Điểm giao cắt chết người

ANTĐ - “Mặc dù tại điểm giao cắt đã xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng nhưng không hiểu vì lý do gì, cơ quan chức năng vẫn phớt lờ kiến nghị của người dân về việc cho lập rào chắn tại khu vực này …”.

Giao thông tại điểm giao cắt khá phức tạp

Vừa đi vừa run

Trên đây là phản ánh của ông Nguyễn Xuân Quang ở số 20 phố Thượng Thanh, phường Thượng Thanh, quận Long Biên về điểm giao cắt nguy hiểm giữa ngõ 53 phố Ngô Gia Tự với tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai. Ông Quang cho biết, do gia đình ông chỉ cách nút giao này vài chục mét nên đã không ít lần tận mắt chứng kiến những vụ tai nạn thảm khốc tại đây. Điển hình là vụ tai nạn xảy ra cuối năm 2013 giữa  1 xe taxi 7 chỗ với đoàn tàu hỏa. Cú va chạm mạnh đã  khiến 1 người chết và 8 người bị thương. Vụ tai nạn này đã làm đổ sập bức tường  nhà kho của gia đình ông Quang. Trước đó không lâu, chủ gara ô tô nằm sát đường tàu khi lái xe đến điểm giao cắt đã va chạm với tàu đang chạy khiến 1 người trong xe tử vong tại chỗ, những người còn lại bị thương nặng.

Còn theo bà Nguyễn Thị Dịu – người dân sống tại khu vực, do lưu lượng người và phương tiện qua lại hàng ngày tại nút giao cắt này khá đông trong đó có nhiều xe tải với độ ồn cao nên hầu hết người điều khiển phương tiện, đặc biệt là người ngồi trong xe ô tô không thể nghe được tiếng chuông báo tự động. “Do không có rào chắn nên mỗi khi đi qua khu vực này chúng tôi luôn thấy căng thẳng, đặc biệt là vào buổi tối. Ngoài ra, hầu hết cả các phương tiện lưu thông theo hướng từ đường Ngô Gia Tự về Thượng Thanh rất khó nhìn thấy tàu hỏa vì bị nhà dân che khuất. Thông thường họ chỉ thấy tàu khi đi qua điểm giao cắt” – bà Dịu chia sẻ.

Có mặt tại địa chỉ trên chiều 31-7, chúng tôi thấy phản ánh của người dân hoàn toàn có cơ sở. Do đây là một trong tuyến đường giao thông chính của phường Thượng Thanh, đoạn đường gần điểm giao cắt hình thành nút thắt cổ chai nên thường xuyên xảy ra ùn tắc. Bên cạnh đó, điểm giao cắt là đỉnh dốc, nhà dân ở 2 bên đường san sát nhau nên đã che khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện. Đặc biệt do dốc khá cao, đường đông, những người đi xe đạp luôn phải xuống dắt xe khi lên dốc nên đã ảnh hưởng đến sự di chuyển của các phương tiện khác. Để cảnh báo người dân, đơn vị chủ quản đã lắp đặt hệ thống còi, đèn tự động mỗi khi có tàu đến song theo người dân sống tại đây, đã không ít lần hệ thống cảnh báo tự động này  ngừng hoạt động hoặc rơi vào tình trạng cảnh báo quá sớm hoặc quá muộn, gây khó khăn cho người tham gia giao thông.

Ông Quang bên bức tường bị đổ sập mới được xây lại

Chưa có phương án giải quyết

Trên phố Thượng Thanh hiện có 3 trường học (Tiểu học, THCS Thượng Thanh, trường THPT Lý Thường Kiệt) và một số cơ quan, đơn vị nên vào giờ cao điểm, tan tầm, tuyến đường này luôn đông đúc, đặc biệt là đoạn từ điểm giao cắt ra phố Ngô Gia Tự. Theo thống kê của chính quyền địa phương, tại đây đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông gây chết người và thiệt hại không nhỏ về tài sản. Do vậy, UBND phường Thượng Thanh đã nhiều lần có văn bản gửi đơn vị chủ quản đề nghị cho lắp rào chắn ở điểm giao cắt này nhưng chỉ nhận được câu trả lời “do lưu lượng người và phương tiện qua đây chưa đủ so với tiêu chuẩn để làm rào chắn nên chỉ có thể lắp đèn tín hiệu và chuông báo”.

Ông Hoàng Văn Lực, Phó Chủ tịch UBND phường Thượng Thanh cho biết, gần đây, ngày 29-4, UBND phường đã có công văn số 117 gửi UBND quận Long Biên, trong đó nêu rõ: Tại điểm giao cắt giữa phố Thượng Thanh và đường sắt Hà Nội – Lạng Sơn thường xuyên xảy ra tai nạn gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân. Do vậy, trên cơ sở kiến nghị của người dân các tổ dân phố từ 8-15, UBND phường đề nghị UBND quận xem xét, chỉ đạo các phòng ban liên quan tiến hành kiểm tra, có biện pháp khắc phục để đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn phường. Bên cạnh đó, UBND phường vẫn tiếp tục tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức đảm bảo an toàn của người dân khi tham gia giao thông trên tuyến đường này.