Cưỡng hiếp phụ nữ vì niềm tin mù quáng

ANTĐ - Theo một báo cáo giai đoạn 1998-2000 của Liên hợp quốc, Nam Phi là nước có tỷ lệ cưỡng hiếp bình quân đầu người cao nhất thế giới, gắn với biệt danh “thủ phủ của nạn hiếp dâm trên thế giới”: 500.000 vụ hãm hiếp mỗi năm; cứ 17 giây lại có 1 vụ cưỡng hiếp, cứ 2 người phụ nữ thì 1 người từng bị hãm hiếp trong đời. 

Giật mình những con số “hiếp dâm”

Theo khảo sát của CIET, một tổ chức phi chính phủ về phòng chống bạo lực: 20% đàn ông Nam Phi thừa nhận có hành vi lạm dụng phụ nữ. Theo Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Nam Phi thì 1/4 nam giới ở tỉnh Eastern Cape, thừa nhận đã cưỡng hiếp phụ nữ ít nhất một lần; 3/4 trong số họ cho biết, nạn nhân dưới 20 tuổi; 1/10 cho biết nạn nhân dưới 10 tuổi. Đáng lên án hơn, mỗi tuần, 10 phụ nữ bị tấn công tình dục bởi những nam giới với lời ngụy biện rằng hành động của họ sẽ “chữa bệnh” đồng tính nữ. Những vụ tấn công thường rất bạo lực, khiến nạn nhân bị ảnh hưởng nghiêm trọng về thể chất hay tinh thần. 

Theo các chuyên gia, sự bùng nổ nạn hiếp dâm ở Nam Phi có nguyên nhân từ quan niệm hiếp dâm để chữa đồng tính. Hiếp dâm để “khắc phục” lệch chuẩn giới tính là thuật ngữ xuất hiện ở Nam Phi từ năm 2000 khi nhiều vụ tấn công phụ nữ xảy ra và cho đến tận bây giờ vẫn tiếp tục gia tăng. Không dựa trên bất cứ một kết quả nghiên cứu khoa học hay thực tiễn nào, nhưng trong xã hội Nam Phi lại tồn tại cách nghĩ này. Họ có niềm tin rằng, nếu không muốn bị đồng tính, những người đồng tính nữ phải bị hãm hiếp. Đàn ông phải nam tính, phụ nữ phải là phụ nữ và phải sẵn sàng cho quan hệ tình dục. Và rằng, đồng tính nam hay đồng tính nữ đều phải được kiểm chứng và kết luận bằng quan hệ tình dục.

Giới tính thực bị “đánh cắp”

Bi kịch “cưỡng hiếp” xảy ra với Pearl Mali khi cô mới 12 tuổi. Mẹ của Mali nghi ngờ cô con gái duy nhất bị đồng tính nữ vì từ cách ăn mặc đến mái tóc của Mali đều theo phong cách “tomboy”.

“Người đàn ông bước vào phòng ngủ của tôi. Ông ta khóa cửa lại. Khi đó, tôi đang nằm trên giường trong bộ đồ ngủ. Ông ấy khen tôi đẹp và rất phổng phao. Ông ấy nói muốn ngủ với tôi. Tôi hét lên, ông ấy tát vào mặt tôi và quát lớn: Im lặng, cởi quần áo ra. Tôi sợ hãi, khóc thét, vừa van xin vừa không nghe lời ông ta. Ông ta lại giang tay đánh. Tôi giằng co trong bất lực… Rồi tôi bị ông ta hãm hiếp…” - Mali nhớ lại những giây phút kinh hoàng.

Nỗi đau thể xác và nỗi đau tinh thần đang cào xé trong Mali, nhưng khi tận mắt chứng kiến việc người mẹ vui vẻ mở cửa cho gã đàn ông đêm qua vừa cưỡng hiếp con gái mình, với thái độ thản nhiên như không có chuyện gì xảy ra, Mali càng thêm đau đớn.

Kể từ cái đêm đáng nguyền rủa ấy, trong suốt 4 năm tiếp theo, gã đàn ông kinh tởm đó đường hoàng đến tận nhà, cưỡng hiếp Mali như thể ông ta là chồng sắp cưới của cô. Vượt qua sự xấu hổ, Mali nhiều lần trình báo cảnh sát nhưng chỉ nhận được những điệu cười nhạo báng khi Mali cho biết lần cưỡng hiếp gần nhất là vào tuần trước. 

Năm 16 tuổi, Mali mang thai với người đàn ông đã hãm hiếp mình. Ngay sau khi sinh đứa trẻ mới được ít ngày, gã đàn ông kia lại đến nhà, đòi quan hệ tình dục với Mali. Cô quyết kháng cự tới cùng. 

Nào ngờ, khi con trai của Mali được 7 tháng tuổi, chính mẹ của cô đã đưa cậu bé đi nơi khác. Bà ấy cho rằng, Mali vẫn “chưa hết” đồng tính. Nếu sống với Mali, thằng bé “sẽ bị lây đồng tính”. Đau đớn, Mali chuyển ra ngoài ở. Cô cũng nộp đơn lên tòa án giành quyền nuôi con, nhưng 3 năm sau đó, cô chỉ được phép đến thăm con trai vào cuối tuần. 

Thông đồng với những người trong gia đình để hiếp dâm “khắc phục” giới tính không phải là một hiện tượng hiếm thấy ở Nam Phi. Simphiwe Thandeka ở Pietermaritzburg bị cưỡng hiếp năm 13 tuổi. “Một người đàn ông có mối quan hệ với gia đình hỏi tôi, sao lại ăn mặc như con trai? Rồi lẻn vào phòng, lấy gối bịt miệng tôi và bắt đầu cưỡng hiếp” - Thandeka kể lại. Sáng hôm sau, vì thấy bị chảy máu nhiều, Thandeka nói lại sự việc cho mẹ. Thay vì sốt sắng lo cho con gái, người mẹ lạnh lùng trả lời rằng, “đó là vấn đề của gia đình”. 

Người đàn ông cưỡng hiếp Thandeka bị nhiễm HIV và cô chỉ phát hiện ra mình nhiễm virus chết người này 3 năm sau khi mang thai với một người đàn ông khác. Thật điên rồ, người đàn ông thứ hai cưỡng hiếp Thandeka chỉ vì muốn chứng minh rằng, “Thandeka là một người phụ nữ”.  

Cần sớm loại bỏ niềm tin mù quáng

So với nhiều nạn nhân bị cưỡng hiếp ở Nam Phi, Mali và Thandeka là 2 trong ít trường hợp đã may mắn sống sót. Bởi ít nhất 31 phụ nữ trong 15 năm qua đã chết hoặc bị giết sau khi bị cưỡng hiếp hoặc cùng quẫn tự tìm đến cái chết. 

Trong một báo cáo gần đây, Tổ chức theo dõi nhân quyền (Human Rights Watch) kết luận rằng, thái độ của xã hội với những người đồng tính nữ đã trở nên gay gắt hơn trong hơn 20 năm qua. Đây là một điều gây ngạc nhiên tại một đất nước mà đám cưới đồng tính là hợp pháp và quyền của người đồng tính nữ được trân trọng trong hiến pháp. 

David Hessey - một thành viên của Hiệp hội đồng tính nam và đồng tính nữ, chỉ trích tòa án không có hình phạt thích đáng nhằm đối phó với vấn nạn hiếp dâm để “khắc phục”, “chữa” cái gọi là “lệch chuẩn giới tính” đang phủ đen Nam Phi.