Báo động tình trạng xâm hại trẻ em

(ANTĐ) - Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nay trên toàn quốc còn khoảng 4,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong đó có 1,2 triệu trẻ em sống trong tình trạng đói nghèo, 23.000 trẻ em phải lao động và 16.000 trẻ em đường phố, khoảng 8.500 trẻ em trong độ tuổi 0-6 tuổi đang sống với HIV và 22.000 trẻ mồ côi do mất cha mẹ vì HIV/AIDS.

Báo động tình trạng xâm hại trẻ em

(ANTĐ) - Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nay trên toàn quốc còn khoảng 4,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong đó có 1,2 triệu trẻ em sống trong tình trạng đói nghèo, 23.000 trẻ em phải lao động và 16.000 trẻ em đường phố, khoảng 8.500 trẻ em trong độ tuổi 0-6 tuổi đang sống với HIV và 22.000 trẻ mồ côi do mất cha mẹ vì HIV/AIDS.

Vẫn còn tình trạng trẻ em bị hành hạ và ngược đãi (Ảnh minh họa)
Vẫn còn tình trạng trẻ em bị hành hạ và ngược đãi               (Ảnh minh họa)

Từ 2005 đến nay, trung bình mỗi năm toàn quốc có khoảng 1.500 vụ phạm tội xâm hại trẻ em bị các cơ quan bảo vệ pháp luật phát hiện, trong đó nhiều nhất là hành vi xâm hại tình dục trẻ em (chiếm 56,3%), cố ý gây thương tích (14,7), còn lại là các hành vi khác. So với 10 năm trước đây, trẻ em bị xâm hại trong gia đình hiện nay tăng gấp 3 lần, ở cộng đồng tăng 7 lần, trong trường học tăng 13 lần.

Hàng loạt vụ án trong thời gian gần đây như vụ hai vợ chồng Trịnh Hạnh Phương và Chu Văn Đức, chủ quán phở ở Thanh Xuân, Hà Nội bóc lột sức lao động và đánh đập tàn nhẫn em Nguyễn Thị Bình trong nhiều năm; vụ vợ chồng chủ đầm tôm ở huyện Đầm Dơi, Cà Mau hành hạ em Hào Anh như thời trung cổ... đã gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh về sự suy đồi đạo đức, lối sống, về quan hệ giữa người với người và cả sự vô cảm, thiếu trách nhiệm của những người có trách nhiệm ở chính quyền cơ sở. Những kẻ phạm tội đã bị trừng phạt nhưng hậu quả mà những trẻ em bị xâm hại là rất lớn cả về tinh thần và thể xác. Trong một số vụ án khác khiến dư luận càng đau lòng là trẻ em bị chính bố mẹ mình xâm hại.

Đó là vụ Nguyễn Đình P ở huyện Sóc Sơn đã hiếp dâm con gái đẻ của mình nhiều lần dẫn đến có thai; vụ cháu Hồ Thị Bông, 9 tuổi ở quận Bình Thạnh, TP.HCM bị mẹ nuôi bắt đi ăn xin từ sáng đến đêm, bị đánh đập, dội nước sôi vào người nếu không kiếm đủ “định mức” 200.000đồng/ngày... Đáng nguy hiểm hơn là xu hướng trẻ em bị xâm hại có độ tuổi rất bé như vụ một số cháu nhỏ 3 tuổi bị xâm hại tình dục tại một nhà trẻ tư nhân ở thị xã Trà Vinh, vụ cháu bé 3 tuổi ở huyện Phước Long, tỉnh Bình Phước bị mẹ đẻ dùng dao kéo cắt tay, cắt tai và cắt gân chân chỉ vì mâu thuẫn với chồng...

Cục CSĐT tội phạm về TTXH, Bộ Công an cho biết từ năm 2008 đến nay, tại các địa phương trên toàn quốc nổi lên tình trạng không ít cán bộ trong cơ quan Nhà nước thoái hóa biến chất, đã lợi dụng vị trí công tác để móc nối với tội phạm để thu gom trẻ em, làm giả hồ sơ giấy tờ nhằm hợp pháp hóa việc chuyển giao trẻ em ra nước ngoài làm con nuôi mua bán trẻ em sơ sinh, thậm chí trẻ còn trong bào thai như đã xảy ra ở Hà Nội (8 vụ), Nam Định, Quảng Ninh (mỗi tỉnh 6 vụ), Quảng Ninh, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Lạng Sơn, Bạc Liêu...

Đã xuất hiện tình trạng bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em (xảy ra rất nghiêm trọng trong nhiều năm qua ở các huyện giáp biên giới của Hà Giang như Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh...), bọn tội phạm thậm chí còn dùng thủ đoạn dã man là sát hại ngay cha mẹ các cháu bé để cướp con. Trong thời gian qua, lực lượng Công an và các cơ quan chức năng đã tiến hành nhiều biện pháp quyết liệt trong phòng chống, xử lý các hành vi phạm tội đối với trẻ em nhưng tình trạng này vẫn có xu hướng không giảm do rất nhiều nguyên nhân.

Trong đó nổi lên là sự buông lỏng quản lý trẻ em của gia đình, nhà trường và xã hội, sự thiếu tinh thần trách nhiệm của chính quyền cơ sở và sự suy đồi về đạo đức, nhận thức về pháp luật rất kém của một bộ phận xã hội, bên cạnh đó là sự gia tăng hoạt động của các loại tội phạm, trong đó có tội phạm xâm hại trẻ em vì mục đích lợi nhuận, nhất là các tổ chức tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia.

Trong thời gian tới, dự báo tội phạm xâm hại trẻ em vẫn có diễn biến phức tạp và có xu hướng tăng cả về quy mô, tính chất, mức độ hậu quả gây ra cho xã hội, trong đó đáng chú ý nhất là tội phạm mua bán trẻ em ra nước ngoài làm nô lệ tình dục, thậm chí làm lính đánh thuê, lao động khổ sai, tội phạm xâm hại tình dục trẻ em và bóc lột sức lao động trẻ vị thành niên.

Đây là những vấn đề nhức nhối và không dễ giải quyết, đấu tranh trong một thời gian ngắn. Do vậy, cần có sự chung tay của các lực lượng chức năng và toàn xã hội để có thể ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tội phạm đối với trẻ em nhằm đảm bảo an toàn, bảo vệ sự phát triển lành mạnh cả về tinh thần và thể xác đối với thế hệ tương lai của đất nước.

Vũ Phạm