Cúm gia cầm lan rộng: Tay không chống dịch

ANTĐ - Dịch cúm gia cầm ở các nước đã có chiều hướng thuyên giảm qua các năm thì tại Việt Nam, năm nào dịch cúm cũng tái phát. Hàng năm, Nhà nước phải chi hàng chục tỷ đồng để mua vaccine tiêm phòng, nhưng năm nào cũng có người tử vong do cúm. Hiện, dịch đã bùng phát mạnh, trong khi vaccine lại đang vô hiệu.

Vaccine đã bị vô hiệu, người dân sẽ phải tay không chống dịch

Hàng trăm tỷ đồng, cúm vẫn xảy ra

Cục Thú y cho biết, tính đến ngày 19-2, dịch cúm gia cầm đã xuất hiện trở lại tại 11 tỉnh, thành trên cả nước, tổng số gia cầm mắc bệnh phải tiêu hủy là gần 35.000 con. Trong tháng 1-2012 đã có 2 người mắc và tử vong vì nhiễm cúm A/H5N1. Đại diện Bộ Y tế cho biết, tính từ năm 2003 đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 121 trường hợp nhiễm cúm A/H5N1, trong đó 61 người tử vong. Bộ Y tế nhận định, trong bối cảnh virus cúm gia cầm đã phát tán rộng ra ngoài môi trường, nguy cơ lây lan sang người gây tử vong là rất cao.

Hàng năm, Việt Nam đều chi hàng chục tỷ đồng để nhập vaccine cho phòng chống cúm gia cầm. Như năm 2007 là hơn 99 tỷ đồng, năm 2008 là hơn 84 tỷ đồng, năm 2009 là gần 60 tỷ đồng, năm 2010 là gần 50 tỷ đồng. Tổng cộng từ năm 2005 đến nay, tiền nhập khẩu vaccine là hơn 425 tỷ đồng. Ông Hoàng Văn Năm, Cục trưởng Cục Thú y cho biết, hơn 425 tỷ đồng mới chỉ là tiền nhập khẩu vaccine, các địa phương phải chi một số tiền tương đương cho việc triển khai tiêm phòng như chi phí công tiêm, vật tư…

Trái khoáy ở chỗ, số liệu theo dõi việc sử dụng vaccine 3 năm liên tiếp từ 2009-2011 của Cục Thú y tại 2 vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cho thấy, vùng đồng bằng sông Hồng đã ngừng tiêm vaccine từ năm 2011 trong khi ĐBSCL vẫn tiếp tục tiêm phòng. Tuy nhiên, tại ĐBSCL, dịch bùng phát mạnh hơn về quy mô và lượng gia cầm mắc bệnh. “Qua tính toán về mặt thống kê cho thấy, sự khác biệt giữa dịch cúm năm 2012 và năm 2011 là rất lớn. Dù quy mô tương đương nhưng lượng gia cầm mắc bệnh và phải tiêu hủy trong năm nay, đến thời điểm này đã vượt qua cả năm 2011”, ông Năm nói. Nghi ngờ về tính hiệu quả của việc sử dụng vaccine, ông Lê Minh Sắt, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ KHCN cho rằng, một số nước trong khu vực đã ngừng sử dụng vaccine trong phòng chống cúm gia cầm như Thái Lan, nhưng dịch đã được khống chế nhiều năm nay. Trong khi, năm nào Việt Nam cũng tiêm phòng mà dịch vẫn xảy ra.

Virus “vượt mặt” vaccine

Trong khi đó, kết quả phân tích giải trình gene cho thấy, ở miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên đã xuất hiện nhánh virus cúm gia cầm mới, tương đương với chủng virus đang lưu hành ở Trung Quốc. Đáng lo ngại, tỷ lệ bảo hộ của vaccine trước chủng virus cúm gia cầm mới này rất thấp, chỉ đạt 35-40%. Điều này cũng đồng nghĩa, việc tiêm phòng không mang lại hiệu quả. Ngoài ra, ông Năm còn cho biết, bên cạnh sự biến đổi, còn ghi nhận những chủng virus mới như H5N2, H9… Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bùng phát như hiện nay, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, nếu không dùng vaccine để dập và phòng chống dịch thì chưa có biện pháp gì thay thế khả quan hơn.

Chống dịch mục tiêu vì sức khỏe cộng đồng, vì con người chứ không phải chỉ vì con gà, con vịt.

Theo ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, các địa phương phải giám sát chặt chẽ việc vận chuyển, giết mổ theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, bởi hiện tại,  số gia cầm trong độ tuổi giết thịt còn tồn trong dân rất lớn, nếu không  giám sát chặt sẽ là nguồn lây lan, phát tán dịch.  “Chúng ta cần phải gia tăng nỗ lực để nhanh chóng khống chế dịch, trước hết vì sức khỏe của nhân dân, không để virus lưu hành rộng. Dịch không chỉ thiệt hại cho ngành chăn nuôi mà đe dọa sức khỏe của cả cộng đồng. Các giải pháp chúng ta đã bàn nhiều năm nay, nhưng chưa mang lại hiệu quả như mong muốn”, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết.

Về việc dù kết quả thử nghiệm cho thấy, vaccine Việt Nam đang dùng tỷ lệ bảo hộ đàn gia cầm rất thấp, nhưng Bộ NN&PTNT vẫn xin Chính phủ cho nhập 50 triệu liều, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, dịch đang bùng phát, chúng ta cần phải khống chế thật nhanh, phải huy động mọi biện pháp trong đó có cả sử dụng vaccine, ưu tiên dập tắt dịch trong thời điểm hiện nay.