giàu từ nghề “môi giới giúp việc”. Chẳng cần vốn, chẳng cần cửa hàng, chỉ cần có mối quan hệ quen biết với một vài người ở quê là những bà chị môi giới này có thể kiếm bộn tiền. Không có văn phòng, những người này thường làm việc qua điện thoại. Thực tế, những người này không bị ai quản lý, không phải đóng thuế mà lợi nhuận môi giới lại rất cao. Hiện nay, các trung tâm môi giới giúp việc trở nên vắng khách cũng là do hoạt động của đám môi giới này. Lý do là bởi thủ tục đơn giản, chỉ cần gọi điện thoại là môi giới sẽ đưa người giúp việc đến tận nhà. Trong khi đó, những người giúp việc thiếu hiểu biết cũng không muốn qua trung tâm cho đỡ phải mất phí.

Qua người quen giới thiệu và cho số điện thoại của một chị tên là S, chị Sơn gọi điện và ngay lập tức được hứa hẹn sẽ đưa người giúp việc theo đúng yêu cầu của chị với điều kiện là chi phí môi giới 1 triệu đồng, chị được quyền đổi 3 người cho đến khi ưng ý. Đúng hẹn, chị S dẫn người tới nhà chị và còn không quên dặn người giúp việc rằng : “Bác phải làm việc cẩn thận để giữ uy tín cho em nhé”. Thấy vậy chị Sơn yên tâm lắm. Nhưng khổ cho chị, người giúp việc ở nhà chị chưa trọn một ngày, sáng hôm sau đã đùng đùng mặc áo đòi đi về “mặc dù cô rất tốt nhưng tôi không thể ở nhà cô được vì tôi không làm việc nhẹ nhàng được” (Chị Sơn yêu cầu người giúp việc làm việc nhẹ nhàng vì nhà có cháu nhỏ sợ cháu giật mình).

Đang lúc cần người, cố nín nhịn, chị Sơn lại phải “động viên” để người giúp việc ở lại. Sang đến ngày thứ hai, mới sáng ngày ra, bác giúp việc đã lao bổ chửng vào phòng ngủ của hai vợ chồng đòi chở ra bến xe Mỹ Đình để… đi về. Cuối cùng chị mới biết, bác giúp việc được giới thiệu có vấn đề về thần kinh. Gọi điện thoại cho môi giới thì được giới thiệu cho một người khác, đến ở được hôm trước hôm sau lại lấy cớ đi khám bệnh rồi chuồn thẳng. Thế đã là lần thứ hai và chị chỉ còn một lần nữa để lựa chọn. Nhưng lần thứ ba thì chị gọi điện cho chị môi giới kia đến cả chục lần vẫn nhận được câu trả lời là đang tìm người. Tìm người đến vài tháng mà không được chị Sơn lại đành bỏ tiền ra đi tìm người khác. Hỏi ra chị mới biết đấy chính là thủ đoạn của đám môi giới lừa. Những kẻ môi giới này, thường đến các bến xe lấy tạm một số người mà họ biết chắc là không làm được việc, chi cho họ vài chục nghìn rồi dẫn đến nhà chủ để kiếm tiền môi giới. Hoặc cũng chỉ có vài người nhưng họ đổi luân phiên hết nhà nọ sang kia. Kết cục là chủ nhà thì mất tiền, còn môi giới thì “ăn đủ”.

 “Tiền mất tật mang”, đó là hoàn cảnh trớ trêu của nhiều gia chủ. Không chỉ qua các môi giới “di động” như vậy mà ngay cả qua các trung tâm môi giới lớn cũng không tránh khỏi phiền toái. Nhiều trung tâm còn liên kết với người giúp việc để moi tiền của khách hàng, bằng cách giới thiệu những người giúp việc không đủ tiêu chuẩn, rồi cứ đổi đi đổi lại khiến gia chủ chán không muốn liên lạc với trung tâm nữa. Thế là số tiền môi giới trả cho trung tâm bị mất đứt. Với các trung tâm “di động” còn khó hơn, họ không đăng ký kinh doanh nên chẳng có ràng buộc trách nhiệm gì, gia chủ gặp rủi ro thì đành tự chịu.

Cần quản lý chặt chẽ hơn

Những rắc rối trong cuộc sống giữa người giúp việc và chủ nhà là câu chuyện chưa có hồi kết. Không rõ lý lịch, nhân thân, không hợp đồng ràng buộc, không được đào tạo bài bản… nhưng hầu hết các gia đình đều gửi gắm công việc, tài sản, con cái của mình cho những người giúp việc xa lạ. Ngược lại, cũng không ít người giúp việc không đòi hỏi một ràng buộc về chế độ lương, thưởng, nghỉ ngơi, công việc… dẫn đến bị chủ nhà lạm dụng sức lao động, thậm chí xâm hại thân thể. Theo thống kê của Vụ Gia đình  (Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch) thì có tới gần 60 % số người lao động được hỏi cho biết họ và chủ sử dụng lao động đều thấy không cần thiết phải thiết lập hợp đồng (?!). 42,6% còn lại có giao kết hợp đồng thì chiếm đến gần 70% trong số đó là “hợp đồng miệng”, nên thiếu các điều khoản cụ thể, rõ ràng về trách nhiệm và quyền lợi của các bên giao kết hợp đồng.

Trong dự thảo sửa đổi Bộ luật Lao động mới nhất đã quy định chủ sử dụng thuê người giúp việc gia đình ổn định lâu dài sẽ phải ký hợp đồng lao động. Hợp đồng này sẽ phải tuân thủ các nguyên tắc quy định tại Bộ luật Lao động như mức lương tối thiểu, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương làm thêm giờ, điều kiện lao động, các chế độ khác cho người lao động như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp... Vấn đề này được nhiều chuyên gia đồng tình, vì chỉ có coi giúp việc là một nghề và quản lý thông qua luật pháp mới có thể lành mạnh hóa được thị trường này.