Chợ đầu mối phía Nam: Phương án nào đạt hiệu quả?

(ANTĐ) -Bắt đầu từ tháng 9-2009, sau một thời gian nâng cấp cải tạo giai đoạn 1, chợ đầu mối phía Nam sẽ chính thức được khai trương hoạt động trở lại với nhiệm vụ là địa điểm trung chuyển hàng nông sản cho Hà Nội. Mặc dù được đi vào hoạt động từ tháng 7-2002 để giảm tải cho chợ Long Biên nhưng việc xây dựng cơ sở hạ tầng tại chợ đầu mối phía Nam thiếu sự đồng bộ, mất cân đối, nên hoạt động không hiệu quả. Vì vậy yêu cầu đặt ra của thành phố đối với Tổng Công ty thương mại Hà Nội (Hapro) là làm thế nào để chợ có thể hoạt động hiệu quả nhất.

Chợ đầu mối phía Nam: Phương án nào đạt hiệu quả?

(ANTĐ) -Bắt đầu từ tháng 9-2009, sau một thời gian nâng cấp cải tạo giai đoạn 1, chợ đầu mối phía Nam sẽ chính thức được khai trương hoạt động trở lại với nhiệm vụ là địa điểm trung chuyển hàng nông sản cho Hà Nội. Mặc dù được đi vào hoạt động từ tháng 7-2002 để giảm tải cho chợ Long Biên nhưng việc xây dựng cơ sở hạ tầng tại chợ đầu mối phía Nam thiếu sự đồng bộ, mất cân đối, nên hoạt động không hiệu quả. Vì vậy yêu cầu đặt ra của thành phố đối với Tổng Công ty thương mại Hà Nội (Hapro) là làm thế nào để chợ có thể hoạt động hiệu quả nhất.

Từ năm 2002-2008, chợ đầu mối phía Nam trực thuộc sự quản lý của Ban quản lý chợ Hoàng Mai và điểm đỗ xe công cộng Đền Lừ. Chợ được xây dựng trên diện tích 2,1ha với chức năng chính là giảm tải cho chợ Long Biên. Tuy nhiên nhiều năm qua, chợ vẫn không thu hút được tiểu thương buôn bán và tình trạng quá tải tại chợ Long Biên vẫn diễn ra, có lúc người ta gọi là sự lãng phí tiền tỷ.

Tại đây, diện tích nhà lồng gần 6.000m2, gồm 120 ô chỗ. Mặc dù theo số đăng ký các nhà lồng này đã kín chỗ, nhưng thực tế đến nay mới chỉ có 40 hộ đang kinh doanh, 49 ô đã bị chuyển nhượng, số còn lại chỉ làm kho chứa hàng cho các hộ đang kinh doanh trên chợ Long Biên. Vì không đủ điều kiện thu hút tiểu thương về kinh doanh nên chợ đầu mối phía Nam không những không giảm tải được cho chợ Long Biên mà doanh thu cũng đạt thấp, chỉ từ 400-1.5 tỉ đồng/năm.

Năm 2007, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, điểm đỗ xe công cộng Đền Lừ có diện tích 21.700m2 hợp khối về chợ đầu mối phía Nam, đồng thời chợ được chuyển giao về Tổng Công ty thương mại Hà Nội với mục tiêu sẽ xây dựng chợ trở thành trung tâm kinh doanh đầu mối nông sản của Hà Nội.

Ngay sau khi tiếp nhận chợ (năm 2007) và bến Kim Ngưu I (2008), Hapro đã nhanh chóng đầu tư cải tạo, mở rộng diện tích bãi đỗ xe sang mạn hàng hóa. Đến nay, Hapro đã cải tạo hoàn chỉnh bãi đỗ xe sang mạn diện tích 11.000m2, đáp ứng được 400 xe ô tô vận chuyển hàng hóa các loại, trong đó có 250 xe có trọng tải từ 3,5 tấn trở lên ra vào chợ trung chuyển hàng hóa (tăng gấp đôi so với thời gian trước). Cùng với việc tổ chức lại đường giao thông nội bộ thông thoáng; Hapro đã đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống dịch vụ công cộng như xây mới hệ thống nhà tắm, cải tạo sửa chữa nâng cấp khu nhà vệ sinh công cộng… đáp ứng nhu cầu của hàng nghìn người kinh doanh buôn bán tại chợ. Doanh thu cũng đạt 5,7 tỷ đồng năm 2008, tăng gần 200% so với năm 2007.

Nhưng những bất cập vẫn tồn tại lâu nay như chợ đầu mối phía Nam vốn được quy hoạch từ thời còn thuộc huyện Thanh Trì, nay thuộc quận Hoàng Mai, vị trí của chợ lại nằm ở trung tâm quận, sát con đường chính nối cầu Thanh Trì với đường vành đai 3, nên có thể thấy sau khi hợp khối và hoạt động, nguy cơ chợ đầu mối phía Nam lại trở thành điểm bất cập về giao thông đô thị, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự.

Tuy nhiên ông Nguyễn Hữu Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hapro cho biết, Hapro sẽ cố gắng tạo điều kiện thuận lợi tốt nhất để thu hút tiểu thương về hoạt động như: đa dạng hóa các dịch vụ bốc dỡ hàng hóa, trông giữ hàng hóa, điện nước, vệ sinh. Ngoài ra, đơn vị còn thực hiện giảm trừ 1 tháng tiền thuê mặt bằng đối với các hộ kinh doanh tại một số ki-ốt mới xây dựng thuộc các khu E, G, H; xây dựng cơ chế giá cho thuê mặt bằng và các dịch vụ phụ trợ với mức giá hợp lý, giảm 50% kinh phí thuê diện tích kinh doanh hàng tháng tại khu D cho các hộ kinh doanh thuộc diện gia đình chính sách; ưu đãi về mức phí đối với các xe ra vào bốc dỡ hàng hóa; cung cấp dịch vụ điện nước nhanh chóng cho các hộ kinh doanh…

Đồng thời khi thực hiện giai đoạn 2, ngoài việc tiếp nhận thêm diện tích đất của bãi đỗ xe Đền Lừ, còn thêm hơn 8.000m2 đất liền kề do quận Hoàng Mai đang quản lý. Chợ đầu mối sẽ có tổng diện tích hơn 7ha, gấp 3 lần chợ Long Biên, xây mới 150-170 ki-ốt với tổng diện tích 5.000m2, xây thêm 30.000m2 bãi đỗ xe sang mạn…. Dự kiến việc đầu tư nâng cấp sẽ hoàn thành trong dịp Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội (10-10-2010), đủ sức thu hút từ 350-600 xe tải các loại - bằng số lượng xe tải hằng ngày vận chuyển hàng hóa vào thành phố hiện nay và lúc đó sẽ chuyển được toàn bộ lượng hàng kinh doanh từ chợ Long Biên về hoạt động.

Bà Nguyễn Thị Như Mai - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - cũng cho rằng, nhiệm vụ từ nay đến năm 2015 của chợ đầu mối phía Nam sẽ là địa điểm trung chuyển hàng nông sản của Hà Nội, giảm tải cho chợ Long Biên. UBND thành phố sẽ tạo những điều kiện tốt nhất để Hapro thực hiện được nhiệm vụ này, đồng thời quyết liệt hạn chế xe tải về chợ Long Biên.

Tuy nhiên về lâu dài chợ đầu mối phía Nam không nằm trong quy hoạch chợ đầu mối. Việc đầu tư nâng cấp hiện nay cũng chỉ là bước đệm, giải pháp tình thế, để giảm gánh nặng cho chợ Long Biên. Trong tương lai, Hà Nội sẽ có 489 chợ, 162 trung tâm thương mại các loại và 178 đại siêu thị, siêu thị, cùng với 8 chợ đầu mối, trong đó, có 2 chợ đầu mối cấp vùng quy mô cực lớn, diện tích dự kiến 50 ha/chợ, đặt vị trí tại đường 5 kéo dài và địa phận huyện Thường Tín.

Huyền Khánh