Hàng nghìn lao động tại Hàn Quốc hết hạn không về nước:

Ích kỷ và coi thường pháp luật

ANTĐ - Tháng 10-2013, tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc đã giảm xuống 38,7% nhưng đến đầu năm 2014 - tức chỉ sau 3 tháng, tỷ lệ này lại tăng vọt lên 49%. Cơ quan chức năng lo ngại, nếu không nhanh chóng cải thiện được tỷ lệ này, Việt Nam sẽ bị thị trường lao động Hàn Quốc đóng cửa.

 Ích kỷ và coi thường pháp luật ảnh 1
Tình trạng bỏ trốn, vi phạm pháp luật ở nước ngoài khiến xuất khẩu lao động gặp khó khăn
(Trong ảnh: Tuyên truyền pháp luật  tại Bắc Giang cho người 
có nhu cầu đi xuất khẩu lao động)


Tước đoạt cơ hội của người khác

Ông Lương Đức Long, Phó Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước – Bộ LĐ-TB&XH cho biết, từ năm 2010 đến nay, tỷ lệ lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình hợp tác EPS (Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc) hết hạn không về nước mà ở lại cư trú, làm việc bất hợp pháp luôn ở mức rất cao, trung bình trên dưới 50%. Sau khi bị phía Hàn Quốc tạm ngừng tiếp nhận mới lao động Việt Nam vào cuối năm 2012, nước ta đã triển khai rất nhiều biện pháp và đến tháng 10-2013, tỷ lệ lao động Việt Nam tại Hàn Quốc hết hạn hợp đồng không về nước giảm mạnh từ 57% xuống 38,7%. Song đến tháng 11-2013, tỷ lệ này lại tăng lên 42% và tháng 1-2014 vọt lên 49%.

Năm 2014 này, tổng cộng có 3.597 lao động Việt Nam sẽ hết hạn hợp đồng tại Hàn Quốc và phải về nước. Trong đó, riêng Hà Nội có 338 lao động (trên tổng số 768 lao động đang làm việc tại Hàn Quốc), tập trung đông nhất ở các huyện Ba Vì, Chương Mỹ, Đan Phượng, Đông Anh… Ông Lương Đức Long cho rằng, hiện Hà Nội có 382 lao động đã vượt qua kỳ kiểm tra tiếng Hàn Quốc và có hồ sơ dự tuyển trên mạng. Tuy nhiên, 382 lao động này sẽ chỉ có cơ hội được sang Hàn Quốc làm việc trong thời gian tới nếu Hà Nội vận động được hơn 300 lao động của thành phố đã hết hạn hợp đồng trong năm 2013 nhưng vẫn đang bỏ trốn, cư trú, làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc về nước. 

Ông Lương Đức Long phân tích, nguyên nhân chủ yếu khiến số lao động hết hạn hợp đồng ở Hàn Quốc không về nước là do chính bản thân những người lao động này quá ích kỷ và coi thường pháp luật. Họ bỏ trốn để cư trú, làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc vì lợi ích kinh tế của cá nhân mà bất chấp lợi ích của quốc gia, của cộng đồng, tước đoạt đi cơ hội của hàng chục nghìn lao động khác, thậm chí có thể khiến cho Việt Nam đứng trước nguy cơ bị đóng cửa thị trường xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc. 

Xử phạt chưa đủ sức răn đe

Đồng tình với quan điểm trên, ông Choi Byung Gie, Giám đốc Trung tâm EPS tại Việt Nam cho rằng, chính sự ích kỷ của những lao động hết hạn không về nước đang làm thiệt hại đến nỗ lực phát triển thị trường lao động ở nước ngoài của Việt Nam. Theo ông Choi Byung Gie, hiện Việt Nam đang có 14.000 lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, chiếm tới 40% tổng số lao động đang cư trú bất hợp pháp của 15 quốc gia có lao động sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS. Do đó, hạn ngạch mà Hàn Quốc cấp cho lao động Việt Nam trong thời gian tới nhiều hay ít hoàn toàn phụ thuộc vào phía Việt Nam có giảm bớt được tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp nói trên hay không. Nếu như năm 2010, Việt Nam là quốc gia có số lao động sang làm việc tại Hàn Quốc đông nhất trong 15 quốc gia thực hiện EPS thì hiện tại, vị thế số 1 này đã phải nhường lại cho Campuchia và Indonesia…

Cũng theo Giám đốc Trung tâm EPS tại Việt Nam, các biện pháp xử phạt với lao động hết hạn không về nước mà Việt Nam đang triển khai là chưa đủ sức mạnh răn đe. Chẳng hạn, Việt Nam mới tăng mức xử phạt vi phạm hành chính với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc hết hạn không về nước lên 80-100 triệu đồng, song nhiều lao động sẵn sàng chấp nhận bởi chỉ cần bỏ trốn ở lại Hàn Quốc làm việc thêm 3 tháng là họ có thể “gỡ” lại được số tiền phải nộp phạt. “Thậm chí tôi còn nghe nói, nhiều lao động Việt Nam ở Hàn Quốc vẫn đang nghe ngóng động thái từ Chính phủ Việt Nam xem có xử phạt 100 triệu đồng thật hay không, mức độ xử lý kiên quyết đến đâu... Nếu không làm quyết liệt, Việt Nam khó giảm được lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc” - ông Choi Byung Gie nói.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thanh Hòa cho biết, không chỉ Hàn Quốc mà tỷ lệ lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản cũng cao. Việc thực thi quy định xử phạt hành chính 80-100 triệu đồng với các lao động vi phạm, hết hạn không về nước là không hề dễ dàng. Việc liên hệ với người lao động đang bỏ trốn ở nước ngoài rất khó, yêu cầu gia đình có người lao động hết hạn không về nước nộp phạt cũng khó không kém vì họ sẽ nói không có tiền. Trong khi muốn cưỡng chế xử phạt thì phải Chủ tịch UBND tỉnh/ thành phố mới có quyền ra quyết định... Do đó, biện pháp quan trọng nhất vẫn là phải tăng cường vận động, tuyên truyền đến người lao động và gia đình họ.

Hà Nội sẽ rà soát từng lao động sắp hết hạn

Tại hội nghị triển khai các giải pháp vận động người lao động hết hạn hợp đồng tại Hàn Quốc về nước trong năm 2014, do thành phố Hà Nội phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH tổ chức ngày 2-4, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh, những lao động hết hạn không về nước đang làm xấu đi hình ảnh, uy tín của lao động Hà Nội nói riêng, lao động Việt Nam nói chung trên thị trường lao động thế giới. Trước đây, lao động Việt Nam vẫn luôn được đánh giá là cần cù, chăm chỉ, nhanh nhẹn, sáng dạ và được nhiều nước yêu thích nhưng việc có quá nhiều lao động đi làm việc ở nước ngoài hết hạn không về nước khiến cơ hội mở rộng thị trường lao động của nước ta bị ảnh hưởng. Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Bích Ngọc giao Sở LĐ-TB&XH Hà Nội phối hợp với các quận/ huyện/ thị xã, các ban ngành liên quan tiến hành ngay việc rà soát lại danh sách những lao động đã hết hạn hợp đồng ở Hàn Quốc chưa về nước và các lao động sắp hết hạn. Từ đó phân loại và có các giải pháp can thiệp, vận động sớm, cụ thể đến từng đối tượng lao động này cũng như gia đình họ.