Công chức trẻ theo nhau “bỏ cuộc chơi”

ANTĐ - Từ 1-5, mức lương tối thiểu đối với các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ quan hành chính nhà nước sẽ nâng lên 1,05 triệu đồng/tháng theo Nghị định 31/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, với nhịp tăng giá liên tục, mức tăng lương đó thực sự không đủ sức níu kéo một bộ phận trí thức thuộc khối quận huyện, phường xã ở TP.HCM…

Bề nổi của chuyện ra đi

Giải quyết các vấn đề nhà đất, xây dựng thường tạo áp lực lớn đối với cán bộ chuyên trách

ở quận huyện, phường xã 

Chị Nguyễn Thị Kiều Loan, cán bộ phòng TN-MT quận Gò Vấp cho biết: “Công việc xem xét hồ sơ đất đai, nhà cửa, các cơ sở sản xuất, dịch vụ nhiều không đếm nổi, áp lực lớn, đôi lúc chúng tôi quá tải công việc. Nhưng chỉ sơ sẩy chút thôi, như trả lời quy hoạch sai, là trả giá bằng kỷ luật của cơ quan, bằng những sự không thông cảm từ chính người dân”. Đây là nguyên nhân thời gian gần đây, những cán bộ giỏi, tâm huyết đều xin nghỉ việc để ra làm ngoài.

Đặc biệt, có tới quá nửa trí thức trẻ được thành phố tuyển chọn từ năm 2006 đến nay cũng xin thôi việc về mở công ty hay sang làm các công việc khác do không chịu nổi áp lực công việc, trách nhiệm trước dân cũng như chế độ lương, thưởng quá thấp, không tương xứng với công sức họ bỏ ra.

Anh Lê Đăng Phi, cán bộ chuyên trách TDTT huyện Bình Chánh cũng chia sẻ: “Với cán bộ chuyên trách thì chế độ tương đối ổn định, thu nhập dù thấp vẫn hơn cán bộ bán chuyên trách ở phường, xã. Nói là bán chuyên trách nhưng dưới cơ sở, các cán bộ này cũng làm toàn thời gian như công chức phường, xã, thậm chí phải ôm đồm nhiều việc hơn. Tuy nhiên, chế độ chính sách dành cho họ thì chưa được quan tâm, không được hưởng lương theo trình độ, không được nâng lương, đến bảo hiểm cũng chưa có nên cấp phường, xã của TP.HCM vốn đã yếu nay lại không thu hút được người có năng lực về làm việc”…

Thời điểm năm 2007, quận Gò Vấp được cho là đột phá trong công tác xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ chất lượng cao cho thành phố. Nhưng 6 năm sau, 149 người trúng tuyển chỉ còn 73 người trụ lại và nhiều cán bộ trẻ đang tiếp tục bỏ “cuộc chơi”. Ông Nguyễn Hồng, Chủ tịch UBND quận Gò Vấp cho biết: Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do chế độ. Hệ số lương cơ bản thấp, chế độ đãi ngộ chưa tương xứng, cán bộ trẻ không đủ sống, không thể yên tâm công tác. 

Cần những thay đổi

Theo kết quả khảo sát về xây dựng hệ thống chính quyền các cấp, thời gian qua, mỗi năm TP.HCM phải bỏ ra 12.000 tỷ đồng đào tạo và đào tạo lại hơn 50.000 cán bộ, công chức nhằm đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa đội ngũ song số lượng “đạt” vẫn chỉ khoảng 60%, tỷ lệ cán bộ không đủ trình độ, nhất là ở cấp phường, xã khá cao, hơn 30%. Điều tra của Viện Nghiên cứu Quản lý Hành chính cho thấy, kỹ năng quản lý nhà nước của đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính quyền cấp quận huyện, phường xã ở TP.HCM hiện chỉ đạt mức trung bình, trong đó kiến thức và kỹ năng lãnh đạo, nhất là ở lĩnh vực quản lý và xây dựng chiến lược phát triển thành phố, tỷ lệ đạt mức yếu cho tới trung bình vẫn chiếm 80%.

Nguyên nhân của tình trạng này là, phương thức và nội dung đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ vẫn nhằm vào tiêu chuẩn hóa chức danh chứ chưa chú trọng tới những kiến thức và kỹ năng để trang bị cho cán bộ năng lực thực hiện tốt hơn công việc và nhiệm vụ được giao. Với một nền tảng mong manh như vậy, đội ngũ cán bộ tại các quận huyện, phường xã TP.HCM, nhiều nhưng vẫn thiếu. PGS-TS Bùi Đức Kháng - giảng viên Học viện Hành chính cho rằng, thực tế việc tuyển dụng cán bộ, công chức không đúng chuyên môn, không qua đào tạo, bằng cấp không phù hợp với công việc, không ít người vào cơ quan không làm được việc, rồi lại xin đi học tại chức…

Sự khập khiễng này đang trì kéo đội ngũ cán bộ, ảnh hưởng đến kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn của từng chức danh, công việc đặt ra. Vì thế công tác thi tuyển cạnh tranh các chức danh mà TP.HCM đưa ra là một giải pháp tốt cho công tác tổ chức cán bộ, xây dựng được cơ chế “đào thải” cán bộ không đáp ứng được công việc, góp phần khắc phục những tiêu cực trong công tác cán bộ hiện nay. Đồng thời, với nhiều cán bộ có năng lực, không may thi không đạt vẫn nên được bố trí sử dụng hợp lý, không phân biệt đối xử. Có vậy, việc thi tuyển, đề bạt sẽ hiệu quả hơn, động viên được cán bộ phấn đấu, cống hiến, góp phần đưa hoạt động chính quyền cơ sở ở TP.HCM ngày càng phát triển.