Bất cập thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương:

Đi hay “né”, là quyền của dân

ANTĐ -Trước ngày 25-2, lưu lượng xe chạy vào đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương ước 32.000-35.000 xe/ngày đêm, nhưng nay chỉ còn khoảng 18.000 xe chủ yếu là ô tô con, xe chở khách nhỏ và xe tải nhẹ. Trong thời điểm kinh tế khó khăn, đa số các xe chạy về miền Tây Nam bộ đều chọn cách “né” sang Quốc lộ 1A, dù chậm và thường xuyên tắc đường hơn…

Cảnh xếp hàng chờ  lấy thẻ vào đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Ảnh internet

Những quy định chưa hợp lý

Ông Vương Tài, chủ DNTN Tài Lợi (Hồng Ngự, Đồng Tháp) cho biết: Xe khách của doanh nghiệp này đã chuyển sang Quốc lộ 1A vì hành khách không đồng ý tăng giá và chấp nhận chậm hơn 30 phút. Anh Trương Thành Phương, một lái xe container nông sản ở Bến Tre chia sẻ: Chủ hàng không đồng ý tăng giá cước nên tôi buộc phải đi Quốc lộ 1A, chưa kể đi vào cao tốc, phải xếp hàng chờ lấy thẻ, lớ ngớ làm hỏng thẻ, mức phạt 150.000 đồng, quá nhiều phiền phức... Đa số doanh nghiệp vận tải ở TP.HCM cũng cho rằng, mức thu phí quá cao, thấp nhất 40.000 đồng và cao nhất 320.000 đồng/lượt sẽ làm tăng thêm khoảng 20-50% giá cước vận chuyển hành khách, hàng hóa từ TP.HCM đi các tỉnh ĐBSCL và ngược lại, chưa kể mức phí tính cho từng loại phương tiện vẫn chưa hợp lý.

Ông Lương Hoàng Trung - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM phân tích: Mức phí đối với loại xe có tải trọng từ 10-18 tấn và xe chở hàng         container 20 feet là 4.000 đồng/km (suốt tuyến 160.000 đồng/lượt); xe trên 18 tấn và xe container 40 feet, có phí 8.000 đồng/km (suốt tuyến 320.000 đồng/lượt). Bất cập ở chỗ, giữa xe 18 tấn và 20 tấn chênh nhau về tải trọng không nhiều nhưng giá thu phí của xe 20 tấn lại gấp đôi…

Ngoài ra, mức phí xe container 20 feet và 40 feet thiết kế tải trọng trên 20 tấn cũng phải nộp phí cao nhất là 8.000 đồng/km. Cách thu phí này dường như đang tập trung vào nhóm xe chở hàng hóa. Cụ thể, giá từ 2.200 đồng/km (xe từ 31 ghế ngồi, xe tải từ 4 đến dưới 10 tấn) đột ngột tăng lên 4.000 đồng/km (nhóm 4) rồi tăng lên gấp đôi (nhóm 5). Đây là lý do trong những ngày qua, lượng xe vào đường cao tốc TP.HCM-Trung Lương giảm 50% và các xe chuyển sang Quốc lộ 1A khiến tuyến đường đông dân cư gia tăng xe tải trọng lớn, tiềm ẩn nguy cơ TNGT, tái diễn tình trạng xe quá tải, quá khổ và ách tắc giao thông. 

Xây trạm để chống… thất thu?

Dự án đường cao tốc TP.HCM-Trung Lương có tổng mức vốn đầu tư khoảng 9.800 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước và việc tiến hành thu phí là đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, với lý do lo ngại một số phương tiện giao thông, chủ yếu là xe tải, xe container muốn “né” phí quá cao mà đi vào Quốc lộ 1A gây ùn tắc giao thông… một số vị trong Cửu Long CIPM, đơn vị được giao quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương đã đề xuất xây dựng thêm trạm thu phí tới 80 tỷ đồng trên Quốc lộ 1A để chống… thất thu và điều tiết giao thông cho tuyến đường cao tốc. Như vậy rất nhiều xe không đi vào đường cao tốc vẫn bị thu phí, đặc biệt là những người có nhà và sống tại hai bên đường 1A đoạn từ cầu vượt Nguyễn Văn Linh tới Trung Lương. Nhiều doanh nghiệp vận tải ở TP.HCM cũng bức xúc với sự áp đặt này. Nếu trạm thu phí đã xây từ trước khi Quốc lộ 1A nâng cấp mở rộng thì chấp nhận được. Trong khi Quốc lộ 1A, đoạn từ cầu vượt Nguyễn Văn Linh đến Trung Lương xưa nay không thu phí, nay không có dự án nào mà tự nhiên xây trạm thu phí là sai với tinh thần của điều 50 - Luật Giao thông đường bộ.

Luật sư Nguyễn Văn Trường - Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, người dân có quyền lựa chọn, không thể có chuyện vô lý ép người dân phải trả phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương ngay cả khi không đi trên đường này bằng việc “phong tỏa” tuyến đường huyết mạch từ TP.HCM về ĐBSCL bằng các trạm thu phí… Việc tước quyền lựa chọn của người dân bằng một trạm thu phí trên Quốc lộ 1A là vi phạm quy định về phí, lệ phí trong khi nhiều đoạn đường cao tốc vẫn chưa sửa xong.

Mặt khác, mục đích của việc đầu tư xây dựng tuyến cao tốc TP.HCM-Trung Lương là nhằm giải quyết bài toán giao thông, giúp việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân từ TP.HCM đến các tỉnh miền Tây được thuận tiện, giảm thiểu TNGT. Để khuyến khích xe lưu thông trên đường cao tốc, thiết nghĩ BQL tuyến đường nên tuân thủ các quy định pháp luật, ưu tiên bảo vệ quyền lợi người dân, xem xét lại mức thu phí giữa các loại phương tiện sao cho phù hợp, đặc biệt là mức phí quy định với các xe tải trọng lớn, đừng vì thu hồi vốn kiểu “ăn xổi” hay vin cớ đảm bảo chỉ tiêu ngân sách mà đưa ra mức phí trên trời, áp đặt hướng đi… Nên chăng cần tính toán mức phí theo lộ trình thu trong 5 năm đầu với mức thu trung bình, sau đó tăng dần lên sau 5 năm hoặc 10 năm… Hãy để đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương là một sản phẩm dịch vụ và đừng đẩy sự lựa chọn của người dân đến mức phải quay lưng, không thèm đi vào… đường cao tốc.