Bệnh viện Thanh Nhàn: Tỷ lệ ăn chia bất thường

ANTĐ - Từ năm 1999 đến nay, Bệnh viện Thanh Nhàn đã triển khai 15 đề án xã hội hóa y tế, chủ yếu theo mô hình thuê máy móc của doanh nghiệp. Thế nhưng điều khó hiểu là doanh nghiệp cho thuê máy còn được bệnh viện chia lợi nhuận thu từ máy đó với tỷ lệ ăn chia lên đến 80-85%...

Sở Y tế kiểm tra công tác khám chữa bệnh tại BV Thanh Nhàn

Lợi ích vào túi ai? Sáng 22-4, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND TP Hà Nội do Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh làm Trưởng đoàn đã kiểm tra Bệnh viện Thanh Nhàn về triển khai thực hiện chính sách xã hội hóa y tế. Triển khai từ năm 1999, đến nay Bệnh viện Thanh Nhàn có 15 đề án xã hội hóa y tế với tổng số vốn huy động là 65 tỷ đồng. Hầu hết trong số 15 đề án xã hội hóa của bệnh viện được thực hiện theo mô hình thuê máy của doanh nghiệp. Đáng chú ý, bản chất là thuê máy nhưng trong quá trình triển khai, bệnh viện và doanh nghiệp cho thuê máy lại đàm phán ăn chia lợi nhuận thu về từ máy móc đó với tỷ lệ rất lạ: doanh nghiệp hưởng 80-85%, bệnh viện hưởng 15-20%. Càng khó hiểu hơn khi đa số các hợp đồng thuê máy móc xã hội hóa có thời gian rất dài, trung bình trên 10 năm, có đề án hợp đồng đến 20 năm. Bà Chu Thị Dự, Phó Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, do đa số nhà đầu tư nhận được tỷ lệ ăn chia khi ký hợp đồng rất cao, 80-85%, nên sau một thời gian hoạt động, bệnh viện đã thương thảo giảm tỷ lệ chia lợi nhuận khi thuê máy với một số máy xuống còn 50-60%, song có một số đối tác không đồng ý. Không chỉ làm lợi cho doanh nghiệp thông qua tỷ lệ ăn chia bất thường mà việc xác định giá của bệnh viện khi thực hiện liên doanh, liên kết với các đối tác cũng tồn tại nhiều điểm vướng mắc. Khi cho đối tác đặt máy, Bệnh viện Thanh Nhàn không tính giá trị cơ sở hạ tầng của mình dành cho khu vực đặt máy, điện nước, nhân công hay yếu tố thương hiệu của bệnh viện để đàm phán tỷ lệ ăn chia lợi nhuận, gần như là cho không các yếu tố này và chấp nhận chia cho doanh nghiệp tỷ lệ lợi nhuận cao. Tiếp đến, việc xây dựng cơ cấu giá cho từng dịch vụ xã hội hóa, Bệnh viện Thanh Nhàn cũng cho biết đang gặp khó khăn vì không có công thức chung, nhất là các chuyên khoa có nhiều thủ thuật. Lãnh đạo Bệnh viện Thành Nhàn thừa nhận, dù chủ trương xã hội hóa đã góp phần thay đổi diện mạo của bệnh viện, giúp bệnh viện phát triển tốt nhưng thực tế có hiện tượng các nhà đầu tư chỉ đầu tư xã hội hóa vào các dịch vụ kỹ thuật có lợi nhuận cao, việc xã hội hóa trang thiết bị toàn bộ dẫn đến hệ quả là bệnh viện phụ thuộc vào nhà đầu tư.
Bệnh viện Thanh Nhàn: Tỷ lệ ăn chia bất thường ảnh 2
Chẩn đoán hình ảnh tại BV Thanh Nhàn
Người bệnh gánh è cổ
Chưa tính đến yếu tố có tình trạng lạm dụng thiết bị máy móc xã hội hóa hay không, chỉ riêng việc thu phí sử dụng các thiết bị này theo giá dịch vụ, cao hơn đáng kể mức giá viện phí của nhà nước, đã khiến nhiều người bệnh khốn khổ. Ngoài ra, vấn đề triển khai khám chữa bệnh tự nguyện tại khu vực công của Bệnh viện Thanh Nhàn cũng tồn tại không ít vấn đề. Theo đó, ngoài 540 giường bệnh kế hoạch được thành phố giao, để giảm quá tải, Bệnh viện Thanh Nhàn đã triển khai kê thêm gần 250 giường dịch vụ nằm xen kẽ trong các khoa khám bệnh công lập. Người bệnh nằm ở các giường bệnh dịch vụ này sẽ phải đóng thêm từ 100.000 - 200.000 đồng /giường/ngày (tùy theo phòng 2 giường hay 6 giường). Các thành viên trong đoàn giám sát HĐND TP cho rằng, việc người bệnh phải nằm ghép, nằm giường dịch vụ xen kẽ trong phòng điều trị công lập, bản thân quyền lợi của họ đã bị thiệt thòi và chất lượng điều trị chắc chắn cũng giảm theo, hơn nữa lại phải nộp thêm tiền cho giường dịch vụ thì càng thiệt đơn thiệt kép. Tại buổi làm việc, ông Đào Quang Minh, Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn thừa nhận việc không tính cơ cấu giá về xây dựng cơ bản của bệnh viện khi đàm phán liên doanh liên kết cũng như việc chia cho doanh nghiệp liên kết tỷ lệ lợi nhuận quá cao là… không hợp lý. Tuy nhiên, ông Đào Quang Minh lý giải rằng tất cả các đề án này được thực hiện từ những năm trước và nhiều đề án, bản thân ông cũng không hiểu tại sao lại có tỷ lệ ăn chia như vậy, hợp đồng dài hạn như vậy, vì ông mới về đảm nhận chức Giám đốc Bệnh viện từ năm 2011. Thậm chí Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn còn dẫn chứng, hiện có một số đề án bệnh viện muốn thanh lý hợp đồng nhưng khó khăn vì phía đối tác không đồng ý hoặc đòi bồi thường rất cao nếu bệnh viện tự dừng hợp đồng trước hạn. Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh đánh giá, việc thực hiện chính sách xã hội hóa y tế phản ánh bức tranh nhiều mảng màu, trong đó có nhiều hiệu quả tích cực đã được ghi nhận nhưng cũng có những mảng tối. Chủ tịch HĐND TP đề nghị Bệnh viện Thanh Nhàn phải phân biệt, làm rõ và xác định đúng hình thức xã hội hóa, minh bạch việc thuê máy với mô hình liên doanh liên kết ăn chia lợi nhuận và dù áp dụng theo mô hình nào cũng phải đảm bảo tính đúng, tính đủ, công khai theo các quy định hiện hành. Đặc biệt, khi xã hội hóa y tế phải hài hòa 3 lợi ích: nhà đầu tư- bệnh viện- người bệnh, trong đó quyền lợi người bệnh phải được đặt lên hàng đầu chứ không phải quyền lợi của nhà đầu tư. Chủ tịch Ngô Thị Doãn Thanh cũng đề nghị Bệnh viện Thanh Nhàn khi mở rộng các đề án xã hội hóa cần tập trung vào những máy móc ngân sách không đầu tư, không đủ điều kiện đầu tư hoặc không được đầu tư, tránh gây nên tình trạng cạnh tranh không  lành mạnh.