Lẫn lộn thất nghiệp thực - ảo (2)

Có việc làm vẫn hưởng trợ cấp thất nghiệp

ANTĐ - Trong bối cảnh kinh tế khó khăn khiến rất nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, giải thể hay thu hẹp sản xuất như hiện nay, số người mất việc, thất nghiệp tăng cao là khó tránh khỏi. Song song đó là tình trạng “thất nghiệp ảo” cũng trở nên phổ biến.

Phần lớn lao động quan tâm đến số tiền bảo hiểm thất nghiệp hơn tìm việc làm mới

(Trong ảnh: Tư vấn cho lao động tại Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội)


Thất nghiệp nhưng không muốn tìm việc

Theo quy định, người được hưởng BHTN là người lao động bị mất việc, thất nghiệp, sau 15 ngày chưa tìm được việc làm mới (kể từ ngày đăng ký thất nghiệp), tuy nhiên việc xác định họ đã tìm được việc làm mới trong vòng 15 ngày quy định chưa là rất khó khăn. Ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục Việc làm - Bộ LĐ-TB&XH thừa nhận, việc xác định người lao động thất nghiệp thật hay giả trong thời gian họ đăng ký thất nghiệp chủ yếu dựa vào sự trung thực của người lao động. Cũng vì thế, tính đến thời điểm này tại TP Hồ Chí Minh đã phát hiện hơn 200 trường hợp lao động có việc làm trong thời hạn quy định nhưng vẫn đang hưởng trợ cấp thất nghiệp. Chắc chắn những trường hợp tương tự cũng xảy ra ở các địa phương khác.

Các TTGTVL trực thuộc Sở LĐ-TB&XH của các tỉnh/thành ngoài chức năng đăng ký BHTN còn có nhiệm vụ hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm và dạy nghề cho người lao động bị mất việc (vì có thể người lao động trình độ hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu đổi mới của công việc). Thế nhưng qua khảo sát, đa số người lao động chỉ quan tâm đến tiền trợ cấp thất nghiệp chứ không mặn mà tìm việc làm mới. 

Bên cạnh đó, hiện có nhiều trường hợp không phải thất nghiệp như định nghĩa của Luật Bảo hiểm xã hội (ví dụ như lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động không muốn tiếp tục tham gia thị trường lao động) nhưng vẫn được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Ngoài ra cũng có những trường hợp không thất nghiệp mà vẫn được hưởng trợ cấp một lần do có việc làm.

Đã đến lúc sửa đổi luật

Ông Vũ Trung Chính, Giám đốc TTGTVL Hà Nội cho biết, theo quy định hiện nay, các doanh nghiệp sử dụng dưới 10 lao động, người lao động có hợp đồng làm việc dưới 12 tháng thì không được tham gia BHTN. Trong thực tế, đây lại là những đối tượng có khả năng mất việc làm cao nhất, cần quan tâm hỗ trợ nhất. Hay việc quy định số tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp phụ thuộc vào nhóm thời gian đóng BHTN (tham gia BHTN từ 12 đến 36 tháng thì được hưởng trợ cấp 3 tháng khi mất việc) đã góp phần khuyến khích người lao động “nhảy việc”, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong vấn đề ổn định lao động.

Ông Chính phân tích thêm, quy định “người LĐ sau khi thôi việc, mất việc nếu được doanh nghiệp đã sử dụng lao động trước đó tái tuyển dụng thì phải hoàn trả tiền trợ cấp thất nghiệp đã nhận cho Quỹ BHTN”. Do vậy, đã phát sinh một số trường hợp doanh nghiệp và người lao động lợi dụng kẽ hở để thông đồng lách luật bằng cách: doanh nghiệp thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động để người lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp, sau khi được hưởng trợ cấp thất nghiệp 1 hoặc 2 tháng thì doanh nghiệp tái tuyển dụng người lao động. Lúc này,  người lao động vừa tiếp tục có việc làm vừa được hưởng khoản trợ cấp thất nghiệp một lần. 

Cùng quan điểm này, ông Lê Đăng Thanh, Giám đốc TTGTVL tỉnh Thanh Hóa cho rằng, nên sửa đổi quy định về thời gian tham gia BHTN và quyền lợi được thừa hưởng. Cụ thể, nên sửa đổi quy định này theo hướng cứ mỗi năm (đủ 12 tháng đóng BHTN) một lần thì khi người lao động chấm dứt bị thất nghiệp, mất việc được trợ cấp thất nghiệp 1 tháng, đóng đủ 2 năm thì được trợ cấp 2 tháng... Như vậy sẽ khách quan hơn.