“Chặt chém” theo mùa thi

(ANTĐ) - Ngày mai 4-7, đợt 1 kỳ thi tuyển sinh đại học 2011 sẽ  bắt đầu. Không khí tại Hà Nội trong những ngày này đang nóng dần lên. Hàng nghìn thí sinh và phụ huynh các tỉnh đổ về khiến bến xe, các con đường dẫn vào cổng trường đại học luôn trong tình trạng quá tải, tắc nghẽn. Không bỏ qua cơ hội, các dịch vụ ăn theo mùa thi cũng nhanh chóng vào cuộc.

Những quán cóc bên ngoài khu vực thi cử luôn đông khách

Nóng nhất có lẽ là dịch vụ nhà trọ. Ngay từ đầu tháng 6, các nhà trọ khu Dịch Vọng, Mỹ Đình (Cầu Giấy), quận Thanh Xuân, khu Bách Khoa... đã rục rịch tăng giá. Nhiều chủ phòng trọ còn đuổi hết các sinh viên thuê trọ để đón thí sinh thi đại học. Nếu như năm ngoái giá thuê trọ là 60.000-100.000 đồng thì năm nay đã lên 100.000-150.000 người/ngày đêm, thậm chí có chỗ chủ nhà hét giá 200.000 người/ngày đêm. Như vậy tính ra 1 thí sinh kèm 1 phụ huynh riêng tiền thuê nhà trong 3 ngày thi cũng hết ít nhất là 600.000-800.000 đồng. Theo khảo sát, hầu hết các thí sinh đều “tặc lưỡi” chấp nhận mức giá chủ nhà đưa ra vì nếu không nhanh chân sẽ không còn phòng trọ. Chị Nguyễn Hương Mai (ngõ 336, Nguyễn Trãi, Hà Nội) chia sẻ: “Những ngày này mức giá nào phụ huynh và thí sinh cũng phải đồng ý vì nếu không thuê sẽ hết. Mà thuê những nơi xa thì sợ tắc đường, tốn tiền “xe ôm”. Cả đời con cái mới thi đại học một lần nên đa số cha mẹ đều muốn ổn định nhanh chỗ ở để còn nghỉ ngơi, ôn luyện”.

Dịch vụ thuê phòng theo giờ cũng sốt không kém. Những gia đình cách Hà Nội 20-30km thường chọn giải pháp đi về nên rất cần thuê phòng cho con nghỉ buổi trưa. Song giá thuê khá cao, dao động từ 150.000-250.000 đồng/3 tiếng (phòng có điều hòa) và cũng không có nhiều. Tâm lý phụ huynh thường không muốn con vạ vật giữa trời trưa nắng nên đắt mấy cũng chịu. Gia đình có điều kiện thì thuê khách sạn hay nhà nghỉ cho con.

Tuy nhiên với một số người, nhất là nhà nông việc chi trả như vậy là quá nhiều. Vì vậy họ thường chọn giải pháp ăn trưa tại quán cơm gần trường rồi ngồi nghỉ tạm tại gốc cây ven đường nào đó đợi giờ thi.

Cũng vì nhu cầu nhà trọ quá lớn mà tại các bến xe, cổng trường thi cảnh chèo kéo, bắt mối của các “cò” không phải là hiếm. Cò đa phần là những người hành nghề “xe ôm”, mỗi lần dẫn được một người đến ở trọ sẽ được chủ nhà hoa hồng cho từ 20.000-30.000 đồng. Theo một “cò” ở bến xe Mỹ Đình thì tính riêng tiền hoa hồng một ngày cũng kiếm được vài trăm nghìn đồng.

Không chỉ nhà trọ mà các hàng quán quanh khu vực điểm thi cũng mọc lên như nấm sau mưa. Anh Ngọc Lân, chủ một quán nước cổng trường ĐH KHXH&NV cho biết: “Một năm có mấy ngày này thôi, phải tận dụng chứ”. Vào ngày thi, quán nước của anh có đủ thứ: cà phê, trà đá, nước ngọt, bánh bao, bánh mì, quạt giấy... thậm chí cả chì, thước, compa, bút... những thứ mà “sĩ tử” hay quên. Một chồng ghế nhựa được anh chuẩn bị để cho thuê với giá 20.000 đồng/3 giờ. Phụ huynh không thể đứng 3 tiếng đồng hồ để đợi con thi nên nhiều người cũng nhắm mắt thuê một chiếc ra gốc cây ngồi đợi con.

Trời nắng nóng, các cửa hàng mía đá di động cũng hoạt động mạnh tại các điểm thi với giá trung bình 10.000-12.000 đồng/cốc. “Biết là tốn tiền đấy nhưng không thể tiết kiệm được, phải giữ sức khỏe chứ nếu lăn ra ốm thì còn mệt nữa” - ông Nguyễn Huy Quang, quê Thái Bình chia sẻ.

Lực lượng “xe ôm” cũng được hoạt động hết công suất. Theo ông Dũng, xe ôm tại cổng trường ĐH Sư phạm Hà Nội, trong những ngày này chỉ sợ không có sức chạy thôi vì rất “đắt khách”. Thí sinh trọ cách trường 1-2km cũng phải đi “xe ôm” chứ không thể đi bộ. Vì vậy một ngày kiếm được gấp 3-4 lần ngày thường.

Bên cạnh những dịch vụ trên còn có một dịch vụ đặc thù mùa thi nữa. Đó là bán đáp án. Lực lượng đáng được nhắc đến là những thanh niên rao đáp án được giải viết bằng tay rồi photo ra bán một cách công khai ngay trước các địa điểm thi. Nhớ năm ngoái, thời điểm đội quân này hoạt động nhiều nhất là khi các thí sinh bắt đầu bước ra khỏi cổng trường, khi các em chưa kịp “hoàn hồn” thì đã bị ấn luôn vào tay tờ đáp án với lời rao “mua đáp án không?” với giá 5.000 đồng.

Những dịch vụ ăn theo mùa thi càng ngày càng có chiều hướng nở rộ và phong phú hơn. Nhìn về một góc độ nào đó nó thực sự đáp ứng được nhu cầu của phụ huynh và thí sinh đi thi. Nhưng không ít người vô cùng bức xúc vì sự “chặt chém” quá đáng, nhất là với những gia đình nghèo còn phải vay mượn để cho con có thể tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học.