Củng cố 4 phòng tuyến bảo vệ phòng chống bạo hành, xâm hại trẻ em

ANTĐ - Giáo sư - Viện sĩ Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, các vụ ngược đãi, xâm hại, bạo lực, bóc lột trẻ em... ít được cộng đồng chủ động phát hiện, trình báo với cơ quan chức năng mà phần nhiều là do các phương tiện truyền thông phát hiện, tố giác trước công luận. Bởi vậy, có thể nhận định những vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em bị phát hiện chỉ là một phần nhỏ so với thực tế.

Mặc dù Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em đã quy định rõ trách nhiệm của gia đình, nhà nước và xã hội trong việc bảo vệ trẻ em, nhưng một số bộ, ngành, chính quyền địa phương chưa quan tâm thỏa đáng.

Ông Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và điều tra phát triển cộng đồng - Liên hiệp Hội KHKT Việt Nam cho rằng, lý do khiến thực trạng này ngày càng báo động là do cả 4 tuyến bảo vệ trẻ em đều không hoàn thành nhiệm vụ. Đầu tiên là bố mẹ, những gia đình bị tan vỡ, rạn nứt khiến trẻ em không được chăm sóc bảo vệ mà còn bị đẩy vào nguy cơ bị bạo hành. Tiếp đến là môi trường xã hội xung quanh, những người họ hàng, làng xóm ngày càng xao nhãng, thờ ơ với các cảnh ngộ trẻ em bị bạo hành. Các cấp chính quyền không can thiệp kịp thời, hiệu quả. Cuối cùng là hệ thống luật pháp, chính sách của nhà nước.

Ông Trần Tuấn lấy ví dụ, chúng ta chưa có khâu dự phòng hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em, nghĩa là cung cấp kiến thức, kỹ năng làm cha mẹ, giáo dục ý thức cộng đồng, nâng cao vai trò chính quyền. Khi giải quyết các vụ bạo hành, xâm hại trẻ em rất lúng túng, không có quy trình giải quyết hiệu quả, thường chỉ gỡ trẻ ra khỏi hành vi bị bạo hành sau đó lại trả chúng về môi trường có nguy cơ bị bạo hành như cũ… Về điều này, GS. Đào Trọng Thi chia sẻ thêm, giáo dục chưa đủ mà còn cần phải xử lý, nghĩa là xử lý nghiêm các trường hợp bạo hành, xâm hại trẻ em, phải xử lý để cộng đồng nhận thức được đây là hành vi, hành động vi phạm quyền trẻ em. Có như vậy mới phù hợp với công ước quốc tế về Quyền trẻ em mà Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á đã tham gia ký kết.