Cậu bé 1 tuổi bị bệnh lạ và những hủ tục đáng sợ

ANTĐ - Mới 12 tháng tuổi nhưng cháu A Phung con trai của anh A Bền (26 tuổi) và chị Y Áo (25 tuổi) người dân tộc Xê Đăng ở làng Tân Rát, xã Ngọc Linh, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum đã mắc phải một căn bệnh lạ ngoài da. Căn bệnh quái ác ấy khiến mọi người vô cùng kinh sợ. Nỗi ám ảnh truyền thuyết ma rừng hằn lên trong đời sống của người dân nơi đây khiến họ cho rằng cậu bé bị ma rừng bắt tội. Những câu chuyện như thế này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về những hủ tục lạc hậu ở vùng đồng bào dân tộc.

Cháu A Phung đang được điều trị tại Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa

Căn bệnh hiếm gặp

Vì mang trong mình những căn bệnh hiểm nghèo mà cậu bé Y Nôn đã bị cả làng cho là “ma rừng bắt tội”, nên cha mẹ của A Phung đã phải rất khổ sở giải thích nhưng người làng vẫn nghi ngờ. Trò chuyện với chúng tôi, chị Y Áo, mẹ cháu bé cho biết: “Lúc cháu còn nhỏ, vợ chồng tôi thấy cháu rất hay quấy khóc. Nhưng không biết làm sao. Khi cháu được 6 tháng tuổi. Cháu có những biểu hiện rất lạ. Ban đầu, cháu bị nổi những hạt nước nhỏ ở cổ rồi vỡ ra. Da lở loét bong tróc toàn thân nhìn rất sợ, đau rát làm cháu không ngủ được, quấy khóc suốt, nên vợ chồng vay tiền đưa đi Bệnh viện tỉnh Kon Tum để chữa. Được một thời gian thì hết nên vợ chồng tôi đưa cháu về nhà, nhưng chỉ mấy hôm lại bị lại. Bao nhiêu lần như thế cứ lặp đi lặp lại. Vợ chồng mình chẳng biết làm sao trong khi người làng cứ đồn đại là có con ma trong người cháu nên các bác sỹ không trị hết được bệnh. Già làng đã định mời thầy cúng về đuổi con ma trong người cháu đi rồi, nhưng vợ chồng tôi không chịu vì cái bệnh chỉ có bác sỹ mới chữa được, thầy cúng làm sao chữa!”. 

Chị Y Áo cho biết, bao đời nay ở làng nếu đứa trẻ nào đã bị coi là ma rừng thì không bị chôn sống thì cũng bị mang ra ngoài làng vứt bỏ cho thú rừng tha đi và chết yểu. Chính vì có đứa con bị căn bệnh lạ như thế nên vợ chồng chị đi đến đâu cũng nghe người làng xì xào to nhỏ. Người nọ truyền tai người kia khiến câu chuyện thành “tam sao thất bản”. Thậm chí có người còn thêu dệt, việc cháu A Phung bị như thế là do gia đình ăn ở có tội với Yang nên bị trừng phạt để trả thù. Ngay đến cả vợ chồng chị Y Áo dù là người có suy nghĩ “tân tiến” nhất làng cũng cảm thấy hoang mang trước thông tin này. Nhiều người kể lại rằng ở đây đã có nhà bị con ma rừng bắt phạt hết cả nhà rồi. Gia đình nó phải cúng làng một con lợn và rước bà mụ về cúng thường xuyên nhưng vẫn không hết! Chính vì thế khi phát hiện A Phung bị bệnh dân làng cho rằng phải sớm cho cô bé về với rừng ma để con ma rừng sẽ không phá phách bản làng. Luật tục của làng như vậy, không nghe sao được! 

Được biết, sau nhiều lần đi chữa từ bệnh viện huyện đến tuyến tỉnh ở Kon Tum nhưng bệnh tình bé A Phung không những không thuyên giảm mà ngày một nặng thêm. Toàn bộ vùng da trên cơ thể nổi bọng nước và sau đó vỡ ra làm lở loét khắp toàn thân. Giám đốc Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh Kon Tum đã đề nghị làm thủ tục cho chuyển bệnh nhi xuống Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) điều trị.

Trao đổi với chúng tôi về trường hợp bệnh tật của cháu A Phung, bác sĩ Nguyễn Thời Loan, Trưởng khoa Hồi sức - Cấp cứu Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa cho biết: “Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng hầu hết vùng da trên cơ thể nổi bong bóng, tạo bọng nước toàn thân, gây đau đớn dữ dội. Đây là một căn bệnh rất hiếm gặp, chỉ chiếm từ 0,5 - 1% dân số nước ta. Đây là căn bệnh nguy hiểm có thể gây chết người do da bị tổn thương dẫn tới dễ nhiễm trùng máu. Hơn nữa, việc bệnh nhi còn quá nhỏ, sức đề kháng yếu, nên tiên lượng bệnh khá khó khăn. Các bác sĩ phải hết sức cẩn trọng trong việc điều trị. Sau khi được cấp cứu, điều trị, cháu đã qua cơn nguy kịch. Tuy nhiên, những ngày đầu khi ngủ, bé phải úp mặt và bụng vào người mẹ vì phần lưng bị lở loét hết gây đau rát, rất tội nghiệp!”.

Không phải con ma rừng

Được biết, khi gia đình đưa cháu A Phung đi chữa bệnh, trong túi chỉ có vài trăm nghìn tiền lộ phí. Cũng may là bé A Phung nằm trong diện được bảo hiểm chi trả toàn phần dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, gia đình chỉ phải lo khoản ăn uống, sinh hoạt trong quá trình chạy chữa cho con. Nhưng vì cả hai vợ chồng đều làm nông: Nhà chỉ có vài sào rẫy, thu nhập rất hạn chế. Hơn nữa, bao nhiêu tiền bạc trong gia đình đều chi trả cho những lần điều trị trước, nên cho đến thời điểm này, vấn đề tiền chi tiêu trong quá trình sinh hoạt tại Bệnh viện là rất khó khăn. Một điều may mắn là nhờ được đưa xuống Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa kịp thời và được các y bác sỹ nơi đây áp dụng một phác đồ điều trị hợp lý nên cháu A Phung đã có dấu hiệu hồi phục rất tích cực, những vết lở loét trên cơ thể bắt đầu kéo da non và không còn hiện tượng những bọng nước nữa. Nhìn con trai ngày một hồi phục, anh A Bền cha của A Phung cảm động nói: “Vợ chồng mình chỉ mong con chóng khỏe lại, thương con bệnh tật đau đớn lắm mà không làm gì được chỉ biết trông vào bác sỹ thôi. Con khỏe lại, mình sẽ về khoe với cả làng để mọi người không còn coi nó là ma rừng nữa, và mọi người sẽ nhìn cái bệnh này nó khác đi!”. Bác sỹ Loan cho biết cháu A Phung có thể xuất viện. Tuy nhiên, thường những bệnh về da liễu có khi phải uống thuốc cả đời. Trường hợp bé A Phung là một loại bệnh hiếm gặp, hơn nữa lại là người đồng bào, ý thức về bệnh tật còn kém, nguy cơ bệnh còn tái phát là rất cao!

Trong nỗi ám ảnh nỗi khiếp sợ ma rừng đã hằn sâu trong tâm tưởng của người Xê Đăng dưới chân đỉnh Ngọc Linh nhiều huyền thoại này, từ những câu chuyện rùng rợn, lẫn lộn thực hư giả. Càng sợ, họ lại càng tin vào những lời cảnh báo không được động vào thế giới của ma rừng truyền qua biết bao thế hệ. Những câu chuyện như thế vẫn được truyền tụng ở các bản làng của đại ngàn Trường Sơn, lâu dần ăn sâu vào nếp nghĩ của người dân, trở thành một lời nguyền đã làm nên biết bao bi kịch.

Trong câu chuyện của cháu A Phung, nếu bố mẹ cháu bé thiếu hiểu biết, nghe theo sức ép, hủ tục của dân làng, bỏ cháu vào rừng, mà không đi chữa trị thì có lẽ đây sẽ là bi kịch, là nỗi ân hận lớn của gia đình cháu. Việc cháu được chữa trị khỏi bệnh cũng là bằng chứng để dân làng thấy được chẳng có ma rừng nào hết, mọi chuyện chỉ là những lời đồn thổi.