“Đường trên cao cho xe máy” - tại sao không?

(ANTĐ) - Trong khu vực nội đô hiện đang có hai dự án quan trọng: Dự án thứ nhất là xây dựng một loạt tuyến “đường bộ trên cao” trên các tuyến đường có sẵn như tuyến Pháp Vân - Phạm Hùng, Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở, Liễu Giai - Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng, Láng Hạ - Lê Văn Lương… Dự án thứ hai là xây một số “cầu cạn” bằng sắt ở một số tuyến giao thông hay xảy ra ùn tắc như Láng - Trần Duy Hưng, Láng - Lê Văn Lương, Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch.

Giải pháp giảm ùn tắc và tai nạn giao thông đô thị:

“Đường trên cao cho xe máy” - tại sao không?

(ANTĐ) - Trong khu vực nội đô hiện đang có hai dự án quan trọng: Dự án thứ nhất là xây dựng một loạt tuyến “đường bộ trên cao” trên các tuyến đường có sẵn như tuyến Pháp Vân - Phạm Hùng, Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở, Liễu Giai - Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng, Láng Hạ - Lê Văn Lương… Dự án thứ hai là xây một số “cầu cạn” bằng sắt ở một số tuyến giao thông hay xảy ra ùn tắc như Láng - Trần Duy Hưng, Láng - Lê Văn Lương, Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch.

Ưu điểm của các tuyến đường trên cao này là khi xây dựng không phải giải phóng mặt bằng và khi hoàn thành giao thông ở đó sẽ thuận lợi hơn nhiều. Tuy nhiên, đây đã phải là giải pháp kinh tế chưa và hiệu quả về giao thông đô thị Hà Nội đến đâu thì thực sự người dân vẫn thấy băn khoăn.

Cầu đi bộ trên cao đường Nguyễn Chí Thanh
Cầu đi bộ trên cao đường Nguyễn Chí Thanh

Tìm hiểu kỹ, thì thấy rằng cả hai dự án “Đường bộ trên cao” hay “Cầu cạn” đều có chung đặc điểm là cho phép lưu thông tất cả các loại xe 4 bánh và 2 bánh nên dĩ nhiên đường và cầu đều phải có khổ rộng, các trụ cầu và xà đỡ rất to chiếm diện tích mặt đất lớn, kinh phí rất tốn kém, thời gian thi công dài, chỉ phù hợp với các tuyến có bề rộng dải phân cách ở giữa lớn. Các tuyến có dải phân cách hẹp cần phải giải phóng thêm mặt bằng nên càng tốn kém và thời gian xây dựng dài hơn. Vì vậy, dự án chỉ thực hiện được ở một số tuyến, do đó các tuyến khác vấn đề ùn tắc giao thông khó được cải thiện. Dự án “Cầu cạn” có thể góp phần thông thoáng cho các phương tiện ở các nút giao thông, nhưng chỉ là giải pháp tình thế nên không thể giải quyết được khi ùn tắc giao thông xảy ra trên cả tuyến đường. Rõ ràng hai dự án trên cần kinh phí rất lớn, thời gian thi công kéo dài mà trật tự an toàn giao thông, ùn tắc giao thông cơ bản vẫn chưa giải quyết được.

Điều quan trọng không chỉ là tăng thêm những tuyến đường hay thêm các nút khác mức mà phải tạo nên các tuyến đường và tổ chức giao thông trên các tuyến đó để tiến đến việc tách hai dòng phương tiện 4 bánh và 2 bánh độc lập nhau thì mới có khả năng giảm dần và tiến tới loại bỏ các xung đột, rối loạn và gây ùn tắc hoặc tai nạn giao thông.

Vấn đề chỉ có thể giải quyết theo cách: Thay vì hai dự án “Đường bộ trên cao” và “Cầu cạn” chỉ nên thực hiện một dự án “Đường trên cao cho xe máy”. Rõ ràng, đường này chỉ dành riêng cho xe máy thôi, thì tuyến đường sẽ gọn nhẹ và đỡ tốn kém hơn rất nhiều so với tổng hai dự án trên, thời gian xây dựng cũng nhanh hơn, giao thông càng sớm được cải thiện. Dự án này không chỉ thực hiện trên các tuyến có dải phân cách rộng mà còn có thể triển khai cả trên những tuyến đường có dải phân cách hẹp hay không có dải phân cách. Các tuyến đường hẹp, có thể xây tuyến xe máy một chiều. Thiết kế đường dẫn lên xuống có cự ly thích hợp có thể chủ động điều tiết luồng xe máy đi vào những tuyến nhất định, từ đó có điều kiện để giảm hoặc cấm xe máy ở những tuyến quy định.

Thực ra, khi đất chật người đông, về mặt kiến trúc, đô thị đã xây nhà lên cao tầng, vậy giao thông trên đường phố tại sao chỉ có một tầng mà không phải hai hay nhiều tầng, nhất là với những đường phố đã có từ trước. Trước mắt chỉ cần thêm một tầng trên cao cho xe máy thì bài toán giao thông đô thị đã cơ bản được giải quyết. Vấn đề là, thành phố cần tiến hành nghiên cứu toàn diện và phải có quy hoạch thật tốt mạng đường xe máy trên cao kết nối phù hợp với các loại hình giao thông khác, như xe buýt, đường sắt trên cao, tàu điện ngầm… thì bộ mặt giao thông đô thị Thủ đô nhất định sẽ được cải thiện cơ bản.

Thiết nghĩ chọn giải pháp nào để triển khai vừa kinh tế, vừa góp phần giải quyết bài toán giao thông đô thị Hà Nội hiện nay có hiệu quả, lại đáp ứng được tinh thần đột phá trong xây dựng cơ sở hạ tầng và quản lý đô thị như NQ15 Thành ủy Hà Nội đã nêu ra, vấn đề quyết định là ở các cấp chính quyền Thủ đô. Hy vọng các quyết định sớm được đưa ra khi hai loại dự án trên chưa được triển khai hàng loạt.

Phan Tử Thụ