Bất bình đẳng trường công - trường tư

ANTĐ - Nghịch lý ở giáo dục bậc học mầm non hiện nay là ngân sách Nhà nước không kham nổi khoản đầu tư khổng lồ nếu bao cấp hoàn toàn. Việc xã hội hóa như thế nào để đảm bảo đủ chỗ học và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non đã được các chuyên gia giáo dục tham vấn trong dịp đầu năm học mới.

Nhiều thiệt thòi cho trẻ mầm non không được đến trường

Trẻ dưới 3 tuổi đang phó mặc cho dân chăm sóc

Một thực trạng khiến các chuyên gia giáo dục thắc mắc là cả nước mới có 21,2% trẻ em dưới 3 tuổi được đến nhà trẻ. Việc trông trẻ đang được phó mặc cho người dân, không có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ. “Gần 80% trẻ dưới 3 tuổi còn lại ở gia đình, trách nhiệm chăm sóc các cháu được giao cho ông bà, cha mẹ, cho những người giúp việc, trong khi họ gần như không có kiến thức chuyên môn”- GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đặt câu hỏi - “Báo cáo của Bộ GD-ĐT nêu rất nhiều vấn đề về chuẩn hóa giáo viên, đổi mới phương pháp dạy học, thực hiện chương trình mới nhưng tất cả chỉ liên quan các cơ sở giáo dục công lập. Còn các cơ sở giáo dục tư thục, nhà trẻ, nhóm trẻ tư nhân thì sao? Ở nước ta, rõ ràng Nhà nước không thể lo nổi, nhưng cũng không giúp cho các cơ sở giáo dục tư nhân, rồi những nhóm trẻ gia đình, những người trực tiếp trông nom trẻ trong gia đình  có hiểu biết, có kỹ năng và trách nhiệm. Tôi nghĩ đó là điều cần phải quan tâm”.

Theo bà Phạm Thị Hồng Nga, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, hiện nhóm trẻ ngoài công lập trên toàn thành phố lên tới hơn 1.600 nhóm trẻ độc lập. Đây là những cơ sở chưa đủ điều kiện thành lập trường và mỗi năm con số này tăng khoảng 200 cơ sở, tập trung tại các khu công nghiệp lớn, dân cư tăng cơ học nhanh chóng, chưa có trường lớn đáp ứng nhu cầu học tập của trẻ. Điều này cho thấy nhu cầu gửi trẻ mầm non rất lớn trong khi giáo dục công lập không đáp ứng được.

Công bằng để thu hút xã hội hóa 

Liên quan tới vấn đề này, các chuyên gia giáo dục phản ánh sự thiếu công bằng giữa trẻ được thụ hưởng ngân sách Nhà nước trong các cơ sở công lập và trẻ gửi tại cơ sở mầm non ngoài công lập hoặc không có điều kiện đến trường vốn không được hưởng những ưu đãi của Nhà nước. “Bộ GD-ĐT cũng như Chính phủ phải có một chiến lược phát triển theo hướng xã hội hóa là chính, chú ý đến giáo dục gia đình, và đấy là hướng lâu dài đối với giáo dục mầm non” - GS Nguyễn Minh Thuyết đề xuất.

PGS Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đề xuất, Nhà nước cần ưu tiên đầu tư cho giáo dục mầm non nhưng đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm. Do đầu tư cho giáo dục mầm non sẽ ngốn một khoản ngân sách khổng lồ nên cần khuyến khích xã hội hóa, kéo nhà đầu tư vào. Việc khuyến khích sẽ được thực hiện bằng cách Nhà nước đưa ra các chính sách ưu đãi kịp thời như miễn thuế, ưu tiên quỹ đất sạch cho việc xây trường…

Khó khăn trong việc xã hội hóa giáo dục mầm non, theo phân tích của Giám đốc Sở GD-ĐT TP Hải Phòng Nguyễn Xuân Trường là ở chỗ đầu tư mở trường tư rất tốn kém lại khó hút được học sinh. Vì hiện nay, tại các cơ sở công lập tiền học phí giữ trẻ 1 tháng không bằng tiền gửi một chiếc xe máy. “Vào trường công, phụ huynh chỉ phải trả học phí rất thấp, có 40.000 đồng/tháng. Trong khi đó, các cháu ngoài công lập khác lại không được hưởng ưu ái đó. Tôi cho là nếu đã đi học thì học phí phải đúng mức, còn những đối tượng thuộc diện chính sách thì Nhà nước sẽ hỗ trợ. Nhà nước đã hỗ trợ cho các em bằng học phí thấp thì phải hỗ trợ cho toàn bộ trẻ em, chứ không phải chỉ những cháu học trường công. Tôi cho rằng đây là một vấn đề cần tính toán lại”- GS Nguyễn  Minh Thuyết kiến nghị.