Thành phố thân thiện (2)

Bí ẩn giếng Bá Lễ

ANTĐ - Góc đường Nguyễn Thái Học, đoạn cắt Trần Phú có hàng chè sen của dì Bảy. Gần 1 tuần trời lang thang Hội An, ngày nào tôi cũng ghé quán này. Dì hay cười, tay thoăn thoắt múc chè cho khách, miệng vẫn không quên khoe “khách ruột” nổi tiếng, nào ca sĩ Mỹ Tâm, ca sĩ Tuấn Hưng, diễn viên Tấn Beo, Hiếu Hiền… Hỏi dì bí quyết để nấu món chè “gây nghiện”, dì đáp: nhờ giếng Bá Lễ.

Ông Nguyễn Đường, người gánh nước thuê cuối cùng ở Hội An

Giếng cổ dưỡng ẩm thực

Không phải chỉ dì Bảy mới chọn nước giếng Bá Lễ để nấu chè, mà hầu hết các đặc sản Hội An đều dùng nước giếng Bá Lễ để nấu ăn. Tò mò, tôi tìm đến chiếc giếng độc đáo này. Giếng Bá Lễ nằm trong một con ngõ nhỏ trên phố Trần Hưng Đạo. Thành giếng được xây bằng gạch rêu phủ xanh rì, hệt như loại gạch người Chăm xưa dùng để xây tháp cổ. Nước trong, mát và đầy ắp, thả gầu xuống chỉ chừng 3 sải tay là chạm mặt nước. Bà cụ tên Tư ở đầu ngõ kể, nước giếng chỉ được dùng để nấu ăn chứ tuyệt đối không dùng tắm rửa hay giặt giũ. Dễ đến cả trăm năm nay, người Hội An coi nước giếng như “nước thiêng” nên không ai dám phí phạm.

Theo những tài liệu nghiên cứu để lại, giếng có niên đại vào khoảng thế kỷ thứ VIII-IX. Nước giếng Bá Lễ từng là loại hàng hóa bán cho các thuyền buôn đến từ Ba Tư, Nhật Bản… Trước giếng tên gì không ai rõ, nhưng khoảng hơn 100 năm trở lại đây, giếng được gọi là Bá Lễ xuất phát từ việc có bà phú hộ trong làng đã bỏ ra 100 đồng tiền Đông Dương trùng tu lại. Từ đó, người ta lấy tên bà đặt thành tên giếng. Có thể do giếng đã ở với đất Hội An cả nghìn năm, lại cũng có thể nó mang lại cho người dân nhiều nguồn lợi cả từ vật chất đến tinh thần, nên ngày rằm, mồng một, người dân Hội An thường sắm sanh hương hoa đến bên thềm giếng, đặt lễ, như một sự tạ ơn. Tôi hỏi dì Bảy, thiếu nước giếng Bá Lễ dì có nấu chè nữa không? Dì đáp: “Không, không nấu nữa, bởi có nấu cũng không còn ra vị chè Hội An”. Không phải người Hội An đề cao vai trò của giếng, mà sự thật là thiếu nước giếng này, những đặc sản Hội An, như  cao lầu, bánh vạc, bánh bao, chè xí mà… thiếu đi cái vị đặc trưng. 

Phận người mưu sinh bên giếng cổ

Sẽ là thiếu sót nếu như viết về giếng Bá Lễ lại không viết về hai vợ chồng ông lão Nguyễn Đường, người đã có mấy chục năm làm nghề gánh nước thuê ở Hội An. Ông là người cuối cùng còn gánh nước thuê ở nơi này. Nhà ông nằm trong một con ngõ nhỏ, sâu hun hút. Bà cụ bán cơm gà đầu ngõ, ngưng tay xới cơm ngẩng lên chỉ cho tôi lối vào nhà ông Đường, bà cụ không quên dặn: “Con vào đó giúp gì được cho ông bà ấy thì giúp nhé, nghĩ hoàn cảnh mà thấy tội tội”. Ngõ nhỏ, hẹp, tối, tôi còn đang lọ mọ tìm đường thì thấy tiếng gọi phía sau, hóa ra bà cụ bán cơm gà chỉ đường cho tôi hồi nãy. Bà cụ bảo: “Thôi để bà đưa con vào tận nhà, chứ khó tìm lắm!”. 7h tối, hình như ông bà Đường đều đã cơm nước xong xuôi, cả nhà 3 người nằm trên một tấm phản giữa nhà xem ti vi. Thấy có khách đến, ông đỡ bà ngồi dậy, cậu con trai tên Quốc ngơ ngác nhìn khách chả nói chả rằng, với tay tắt ti vi. Bà Nguyễn Thị Mỹ nói như phân bua: “Nó (con trai bà) bị thần kinh đấy. 51 tuổi rồi mà như đứa trẻ”. Gần 40 năm nay, cả gia đình 3 người sống phụ thuộc vào những gánh nước trên đôi vai ông Nguyễn Đường.

Ở tuổi 82, ông vẫn mạnh khỏe, làn da đen bóng, bàn tay gân guốc nổi đầy. Ông vẫn dư sức ngày dăm lượt gánh đôi thùng nước đầy đi băng băng qua những con phố. 10 nghìn đồng là số tiền được trả cho một gánh nước. Ngày làm việc của ông bắt đầu từ 5h sáng, cậu con trai cũng quẩy quả gánh gồng đi theo. Vợ ông xưa cũng giúp ông được đôi chút việc nhà, nhưng gần đây bà ốm đau liên miên, hai chân không còn đứng thẳng được nữa, mọi việc đổ dồn hết lên đôi vai chai cứng của ông. Người 82, người 84 tuổi, cả hai ông bà đều đã như cái lá vàng trên cây, chả biết gió thổi lìa cành lúc nào. Có lẽ vì thế mà câu chuyện giữa tôi và ông bà bị ngắt quãng bởi những tiếng thở dài mỗi khi tôi hỏi đến chuyện anh Quốc con trai ông bà. Bà bảo, nhờ ơn trời phù hộ, vợ chồng ông bà thọ được cho đến nay, nhưng không ai cưỡng được mệnh trời, rồi cũng phải có ngày trời gọi, nhưng chỉ lo ai sẽ chăm lo cho Quốc. Quốc sẽ sống với ai? Có chuyện dân hàng phố vẫn kể rằng, Quốc từng thầm yêu một cô gái bán hàng rong. Không may cô bị bệnh đột ngột qua đời, vốn lầm lì, ít nói, từ đó Quốc lại càng lầm lì hơn. Và cũng từ đó, cứ mồng một, ngày rằm, anh lại mang hương đến mộ người con gái kia thắp. “Thằng đó, rứa mà tình nghĩa, người bình thường chắc gì cư xử đẹp vậy”- chị Dung nhà gần giếng  Bá Lễ bảo với tôi như vậy khi tôi hỏi về gia cảnh ông bà Đường.

Ngoài ông Đường làm nghề múc nước giếng bán, giờ ở Hội An cũng có thêm vài người. Nhưng họ không gánh mà múc nước lên xe ba gác chở đi. Nhưng cũng không vì thế mà bố con ông Đường thất nghiệp, những khách quen của ông như dì Bảy bán chè sen, dì Tư bán chè đậu ván… vẫn hàng ngày nhờ ông gánh nước, bởi họ thương cho gia cảnh ông, bởi còn là thói quen, thiếu ông, Hội An cổ kính khuyết mất một mảnh hồn.

(Còn nữa)