Lao động nữ được tự chọn nghỉ thai sản

ANTĐ - Hôm nay, 15-12, trong khuôn khổ phiên họp  thứ 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về dự án Bộ luật Lao động sửa đổi.

Chế độ thai sản linh hoạt sẽ có lợi cho lao động nữ

Liên quan tới thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ, Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội thống nhất thực hiện theo hướng linh hoạt hơn bằng việc quy định mức sàn tối thiểu là 4 tháng và cho phép thời gian nghỉ tối đa là 6 tháng. Trên cơ sở đó, lao động nữ có quyền lựa chọn, quyết định thời gian nghỉ tối đa trong khoảng thời gian từ 4 tháng đến 6 tháng mà vẫn được hưởng đủ 6 tháng trợ cấp thai sản. Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nói: “Như thế sẽ linh hoạt hơn và phù hợp với điều kiện làm việc của các nhóm công việc khác nhau. Tùy theo điều kiện riêng, lao động nữ có quyền tự lựa chọn, quyết định thời gian nghỉ thai sản”.

Về thời gian làm thêm, Thường trực Ủy ban thống nhất giữ nguyên như quy định của bộ luật hiện hành: làm thêm giờ nhưng không quá 4 giờ trong một ngày, 200 giờ trong một năm, trừ một số trường hợp đặc biệt được làm thêm không quá 300 giờ trong một năm. Quy định này phù hợp với điều kiện và thể chất của người lao động Việt Nam hiện nay. Việc kéo dài thời giờ làm thêm là đi ngược lại xu hướng tiến bộ, khi trình độ công nghệ ngày càng phát triển, tay nghề người lao động được nâng lên thì giá trị sản phẩm tăng lên, khi thời giờ làm việc giảm xuống sẽ bảo đảm sức khỏe và đời sống của người lao động. Bà Trương Thị Mai phân tích: “Kinh nghiệm của một số nước cho thấy năng suất lao động của thời gian làm thêm giờ thường giảm sút so với bình thường và dễ gây ra tai nạn lao động”.

Một điểm mới nữa được đề xuất tiếp thu và bổ sung trong Bộ luật Lao động (sửa đổi) là cần quy định cụ thể về tiền lương tối thiểu. Quy định này để đáp ứng với sự linh hoạt của thị trường lao động, nhất là đối với loại hình lao động không trọn thời gian. Cụ thể, lương tối thiểu giờ được tính trên cơ sở mức lương tối thiểu tháng và bao gồm đầy đủ các chi phí mà người sử dụng lao động phải chi trả cho người lao động làm việc theo tháng (kể cả bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hộ lao động, tiền lương nghỉ phép, tiền lương nghỉ lễ...).

Một số ý kiến còn đề nghị tăng mức lương làm thêm giờ ban đêm lên gấp nhiều lần so với làm việc bình thường. Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội cho rằng, trong điều kiện phát triển của nền kinh tế và Việt Nam đã bước vào nhóm nước thu nhập trung bình, cần quy định mức lương làm thêm giờ vào ban đêm tăng thêm khoảng 20% là phù hợp. Như vậy, các mức lương làm thêm giờ vào ban đêm sẽ tương ứng là 200%, 250% và 350%. Ngoài ra, một số ý kiến đề xuất bổ sung các quy định hỗ trợ người lao động, đại diện người lao động trong quá trình thương lượng, thỏa thuận về tiền lương thông qua việc định kỳ công bố các thông tin về thị trường lao động, mức tiền lương bình quân thực tế theo khu vực, ngành, nghề...

Liên quan đến tuổi nghỉ hưu, Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội cho rằng nên giữ như hiện tại (nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi); song cần bổ sung quy định nguyên tác, tiêu chí đối với các nhóm lao động làm các công việc nặng nhọc, độc hại; làm việc ở vùng cao, biên giới, hải đảo hoặc người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao; người lao động làm công tác quản lý.

Cùng ngày, qua thảo luận về Dự án Luật Giá, đa số các thành viên trong Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đều tỏ ra băn khoăn với việc thuốc lá được đưa vào danh mục Nhà nước cần định giá. Có ý kiến cho rằng, việc dự thảo đưa thuốc lá vào danh mục mặt hàng Nhà nước định giá (gồm cả thuốc lá điếu) là không hợp lý. Riêng các mặt hàng như nhà ở xã hội; nhà ở công vụ; điện; xăng dầu; dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa; dịch vụ vận tải công cộng bằng xe buýt; dịch vụ khám chữa bệnh... các thành viên UBTVQH đều cho rằng, việc Nhà nước định giá là hợp lý để bảo vệ quyền lợi cho số đông người dân.