Dễ thuê xe, dễ… thiệt mạng

ANTĐ - Tại một số thành phố lớn và các điểm du lịch, dịch vụ cho khách nước ngoài thuê xe máy ngày càng nở rộ. Hoạt động này tiềm ẩn nguy cơ cao về tai nạn giao thông do đa số du khách không những không thông thuộc địa hình, không nắm được Luật Giao thông đường bộ của nước sở tại mà còn không có bằng lái.

Dễ thuê xe, dễ… thiệt mạng ảnh 1
Nhu cầu thuê xe máy để đi lại của du khách là khá cao
(Ảnh minh họa)


Không bằng lái vẫn vô tư thuê xe

Cách đây không lâu, trên đường Trần Phú, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, ông Gololobov Andrey (quốc tịch Nga) trong lúc điều khiển xe máy với tốc độ cao từ trung tâm thành phố về hướng cảng, đến đoạn cua trước Viện Hải dương học thì xe bất ngờ lao lên vỉa hè rồi tông rất mạnh vào bờ tường. Vụ tai nạn làm ông Gololobov Andrey chết tại chỗ. Được biết, chiếc xe mà ông Gololobov điều khiển thuê gần khách sạn để đi dạo ngắm cảnh Nha Trang. 

Mới đây nhất, sáng 21-9, tại điểm giao cắt Điện Biên Phủ - Đinh Tiên Hoàng (phường Đa Kao, quận 1, TP Hồ Chí Minh, anh Fluery Otavio Augusto Formigoni (quốc tịch Mỹ) điều khiển xe phân khối lớn với tốc độ cao đã va chạm với một phụ nữ điều khiển xe máy và một người bán vé số. Vụ va chạm khiến anh Fluery Otavio tử vong tại chỗ, 2 người còn lại bị thương.

Sau vụ tai nạn xảy ra đối với du khách Nga Gololobov Andrey, phía Nga đã đề nghị Việt Nam không cho khách du lịch Nga thuê xe máy nếu không có bằng lái hợp lệ. Trên cơ sở đó, Tổng cục Du lịch đã có Công văn số 934/ TCDL – LH siết chặt việc quản lý dịch vụ cho thuê xe gắn máy đối với du khách Nga và các nước khác. Trong công văn này, Tổng cục đã yêu cầu các Sở VH-TT&DL các địa phương thông báo cho các cơ sở dịch vụ du lịch cho thuê xe gắn máy không được cho người nước ngoài thuê xe nếu không xuất trình được bằng lái xe hợp lệ theo quy định của luật pháp Việt Nam. 

Song trên thực tế hiện nay, quy định này cũng chỉ nằm… trên giấy. Trên một số phố cổ Hà Nội như phố Hàng Bạc, Đinh Liệt… những tấm biển “Motorbikes for rent” (cho thuê xe gắn máy) xuất hiện khá nhiều. Thủ tục thuê xe khá đơn giản, khách thuê chỉ việc ký hợp đồng và đặt hộ chiếu. Giá thuê đối với xe máy dao động từ 5-10 USD/ngày, phụ thuộc vào chất lượng xe và thời gian thuê.

Những tấm biển cho thuê xe xuất hiện khá nhiều trong khu vực phố cổ

Quy định có, nhưng khó thực hiện

Về những quy định liên quan đến người điều khiển xe máy là người nước ngoài, luật sư Võ Đình Hải – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, Luật Giao thông đường bộ quy định: Người lái xe tham gia giao thông phải đủ độ tuổi, sức khoẻ quy định tại Điều 60 của Luật này và có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp. Do vậy, người điều khiển xe máy dù là người Việt Nam hay người nước ngoài đều phải có GPLX theo quy định của luật pháp Việt Nam. 

Trong khi đó, người nước ngoài phải có thời gian ở Việt Nam từ ba tháng trở lên, có giấy phép lái xe quốc tế hoặc quốc gia còn thời hạn sử dụng, nếu có nhu cầu thì được xét làm thủ tục để đổi giấy phép lái xe tương ứng. Tuy vậy, hầu hết người nước ngoài thuê xe là du khách, họ chỉ ở Việt Nam một thời gian ngắn nên nên khó đáp ứng được điều kiện về thời gian. Mặt khác, đa số người nước ngoài dù có bằng lái ôtô, nhưng pháp luật Việt Nam quy định vẫn phải sát hạch mới lấy được bằng lái môtô kèm theo điều kiện phải biết tiếng Việt. Quy định này đối với không ít người nước ngoài là điều “bất khả thi”.

Cũng theo luật sư Võ Đình Hải, điều 33 Nghị định 71/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 800.000 -1,2 triệu đồng đối với chủ xe mô tô, xe gắn máy giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật điều khiển xe tham gia giao thông. Mặt khác, một trong những hành vi bị cấm là “Giao xe cơ giới, xe máy chuyên dùng cho người không đủ điều kiện để điều khiển tham gia giao thông đường bộ”. Do đó, nếu người cho thuê khi giao ký hợp đồng cho thuê xe với những người không có bằng lái, khi xảy ra tai nạn, căn cứ vào hậu quả xảy ra có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo điều 205 của Bộ luật Hình sự với khung hình phạt cao nhất lên đến 12 năm tù trong trường hợp nếu “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”.

Có thể nói dịch vụ cho thuê xe máy ngày càng phát triển đến mức khó kiểm soát. Để đảm bảo an toàn cho du khách nói riêng và người tham gia giao thông nói chung, đề nghị chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan nhanh chóng kiểm tra và có biện pháp siết chặt quản lý loại hình dịch vụ này.