Cám cảnh nhà trọ sinh viên

ANTĐ - Thôn Nguyên Xá nhiều phòng là thế, thế nhưng, hỏi đến phòng trọ nào cũng nhận được câu trả lời “hết phòng”.
Thôn Nguyên Xá, xã Minh Khai, huyện Từ Liêm, Tp. Hà Nội từ lâu được coi là ngôi làng giành riêng cho sinh viên. Từ đầu thôn đến cuối thôn, đâu đâu cũng thấy bóng dáng của các cô cậu học trò. Nhà nào cũng tận dụng những khoảng đất trống của gia đình để xây phòng cho sinh viên thuê trọ. Ít thì vài ba phòng, nhiều thì có tới cả vài chục phòng. Những căn phòng chỉ được vài mét vuông với giá 600.000 đồng/tháng. Phòng rộng lắm cũng chỉ khoảng 13 – 14m2, giá của những căn phòng này đắt gấp rưỡi những căn phòng khác, từ 900.000 đồng – 1.100.000 đồng/phòng.

Tại thôn Nguyên Xá, những phòng trọ thế này giá khoảng từ 600.000 - 800.000 đồng/tháng

Sau một hồi lòng vòng, tôi bắt gặp cô bé đang ngơ ngác đứng ở ngã tư gần cuối thôn. Cô bé tên Tình, quê Thanh Hóa, sinh viên trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, qua câu chuyện tôi biết rằng em đỗ nguyện vọng 2 và chỉ mới nhập học được vài ngày nay. Con đường làng lắm ngõ, nhiều ngách làm cho Tình “không nhớ được đường về nhà trọ nên phải gọi điện cho chị ra đón”.

Theo chân chị em Tình về khu trọ ở cuối thôn. Khu trọ này khá khác biệt so với những khu trọ khác ở trong thôn. Phía trước là ruộng rau muống, ở đó, dễ có cả chục ngôi mộ của người làng được xây lên ngay trước cổng ra vào. Phía bên phải và đằng sau cũng lại là ruộng rau. Gọi là ruộng rau cho oai chứ thực chất nó là đám cỏ dại mọc hoang. Nếu không có đôi ba dãy nhà trọ mọc lên ở phía còn lại thì vẻ ngoài của nó chẳng khác gì khu nhà hoang.

Có khoảng hơn một chục phòng trong cái “khu nhà hoang” ấy, mỗi phòng cỡ khoảng 6 - 7m2, phòng nào cũng có 2 – 3 người ở. Một khoảng sân nhỏ vừa đủ để hai chiếc xe máy vừa là sân sinh hoạt chung của cả “xóm”, vừa là nơi phơi phóng quần áo.  Hai phòng tắm và hai nhà vệ sinh nhỏ cho mấy chục con người trong “xóm”.  Trang, chị họ Tình bảo: “sinh viên già” bọn em còn lần mò được chỗ trọ chứ sinh viên mới như Tình nhà em mà không có anh chị hay người thân tìm nhà cho thì chỉ có mà khóc. Không những thế, giá thuê phòng lại đắt hơn nhiều. Có được chỗ ở như thế này là tốt lắm rồi”.

Thắc mắc về chuyện chủ nhà không ở đó để quản lý, Trang nói: “Ở đây chỗ nào cũng thế chị ơi, chủ nhà chỉ xuất hiện vào đầu tháng để thu tiền nhà và điện nước thôi”. Khi được hỏi về vấn đề an ninh tại khu trọ, câu trả lời của hầu hết các sinh viên trọ ở đây đều nói rằng cả khu có mỗi cái cổng, ra đóng vào cài “ với lại có người lạ vào là bọn em biết ngay”. Nhưng quả thực, từ lúc tôi bước chân vào đến khi tôi ra khỏi khu trọ này, cánh cổng sắt hoen rỉ duy nhất ấy chưa một lần được…khép lại.

Hai dãy nhà trọ nằm sát nhau, nhà vệ sinh ở đầu hồi

Rời khu trọ của chị em Tình, con đường lởm chởm đá dăm với những ổ voi nơi cuối làng, tôi tìm đến một khu trọ nơi đầu làng. Khu nhà này khá sáng sủa, sạch sẽ, Thanh Huyền, sinh viên trường Học viện Hành chính Quốc gia, vừa loay hoay đưa chiếc xe máy ra khỏi phòng trọ, vừa cho biết lý do chọn nơi trọ cách trường đến cả chục cây số:  “Những phòng trọ gần trường có ưu điểm là sạch sẽ và tiện đi lại nhưng giá thuê phòng ở đó quá đắt. Phòng nào rẻ cũng phải 1,2 triệu đồng/tháng, có những phòng lên tới 1,7 – 2 triệu đồng/tháng. Diện tích phòng cũng chẳng hơn gì ở đây. Lại thêm cả tiền điện nước và sinh hoạt hàng ngày nữa. Mọi thứ đều đắt đỏ hơn so với ở đây. Đó là chưa kể đến việc phải ở cùng chủ nhà. Bất tiện lắm!”

Căn phòng của Huyền cỡ 10m2, lại thêm gác xép nhỏ, vừa để được đồ lại vừa là chỗ ngủ của hai cô bạn cùng phòng. Huyền chia sẻ: “Tìm được phòng trọ như thế này chẳng dễ, bọn em phải tranh thủ những ngày hè để đi tìm. Vì đó là thời điểm sinh viên cũ ra trường, sinh viên mới chưa nhập học, phòng trọ nhiều, giá lại rẻ hơn. Phòng này của em đắt một tí (1 triệu/tháng) nhưng hơn hẳn những phòng trọ ở các khu khác vì vừa có công trình phụ khép kín vừa có gác xép, ở 3 người vẫn thoải mái”. Huyền còn cho biết, giá điện nước ở đây khá hợp lý: “Mỗi số điện 3.000 đồng/số, nước là 5.000 đồng/số chia bình quân đầu người trong xóm, tính ra mỗi tháng, mỗi đứa bọn em chỉ hết khoảng từ 400.000 -  450.000 đồng/tháng. Thế là ổn”.

Thôn Nguyên Xá nhiều phòng là thế, thế nhưng, hỏi đến phòng trọ nào cũng nhận được câu trả lời “Hết phòng”. Thế mới biết được nhu cầu phòng trọ của sinh viên lớn đến thế nào. Nhất là với những sinh viên điều kiện gia đình không được dư giả, việc tìm được một nơi để ở trong suốt 4 năm học quả thực là gian nan.