Loay hoay đưa lễ hội vào quy củ

ANTĐ - Sáng 18-1, Bộ VH-TT&DL đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với 3 điểm cầu Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM nhằm tổng kết công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2012 và phương hướng nhiệm vụ năm 2013. Tại Hội nghị, nhiều vấn đề còn tồn đọng trong công tác tổ chức lễ hội đã được đưa ra mổ xẻ, tìm hướng giải quyết.

Nạn mua bán thịt thú rừng tại các lễ hội

Vi phạm tái diễn

Ông Phạm Xuân Phúc, Phó Chánh Thanh tra Bộ VH-TT&DL cho biết, một số lễ hội tổ chức tại các di tích chưa có sự quy hoạch cụ thể, nên việc thanh tra, kiểm tra vẫn chưa thực sự đạt được hiệu quả cao nhất. Vẫn còn tình trạng lộn xộn tại các lễ hội như việc đốt vàng mã tràn lan, rải tiền lẻ khắp mọi nơi, dựng bia ghi tên công đức tại một số di tích, bán thịt thú rừng gây phản cảm. Ông Phúc cho rằng, những bất cập này đã trở thành tồn tại khó xử lý. Đơn cử như tình trạng mua bán thịt thú rừng tại chùa Hương. Những cửa hàng bán thịt thú rừng đã được UBND xã cho phép kinh doanh khiến công tác kiểm tra chỉ là hình thức, không thể xử lý.

Ông Phạm Xuân Phúc cũng cho biết, qua công tác kiểm tra tại các lễ hội cho thấy, việc quy hoạch dịch vụ trong lễ hội chưa tốt. Nhiều nơi do một vài cá nhân đứng ra đảm nhiệm, tổ chức nên còn thiếu các dịch vụ vệ sinh công cộng, không kịp thời thu dọn rác thải gây ô nhiễm cho môi trường. Tình trạng này sẽ vẫn còn tiếp tục trong mùa lễ hội 2013 nếu không có các quy định rõ ràng hơn để xử lý các vi phạm. Hơn nữa, thanh tra Bộ không có lực lượng để tổ chức cưỡng chế nên nhiều vi phạm đâu vẫn hoàn đấy, tái diễn từ năm này qua năm khác. 

Đền Trần sẽ lại… hết ấn

Cũng trong buổi sáng hôm qua, phần nhiều ý kiến tập trung bàn về các vấn đề còn tồn đọng trong việc tổ chức lễ hội tại đền Trần. Dù đã có nhiều cải tiến, đổi mới như kéo dài thời gian phát ấn, tăng số lượng ấn bằng cách đổi loại giấy in ấn…, nhưng tình trạng lộn xộn xung quanh việc “phát ấn đền Trần” vẫn diễn ra. PGS. TS Nguyễn Chí Bền, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam cho biết, tại lễ hội đền Trần năm 2012 vẫn xảy ra tình trạng một vài cá nhân xin, mua ấn với số lượng lớn và đem ra ngoài bán để trục lợi.

Trong khi đó, nhiều người không thể xin được ấn do đền Trần “hết ấn”. Nói về tình trạng này, ông Bền cũng cho biết: “Các cơ quan chức năng trong đó có Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam không thể thống kê, tính toán được số lượng người đến xin ấn nên không thể lên kế hoạch in nhiều hơn. Bên cạnh đó, có trường hợp người dân mua từ 500 - 1.000 ấn đem ra ngoài bán lại nên việc hết ấn là khó tránh khỏi”. Lần đầu tiên PGS. TS Nguyễn Chí Bền khẳng định tại đền Trần hiện có hai con ấn: “Trong đó có 1 ấn cổ do nhân dân lưu giữ lại, bản ấn còn lại mới được tạo tác để đảm bảo con ấn nguyên bản không bị hỏng do số lượng ấn được đóng hàng năm quá lớn. Ông cũng cho biết, theo quan điểm của ông, khai ấn đền Trần chỉ là nét văn hóa ngày đầu xuân: “Mọi người không nên mù quáng tin rằng ấn đền Trần có tác dụng giúp thăng quan tiến chức. Nếu người dân hiểu được điều đó, những lộn xộn xung quanh việc phát ấn cũng sẽ giảm đi rõ rệt”. 

Chen lấn lấy ấn đền Trần

Đâu vẫn hoàn đấy

Ông Phạm Xuân Phúc, Phó Chánh Thanh tra Bộ VH-TT&DL đề xuất, cần có những quy định, chế tài xử lý mạnh hơn, cụ thể hơn các trường hợp vi phạm. Còn nếu không thì tốt nhất nên bỏ một số quy định về việc đốt vàng mã tại nơi công cộng, vì khi đoàn thanh tra đến đều được báo trước, số lượng lớn vàng mã vẫn tấp nập vận chuyển ra vào nhưng không bị “đốt”. Ngay khi đoàn kiểm tra vừa đi khỏi, đâu lại hoàn đấy. 

 Theo số liệu thống kê của Thanh tra Bộ VH-TT&DL, năm 2012, số tiền thu công đức tại các lễ hội lên tới gần 300 tỷ đồng. Trong khi đó, số tiền xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động lễ hội chỉ vỏn vẹn 21 triệu đồng. Như vậy, công tác kiểm tra dù được thực hiện nghiêm túc đầy đủ nhưng không thật sự hiệu quả. Tất cả vẫn còn chờ phải có quy chế rõ ràng hơn, tỉ mỉ hơn để rộng đường đưa hoạt động lễ hội vào quy củ, trả lại không gian lễ hội trong sạch cho người dân.