Mánh khóe tinh vi của bọn chăn dắt ăn xin

ANTĐ - Theo báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế, hiện có hơn 1.000 trẻ em bị bắt đi ăn xin ở Bangkok (Thái Lan), phần lớn là những đứa trẻ đến từ Campuchia. Xót xa hơn khi có hơn 80% trẻ ăn xin thừa nhận bị chính cha, mẹ hoặc người thân bán và sống nhờ vào số tiền 200 - 300 Baht mà chúng xin được trong một ngày.

Lăn lê 12 giờ mỗi ngày để ăn xin

4 năm trước, khi mới là một đứa trẻ lên 10 tuổi, Fil đã được mẹ dẫn từ Campuchia sang Thái Lan. Người mẹ ấy có ý định đưa Fil ra đường ăn xin quanh các địa điểm hấp dẫn khách du lịch của Pattaya, những mong có tiền phụ giúp kinh tế gia đình đang rất nghèo khó ở quê nhà. Nhưng Fil đã nhất quyết không theo sự sắp đặt của người mẹ và chạy trốn. Để có thứ gì ăn qua ngày, Fil đã gia nhập nhóm những đứa trẻ đường phố ở Phố đi bộ - nơi có khu đèn đỏ của Bangkok. Cứ đến bữa, chúng cùng gom những đồng tiền lẻ xin được để mua mì ăn.

Một thời gian sau, những kẻ buôn người đã “chiêu mộ” Fil để xin tiền cho chúng, đổi lại chúng cho Fil một chỗ ngủ chật chội trong một căn phòng nhỏ cùng với những đứa trẻ ăn xin khác và thường xuyên bị bỏ đói. Sống dưới sự kiểm soát của bọn “chăn dắt”, Fil bị chúng bóc lột ép phải giao nộp toàn bộ số tiền mà cậu lăn lê trên đường để xin du khách. Fil phải đi xin liên tục 12 giờ/ngày ở nhiều địa điểm khác nhau thuộc Pattaya. Vì không muốn bị gửi trở lại Campuchia, nên Fil đành ngoan ngoãn nghe theo sự chỉ đạo của “ông chủ”. 

May mắn, Fil đã được Trung tâm Phát triển và Phúc lợi trẻ em Pattaya giúp đỡ. Bây giờ, cậu được đi học và sẽ ở lại trung tâm cho đến khi đủ 18 tuổi. Tuy nhiên, giống như những đứa trẻ khác từng là nạn nhân của bọn tội phạm buôn người, tương lai của Fil vẫn mờ mịt.

Vạch trần trò chăn dắt trẻ em

Ông Supakorn Noja - Giám đốc của Trung tâm Phúc lợi và Phát triển trẻ em Pattaya cho biết, mạng lưới của ông đã phát hiện ra một người Thái làm “bang chủ cái bang” của một nhóm khoảng 40 người Campuchia điều hành và giám sát hầu như tất cả trẻ em ăn xin đang hành “nghề” ở Pattaya. Các băng nhóm này mua tòa nhà chung cư để làm nơi “tập kết” cho những đứa trẻ bị ép ra đường ăn xin. 

Mỗi đứa trẻ ăn xin đều có riêng một khu vực được phân định rõ và không được phép vượt qua quy tắc đó. Những “người giám sát” được bọn buôn người thuê với giá 6.000 Bath một tháng chỉ để theo chân đứa trẻ đến các điểm được chỉ định, như: chợ tạm, đền, chùa hoặc trạm trung chuyển giao thông công cộng (tàu điện ngầm hoặc điểm dừng, đỗ xe buýt). Số tiền chúng xin được một ngày đều phải nộp cho “chủ” để đổi lấy chỗ ăn, ngủ tạm bợ.

Theo ông Supakorn, trẻ em ăn xin được chia thành 2 nhóm chính. Nhóm thứ nhất là những đứa trẻ xuất thân từ gia đình nghèo khó nhập cảnh bất hợp pháp vào Thái Lan để xin tiền. Nhóm ăn xin này độc lập và nói chung không phụ thuộc bất kỳ băng đảng tội phạm nào. Nhóm thứ 2 và phổ biến hơn cả là những đứa trẻ được đưa tới Thái Lan qua đường dây buôn người. Không ít bọn buôn người dùng chiêu lừa cả gia đình “con mồi” cùng “đến Thái” làm việc cho thu nhập khá, khiến cả cha mẹ và đứa trẻ ngây ngô tưởng thật. Nhưng khi họ vừa đặt chân đến đất Thái, bọn chúng báo với cảnh sát rằng, những người này nhập cư trái phép. Khi cha mẹ bị bắt và bị trục xuất, những kẻ buôn người giữ đứa trẻ lại, sau đó bắt chúng ra đường xin ăn.

Thậm chí có một số kẻ buôn người còn đưa ra một hợp đồng “thuê trẻ” bằng miệng với cha mẹ chúng. Một tháng, họ sẵn sàng trả 3.000 - 7.000 Baht tiền thuê một đứa trẻ. Họ muốn những đứa em từ 3 tháng tuổi đến 10 tuổi bởi độ tuổi này dễ làm người đi đường thương hại, rút tiền cho chúng. Và thời gian thuê trong khoảng 6 tháng đến 1 năm.

Kẽ hở của luật

Pol Col Chitpop Tomuam - Đội trưởng Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm buôn người số 1 tại Bangkok thừa nhận: Luật Bảo vệ trẻ em của Thái Lan có “kẽ hỡ” vì có điều nhấn mạnh một bà mẹ ép con của mình phải làm “nghề” ăn xin không bị truy tố tội buôn người. Lợi dụng điểm này, bọn tội phạm đã thuê những người phụ nữ lớn tuổi giả làm mẹ của những đứa trẻ.

Ông Tomuam thừa nhận, đúng là Đạo luật Bảo vệ trẻ em Thái Lan giao quyền cho lực lượng cảnh sát giải quyết các loại tội phạm liên quan đến trẻ em. Tuy nhiên, phía cảnh sát đã làm được rất ít. Trong khi đó, ông Witanapat lo ngại rằng, ngay cả khi đã được cảnh sát giải cứu, những đứa trẻ tội nghiệp này vẫn phải đối mặt với một tương lai không mấy sáng sủa. Một số được gửi đến những trung tâm giáo dưỡng ở Thái Lan, một số khác được gửi trở lại quê hương Campuchia. Nhưng theo điều tra của Tổ chức từ thiện The Mirror Foundation, một số trẻ trước đó bị gia đình đem bán (hoặc cho thuê) vì tiền, nay được cho về nhà, nhưng gia đình chúng “không vui”. Chúng sẽ tiếp tục bị gia đình đem bán (cho thuê) thêm lần thứ hai, rồi lần thứ ba…

một vòng luẩn quẩn cứ tiếp diễn. Bên cạnh mối lo ngại đứa trẻ ăn xin không được đi học, ông Witanapat và các nhà hoạt động nhân quyền còn lo lắng hơn về những nguy hiểm mà chúng phải đối mặt trên đường phố. Nhiều trẻ phải bán hoa hoặc kẹo vào ban đêm ở các khu đèn đỏ. Nguy cơ chúng bị thu hút vào ngành công nghiệp tình dục Thái là rất dễ có thể xảy ra. Những đứa trẻ này có thể bị lạm dụng cả về thể chất và tình dục, đẩy chúng vào con đường nghiện ma túy, nhiễm nhiều bệnh tật, trong đó có HIV/AIDS.

Ông Witanapat chia sẻ rằng, ông rất mong muốn sớm tìm ra giải pháp thật sự hiệu quả để có thể nhổ tận gốc vấn đề này. Theo ông, cho tiền những đứa trẻ bị ép đi ăn xin như thế này không khác gì đang tiếp tay cho bọn tội phạm gia tăng. Nhưng nếu không cho thì số phận những đứa trẻ tội nghiệp ấy sẽ ra sao?