Bác bỏ thông tin lao động Việt Nam bị làm việc cưỡng bức tại Malaysia

ANTĐ - Mới đây, Verité - một tổ chức phi Chính phủ quốc tế đã công bố báo cáo trong đó chỉ ra rằng 40% lao động Việt Nam làm việc trong lĩnh vực sản xuất đồ điện tử tại Maylaysia hiện đang bị lao động cưỡng bức. Chi phí để lao động Việt Nam được đưa sang Malaysia làm việc trong lĩnh vực này ở mức cao nhất nhưng mức lương nhận được lại thấp nhất so với lao động của các nước khác.

Lao động Việt Nam làm việc trong một nhà máy ở Malaysia

Thông tin chưa khách quan

Ngày 23-9, trao đổi với báo chí về vấn đề trên, ông Tống Hải Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước - Bộ LĐ-TB&XH cho biết, báo cáo trên dựa trên một mẫu nghiên cứu nhỏ, không đồng đều, chưa mang đầy đủ tính đại diện. Hiện tại, đang có khoảng 80.000 lao động Việt Nam làm việc tại Malaysia, song nghiên cứu nói trên chỉ tiến hành phỏng vấn đối với 501 người từ 8 nước có lao động làm việc tại Malaysia. Mặt khác, Verité cũng chỉ đưa ra các kết luận nghiên cứu thể hiện việc có thể có dấu hiệu của lao động cưỡng bức trong lĩnh vực sản xuất điện tử, chứ không khẳng định đây là lao động bị cưỡng bức. 

Theo ông Tống Hải Nam, trước khi đưa lao động Việt Nam sang Malaysia hay thị trường lao động khác, đều có sự thẩm định về mức lương cơ bản, điều kiện sống, ăn ở, xem xét các điều kiện làm việc có phù hợp với yêu cầu tuyển dụng và các quy định của luật pháp hay không… Trước những kết quả khảo sát do tổ chức Verité tiến hành, Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ yêu cầu Ban quản lý lao động Việt Nam tại Malaysia tiến hành rà soát lại điều kiện ăn ở và làm việc của lao động Việt Nam tại Malaysia nói chung, cũng như lao động làm việc trong lĩnh vực sản xuất điện tử nói riêng.

Phí đi lao động tại Malaysia không cao

Ngoài vấn đề lao động bị cưỡng bức, nghiên cứu của Verité còn chỉ ra phí môi giới tuyển dụng của lao động Việt Nam sang làm việc tại Malaysia là 3.500 Ringgit (RM) - tương đương 1.080 USD). Đây là mức phí cao nhất so với các quốc gia khác cùng đưa lao động sang làm việc tại đây. Thế nhưng lương lao động Việt Nam nhận được lại thấp nhất - chưa đến 1.000 RM, tương đương khoảng 308 USD/tháng. Về vấn đề này, ông Tống Hải Nam cho biết, hiện nay chi phí đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài được quy định cụ thể trong Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Cách tính là lấy mức lương cơ bản của thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam nhân với thời hạn hợp đồng để ra khoản tiền dịch vụ mà các doanh nghiệp xuất khẩu lao động được phép thu của người lao động. Chẳng hạn đối với thị trường Malaysia, mức lương cơ bản hiện khoảng gần 300 USD/ tháng, nếu lao động Việt Nam đưa sang làm việc theo hợp đồng 3 năm thì mức phí mà doanh nghiệp được phép thu là 900 USD. Ngoài ra còn cộng thêm khoảng 250-300 USD phí môi giới, tiền vé máy bay, tiền làm hộ chiếu, visa, tiền đào tạo… 

Ông Tống Hải Nam khẳng định, nếu chiếu theo quy định thì 1.080 USD mà lao động Việt Nam phải chi trả để được sang làm việc trong lĩnh vực sản xuất điện tử ở Malaysia (mức đưa ra trong báo cáo của Verité) không phải là cao so với quy định của pháp luật. Còn về mức lương 1.000 RM (308 USD)/tháng mà lao động Việt Nam nhận được cũng không phải thấp, bởi đây là mức thu nhập trung bình của lao động nước ngoài tại Malaysia, đúng với mặt bằng thu nhập bình quân của lao động làm việc trong lĩnh vực sản xuất đồ điện tử ở Malaysia.

Xây dựng lộ trình giảm mức phí đi xuất khẩu lao động

Ngày 23-9, Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức “Hội thảo quốc gia chuẩn bị cho Diễn đàn lao động di cư ASEAN lần thứ bảy”, diễn đàn sẽ diễn ra tại Myanmar vào tháng 11 sắp tới. Tại hội thảo, đại diện các đơn vị liên quan, các tỉnh,thành phố có nhiều người đi xuất khẩu lao động đã tập trung chia sẻ thông tin và đề xuất các khuyến nghị nhằm bảo vệ người lao động di cư. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng kiến nghị sớm thành lập trung tâm hỗ trợ thông tin và cơ chế để giải quyết những kiến nghị, khiếu nại của người đi xuất khẩu lao động; đặc biệt là phải xây dựng lộ trình giảm mức phí đối với người đi xuất khẩu lao động và thực hiện các biện pháp kiểm soát mức phí của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động.