Hậu “cơn bão” chất tạo nạc

ANTĐ - Thông tin về chất tạo nạc hơn một tháng qua đã khiến toàn ngành chăn nuôi nghẹt thở, người tiêu dùng e dè, nông dân lỗ nặng vì lợn mất giá, khó bán. Với quy mô nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ trọng lớn, thụ động, thiếu định hướng của Nhà nước, sau mỗi “cú sốc” như vừa qua cả ngành chăn nuôi lại lao đao.

Không còn phát hiện mẫu thịt nhiễm chất cấm

Chăn nuôi trang trại sẽ dễ dàng kiểm soát được chất lượng

Hơn một tháng qua, kể từ khi thông tin chất cấm tạo nạc được người chăn nuôi lén lút sử dụng trên con lợn khiến trang trại của chị Đặng Thu Thủy, ở thôn Tiên Lữ, xã Tiên Phương, Chương Mỹ, Hà Nội rơi vào cảnh ảm đạm. Giá lợn giảm từng ngày. Chị Thủy cho biết, hồi tháng 3, đầu tháng 4, giá lợn giảm không phanh, từ 56.000-58.000 đồng/kg lợn hơi, xuống còn 46.000-48.000 đồng/kg. Đến nay, giá lợn đã bắt đầu nhích dần lên, ở mức 50.000-52.000 đồng/kg. “Trước thời điểm có thông tin về chất tạo nạc, lợn đến kỳ xuất thì gọi hôm trước là hôm sau họ đánh xe đến thu mua. Nhưng, những ngày vừa qua, do tiêu thụ chậm, nên phải gọi báo trước 2-4 ngày họ mới xuống cân”, chị Thủy cho biết.

Trang trại chăn nuôi của gia đình chị Thủy rộng hơn 3ha, lúc nào trong chuồng cũng có khoảng 500 con lợn nái với 3.000 lợn thịt. Với mức sụt giảm giá lợn khoảng 10.000 đồng/kg, hơn một tháng qua, trang trại chị thiệt hại tiền tỷ. “Chăn nuôi đã rủi ro, dịch bệnh nhiều, vốn lại thiếu, cứ mỗi lần sóng gió như vừa qua, chúng tôi thấy tối mặt tối mày vì lợn”.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết, hơn một tháng qua, do ảnh hưởng của chất tạo nạc trong chăn nuôi đã khiến người chăn nuôi trên cả nước thiệt hại khoảng 3.000 tỷ đồng, vì người tiêu dùng quay lưng với thịt lợn. Tuy nhiên, cũng bà Thu cho hay, kết quả kiểm tra cho thấy, tỷ lệ thịt lợn phát hiện dương tính chất cấm, chất tạo nạc ở các tỉnh phía Bắc và duyên hải Nam Trung bộ là thấp, không đáng lo lắng.

Còn theo ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, đến hiện tại, chất cấm cơ bản đã được kiểm soát ở góc độ sử dụng. “Trong khoảng nửa tháng trở lại đây, các mẫu thịt, nước tiểu phân tích đều không phát hiện dương tính với các chất cấm gốc Beta - Agonits. Người tiêu dùng hoàn toàn có thể yên tâm sử dụng thịt lợn”, ông Dương nói. Bên cạnh đó, cũng khoảng từ giữa tháng 4 đến nay, giá thịt lợn đã bắt đầu tăng dần, và sẽ tăng trở lại mức bình thường như hồi tháng 2 vừa qua. Do đó, người chăn nuôi không nên bỏ cuộc. 

Chăn nuôi trang trại là cần thiết

Ông Dương cho biết, sau khi thông tin về chất tạo nạc được sử dụng lén lút trong chăn nuôi, các ngành chức năng, các địa phương, đặc biệt là Bộ NN&PTNT đã tích cực vào cuộc. Nhiều vụ buôn bán chất cấm đã bị phát hiện và đang trong quá trình xử lý. Bên cạnh đó, để hỗ trợ người dân có thể phát giác, tố cáo hành vi buôn bán, sử dụng chất cấm, Cục Thú y và Cục Chăn nuôi đã thành lập đường dây nóng để nhân dân cùng tham gia. Tỉnh Đồng Nai, một điểm nóng về tình trạng sử dụng chất cấm, chính quyền địa phương đã ráo riết vào cuộc, đề nghị các hộ chăn nuôi cam kết không sử dụng chất cấm. Hiện, các đoàn kiểm tra liên ngành của Bộ NN&PTNT cùng các bộ, ngành liên quan vẫn trong quá trình kiểm tra để tìm ra các cơ sở buôn bán, sử dụng chất cấm nếu có. Tại Hà Nội, trong tháng 3, Sở NN&PTNT đã lấy 227 mẫu gồm thức ăn chăn nuôi, thịt, tuy nhiên, kết quả 219/227 mẫu âm tính với chất cấm gốc Beta - Agonits.

Đến thời điểm này, cơn bão “Beta - Agonits” đã tạm lắng, giá thịt lợn đã bắt đầu nhích dần lên, người chăn nuôi không còn cảnh đứng ngồi không yên vì con lợn. Tuy nhiên, đây cũng là một bài học xương máu cho một nền chăn nuôi nhỏ lẻ, thủ công bị động hiện nay. Như chị Thủy nói, qua sự việc này, người chăn nuôi cũng nên tự rút ra bài học cho mình, chạy theo lợi nhuận mà xem thường sức khỏe người tiêu dùng. “Tất cả người chăn nuôi đều bị thiệt hại, bị tác động, họ đã nhận ra và chắc chắn sẽ  có ý thức hơn đối với các chất cấm”, chị Thủy nhận định.