Dưa hấu vẫn tắc nghẽn cửa khẩu

ANTĐ - Những ngày qua, cảnh hàng trăm xe tải chở dưa hấu xếp hàng dài chờ thông quan tái diễn tại cửa khẩu Tân Thanh - Lạng Sơn. Trong khi tại các tỉnh Nam Trung bộ, nông dân rất lo lắng vì giá dưa tụt dốc thê thảm.

Hàng nghìn chiếc xe tải vẫn xếp hàng chờ xuất dưa

Lay lắt chờ thông quan

Theo Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn, từ ngày 16-3 đến nay, trung bình mỗi ngày có khoảng 800 xe tải, xe container chở trái cây (bình quân mỗi xe chở 20 tấn), trong đó gần 90% là dưa hấu từ các tỉnh miền Trung đổ về cửa khẩu Tân Thanh. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 300 xe/ngày có thể thông quan và xuất được hàng qua cửa khẩu, còn lại phải lay lắt nằm chờ ở khu vực cửa khẩu hoặc dọc Quốc lộ 1A, từ huyện Hữu Lũng lên đến Tân Thanh. Mặc dù đến ngày 28-3, lượng xe tải chở nông sản, chủ yếu là dưa hấu, chuối đổ về Tân Thanh - Lạng Sơn đã giảm so với vài ngày trước đó nhưng xe tải vẫn xếp hàng dài chừng 80km chờ thông quan. Ước tính, hiện vẫn còn khoảng 1.500 xe tải chở dưa hấu, thanh long, chuối xếp hàng tại đây. Tại thị trấn Đồng Đăng, khu vực gần cửa khẩu Cốc Nam, hàng đoàn xe tải, xe container nằm ì tại chỗ khiến giao thông trở nên hỗn loạn dù lực lượng công an đã phải căng sức phân luồng.

Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Tân Thanh Thượng úy Đặng Nam Cao cho biết, trạm đã tổ chức 100% cán bộ trạm thực hiện các biện pháp chống ùn ứ. Bộ đội Biên phòng huy động lực lượng trực 24/24h để phân luồng, đảm bảo an ninh trật tự nơi cửa khẩu. Cùng với đó đơn vị phối hợp với các cơ quan chức năng gửi thư đề nghị phía Trung Quốc tạo mọi điều kiện cho xe hàng vào bãi, nới giờ làm việc lên đến 21h. Qua đó lượng hàng xuất đã nâng lên được trên 320 xe mỗi ngày. 

Anh Huỳnh Văn Nghĩa, lái xe 75C - 2143 cho biết, năm nay, dưa được giá, tầm 7.000- 10.000 đồng/kg nên bà con thi nhau thu gom, xuất bán sang Trung Quốc. Nhưng gặp cảnh ùn ứ, dưa hư hỏng thế này chắc chắn sẽ bị lỗ. Anh Nghĩa cho hay, anh nằm chờ tại đây đã 2 ngày, dự kiến phải một ngày nữa mới đến xe của anh thông quan. “Tôi lái xe tải năm nay là năm thứ 12, trong đó có 5 năm chở nông sản xuất khẩu qua biên giới và đều dính dồn ứ vào những dịp như thế này. Nguyên nhân chính là do hiện đang vào giữa thời điểm thu hoạch dưa hấu ở khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên nên các doanh nghiệp ồ ạt xuất hàng để gỡ vốn”-anh Nghĩa nói.

Xuất khẩu luôn ở thế bị động

Trước thực trạng xe tải chở nông sản bị dồn ứ quá nhiều tại cửa khẩu Tân Thanh, nhiều người cho rằng, phía Trung Quốc cố tình ép, thu mua chậm lại để làm giá. Tuy nhiên, bà Đặng Thị Ngân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Thanh khẳng định: “Hiện, việc xuất nhập khẩu hàng hóa giữa cửa khẩu Tân Thanh và phía Trung Quốc vẫn diễn ra bình thường. Thủ tục thông quan cũng rất nhanh, chỉ mất hơn 2 phút/xe. Tuy nhiên, do kho chứa nông sản tại chợ Pò Chài (tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc) có diện tích nhỏ, chỉ tiếp nhận tối đa 300-350 xe/ngày, vì vậy mỗi ngày còn khoảng 500 xe không thể xuất hàng và bị ùn ứ tại cửa khẩu, có thời điểm lên đến 2.000 xe”. Trong khi đó, để giúp thương nhân nhanh chóng xuất được hàng qua cửa khẩu, lực lượng chức năng đã phải chia ca và bố trí người làm việc từ 7h đến gần 22h. Tuy nhiên, do lượng xe tồn đọng quá nhiều nên chưa thể giải tỏa được tình trạng ùn tắc trong một vài ngày tới.

Để giảm tải bớt số lượng xe tải chở hoa quả đổ về Tân Thanh, UBND tỉnh Lạng Sơn đã  có văn bản gửi các  tỉnh có lượng nông sản lớn như Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên và Bộ Công Thương để khuyến cáo các nhà vườn, chủ hàng cần có kế hoạch thu gom, vận chuyển hợp lý tránh ùn tắc, gây thiệt hại cho các chủ hàng. Ngoài ra, để ổn định lâu dài, UBND tỉnh Lạng Sơn đã cử đoàn công tác sang tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) đàm phán, đề nghị cho Việt Nam được xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc bằng nhiều cửa khẩu của tỉnh, như Cốc Nam (huyện Văn Lãng), Chi Ma (huyện Lộc Bình), Bình Nghi, Nà Nưa (Tràng Định)… Theo đại diện tỉnh Lạng Sơn, nếu giải pháp này được xúc tiến nhanh, tình trạng ách tắc hàng sẽ cơ bản được giải quyết và về lâu dài, sẽ giảm áp lực cho cửa khẩu Tân Thanh.

Trong khi hàng nghìn xe tải chở dưa hấu đang lao đao ở Tân Thanh thì tại các tỉnh trồng dưa hấu số lượng lớn, nông dân rất lo lắng vì rớt giá. Theo Sở NN&PTNT Bình Định, trước đây, dưa hấu của tỉnh chủ yếu tiêu thụ tại thị trường trong nước nên diện tích trồng rất ít. Từ khi được xuất qua Trung Quốc, diện tích trồng dưa tăng lên chóng mặt, toàn tỉnh vụ này lên tới 500ha. Thời điểm đầu tháng 3, giá dưa hấu thu mua tại ruộng vẫn được 4.000-7.000 đồng/kg, nhưng những ngày qua, giá rớt chỉ còn 1.000-1.500 đồng/kg, nông dân phải bán đổ bán tháo.

Hiện tượng ùn ứ dưa hấu tại cửa khẩu Tân Thanh đã diễn ra và lặp lại hàng năm nhưng câu chuyện vẫn chưa có hồi kết. Nông dân cũng vì trồng dưa hấu cho thu nhập cao hơn nên vẫn không ngừng mở rộng diện tích canh tác, trong khi, các ngành chức năng địa phương như NN&PTNT và Công Thương lại không nghiên cứu thị trường,  định hướng để khuyến cáo bà con nông dân. Thiệt thòi người nông dân gánh chịu nhưng trên hết, tình trạng này lặp đi lặp lại hàng năm khiến nông sản Việt dù xuất khẩu nhưng luôn rơi vào thế bị động, tạo cơ hội cho thương lái nước ngoài ép giá.