“Không có ngoại ngữ như ra trận không có súng”

ANTĐ - Chia sẻ với các đại biểu tại Hội nghị triển khai năm học mới của Bộ GD-ĐT, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói: “Có người ví von bây giờ không có ngoại ngữ giống như ra trận không có súng. Không được quên bây giờ Việt Nam thực sự là một bộ phận của nền kinh tế thế giới. Chúng ta đào tạo con em tới đây phải là công dân toàn cầu”. Đó là lý do mà môn Ngoại ngữ được đưa trở lại danh sách môn thi bắt buộc trong cả 3 phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia.

Rõ ràng quan điểm từng tồn tại cách đây hơn 1 thập niên: chuyên môn là chính, ngoại ngữ là phụ giờ đây đã không còn đúng, do sự hội nhập ngày càng sâu rộng của Việt Nam vào nền kinh tế thế giới. Ngoại ngữ gần như đã trở thành chìa khóa để lao động Việt Nam tiếp cận được với thị trường toàn cầu. Sự phát triển mạnh của xu thế du học trong mấy năm gần đây phần nào đã cho thấy nhận thức của nhiều bậc phụ huynh và chính bản thân học sinh về sự cần thiết của ngoại ngữ đã thay đổi. Tuy nhiên đó vẫn chỉ là một bộ phận nhỏ. Cần phải làm cho tất cả mọi người hiểu được rằng, không có ngoại ngữ, chúng ta sẽ chỉ mãi ngụp lặn trong cái “ao làng”, dù chuyên môn khác có giỏi tới đâu. 

Đương nhiên cũng không thể bắt buộc học sinh ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo cũng phải giỏi, thông thạo ngoại ngữ như học sinh ở thành phố lớn, nhưng sẽ có lộ trình, các bước đi phù hợp với từng vùng miền, để thế hệ trẻ Việt Nam trong tương lai gần sẽ thông thạo ngoại ngữ, dù ở bất cứ khu vực, vùng miền nào.

Song, để đào tạo được những công dân toàn cầu như mong muốn của Phó Thủ tướng, bên cạnh việc đưa ngoại ngữ trở lại danh sách môn thi bắt buộc, thì cũng cần phải đổi mới quyết liệt phương thức dạy và học ngoại ngữ vẫn còn khá thụ động hiện nay. Suy cho cùng, việc học tốt ngoại ngữ là nhằm giao tiếp và tương tác được với thế giới, chứ không phải để nắm vững cách chia động từ.