Tâm sự của người 30 năm làm cảnh sát khu vực

ANTĐ - Hơn 30 năm gắn bó với “nghiệp” Cảnh sát khu vực, tôi hỏi Trung tá Thái Minh Thảo, công an phường Giảng Võ (Ba Đình - Hà Nội) điều gì khiến anh có thể gắn bó với công việc này lâu như vậy? Không cần suy nghĩ, Trung tá Thảo trả lời, đó là bởi người dân vẫn còn tin tưởng ở mình. Khi người dân còn tin nghĩa là mình vẫn còn phải phục vụ nhân dân một cách tốt nhất. Có thể với nhiều người, câu trả lời của Trung tá Thái Minh Thảo bị coi là “sách vở”, thế nhưng với những người đã từng một lần tiếp xúc với anh đều tin đó là những lời nói chân thành nhất. Có một câu chuyện thật 100% về anh mà những người đồng đội của Trung tá Thái Minh Thảo ở Công an phường Giảng Võ đều biết, đó là anh đã từng từ chối một lời đề nghị cất nhắc lên một vị trí cao hơn, có điều kiện hơn chỉ vì lý do anh muốn được ở lại phường làm một người cán bộ Cảnh sát khu vực gắn bó với nhân dân.

Không có gì bằng sống chân tình với người dân

Trung tá Thái Minh Thảo kể, anh sinh ra ở một mảnh đất nghèo miền Trung đầy nắng và gió Lào, tốt nghiệp ra trường, anh được phân công về Công an Hà Nội, đảm trách công tác Cảnh sát khu vực. Ngày ấy với một chàng trai ở quê ra thành phố, giọng nói còn mang nặng âm hưởng của địa phương phải tiếp xúc với người dân thành phố khiến anh còn nhiều bỡ ngỡ lắm. Thậm chí có những lúc không hiểu hết được phong tục, tập quán của người dân cũng khiến anh chưa thể hòa nhập được với quần chúng. Thế rồi có một việc xảy ra mà anh coi đó như là một bài học đầu tiên khi bước chân vào nghề và kinh nghiệm đó còn theo anh cho đến tận ngày hôm nay.

Địa bàn Trung tá Thảo phụ trách khi đó có một bà cụ già sống cô đơn một mình. Một buổi sáng bà cụ ra ao làng lấy nước chẳng may bị điện giật trượt chân xuống ao. Khi mọi người phát hiện ra thì bà cụ đã qua đời. Vì bà cụ sống một mình, không có con cháu nên người dân báo với cơ quan công an. Nhận được tin báo của người dân, anh đã lập tức có mặt. Biết hoàn cảnh của bà cụ neo đơn, khó khăn nên không ngần ngại, Trung tá Thái Minh Thảo đã tình nguyện đứng ra vận động bà con lo ma chay, tang lễ cho bà cụ đến tận khi đưa cụ ra chôn cất tại nghĩa trang như một người con cháu trong gia đình. Trung tá Thái Minh Thảo kể sau việc làm mà anh coi như công việc cuối cùng có thể giúp cho người đã khuất, người dân ở đây dần dần thấy rất có cảm tình với anh Cảnh sát khu vực và đã giúp đỡ anh rất nhiều trong công việc. Và cũng từ câu chuyện ấy, anh Thảo tự chiêm nghiệm cho mình một bài học đầu đời của người Cảnh sát khu vực, ấy là sống với dân, để hoàn thành được nhiệm vụ không có gì bằng sống chân tình và trung thực, thật thà.

Ngót nghét 30 năm gắn bó với địa bàn, với dân, bài học kinh nghiệm đầu đời ấy đã trở thành phương châm làm việc của Trung tá Thái Minh Thảo. Anh tâm sự: “Cảnh sát khu vực là người đại diện cho lực lượng công an ở cơ sở, vì vậy, Cảnh sát khu vực chỉ có sâu sát cơ sở, gần dân, vì dân thì dân mới tin yêu, mới hết lòng giúp đỡ. Mà muốn như vậy, từ những việc nhỏ nhất đúng pháp luật mà làm được cho dân thì người Cảnh sát khu vực cũng phải làm”. Trung tá Thảo còn nhớ mãi câu chuyện về tình cảm chân thành của người Cảnh sát khu vực cũng đã góp phần cảm hóa đối tượng lầm lỡ. Khi ấy trên địa bàn của anh phụ trách có một đối tượng thụ án tù về tội giết người. Đối tượng này có một người con ngoài giá thú ở ngoài xã hội. Sau khi đối tượng đi tù, mẹ của cháu bé mang con trả cho gia đình đằng nội rồi bỏ đi mất tích. Qua thông tin của người dân, Trung tá Thảo nắm được hoàn cảnh éo le của cháu bé, bố đi tù, mẹ bỏ rơi, cháu lại không có hộ khẩu để được hưởng những quyền tối thiểu của công dân. Anh đã chủ động báo cáo với Chỉ huy Công an phường và Chỉ huy Công an quận nghiên cứu để nhập hộ khẩu cho cháu bé. Khi biết tin từ người nhà về việc Công an quận đã chấp nhận đăng ký hộ khẩu thường trú cho con mình, từ trong trại giam, đối tượng đã viết thư gửi cho anh Thảo với những lời lẽ hết sức cảm động về sự quan tâm của công an và hứa sẽ cố gắng cải tạo tốt để sớm trở về với cộng đồng. 

Hay như câu chuyện của một cháu gái sinh năm 2000, có hoàn cảnh éo le. Cháu gái này có bố là người Mỹ, mẹ là người Việt Nam, tuy nhiên bố cháu mất sớm nên cháu ở với mẹ. Trong cuộc sống giữa hai mẹ con có nhiều mâu thuẫn, mẹ cháu đã bất lực trong cách dạy bảo cháu bé này, cháu nhiều lần bỏ nhà đi qua đêm, bỏ học đi theo kẻ xấu để tỏ thái độ với mẹ. Trung tá Thái Minh Thảo đã đến tận nhà gặp mẹ cháu để tư vấn về giáo dục con trẻ và khuyên bảo cháu. Có lần, cháu bỏ nhà đi vào miền Nam, mẹ cháu nói thế nào cũng không về. Được tin, Trung tá Thảo đã hỏi địa chỉ, gửi thư cho cháu gái đó. Sau khi đọc thư, cháu đã đồng ý về với mẹ, Trung tá Thảo cùng gia đình đã ra tận sân bay đón cháu. Cảm động trước tình cảm của người Cảnh sát khu vực, cháu đã khóc và xin được quay lại đi học. Những công việc tuy nhỏ bé, giản dị như vậy song đối với Trung tá Thái Minh Thảo đó lại là những niềm vui hàng ngày không có gì sánh được của người Cảnh sát khu vực giúp anh ngày càng gắn bó với người dân, với công việc.

Vất vả nhưng cũng rất hạnh phúc

Nói về công việc của người Cảnh sát khu vực, nhiều người vẫn quan niệm, Cảnh sát khu vực chỉ là mấy ông công an quản lý hành chính, “chỉ biết đi làm hộ khẩu”. Đó là những suy nghĩ chưa đúng về lực lượng Cảnh sát khu vực, bởi trong công tác của người Cảnh sát khu vực còn có rất nhiều những việc không thể gọi thành tên. Trung tá Thái Minh Thảo cho biết trên địa bàn của mình, người Cảnh sát khu vực phải đứng ra cùng cán bộ cơ sở gắn bó với người dân để nắm tình hình và xây dựng phong trào, chính vì vậy  phải bắt đầu từ những việc nhỏ trở đi. Nhiều năm trong quá trình công tác ở đây có những lúc anh Thảo cùng người dân đi mua cột về để nâng những đoạn dây điện bị võng xuống hoặc vận động nhân dân nạo vét cống rãnh hay những đoạn đường lầy lội. Có những thời kỳ trên địa bàn của anh quản lý thường hay mất trộm, anh đã nhiều đêm không ngủ, cùng với nhân dân lăn lộn tuần tra, tuyên truyền ý thức phòng ngừa đến từng nhà dân. Từ những việc nhỏ như vậy đã tạo ra được niềm tin với nhân dân, trở thành chỗ dựa tích cực cho lực lượng Công an trong cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm. 

Bài học về việc tạo lòng tin với người dân được Trung tá Thảo kể với tôi bằng một câu chuyện mới xảy ra trên địa bàn cách đây chưa lâu. Đó là khi tổ công tác của Công an quận phối hợp với công an phường xuống bắt một đối tượng đi cải tạo. Trước khi tiến hành phương án bắt giữ, Trung tá Thảo đã bí mật gặp gỡ gia đình của đối tượng thông báo quyết định và nhờ sự hỗ trợ giúp đỡ của gia đình. Vì có lòng tin ở người Cảnh sát khu vực nên gia đình đã “tố cáo” với anh Thảo rằng con em mình là một kẻ rất manh động và lúc nào cũng để sẵn trên đầu giường 5 vỏ bia cùng dao, kéo và tuyên bố sẽ sẵn sàng chống đối đến cùng nếu bị bắt. Sau khi được sự phân tích, động viên của Trung tá Thái Minh Thảo, gia đình đã  phối hợp, hỗ trợ cùng tổ công tác bằng cách trong khi đối tượng ngủ sẽ bí mật cất hết vũ khí và thông báo cho tổ công tác ập vào bắt giữ. Nhờ có sự giúp đỡ này mà việc bắt giữ đối tượng đã đơn giản hơn nhiều.

Để có được niềm tin và giữ được niềm tin với nhân dân, Trung tá Thái Minh Thảo luôn giữ cho mình một quan niệm hết sức đơn giản đó là phải xác định nếu giúp được gì người dân thì phải có trách nhiệm giúp. Đã hẹn với dân là phải chính xác, nếu hẹn người dân không đến được phải xin lỗi. Không để cho người dân phải đi lại nhiều, gây những ác cảm không hay cho người dân. Ngoài ra, những việc rất nhỏ từ việc dân cần xác nhận giấy tờ, mình phải làm nhanh, không gây phiền hà thì sẽ lấy được lòng tin của nhân dân. 

Nhận xét về người đồng đội của mình, Trung tá Võ Xuân Đương - Phó trưởng Công an quận Ba Đình cho biết: Trung tá Thái Minh Thảo luôn là tấm gương cho lớp trẻ học tập về tinh thần trách nhiệm trong công việc. Sự gắn bó của đồng chí Thảo với địa bàn với quần chúng nhân dân chính là những hình ảnh đẹp, đại diện cho người Cảnh sát khu vực. 

Trong công việc có vất vả đến đâu thì Trung tá Thảo luôn có nguyên tắc đó là tình cảm, sự tâm huyết, lòng nhiệt tình và sự trách nhiệm người dân luôn phải được đặt lên hàng đầu. Anh Thảo “khoe” với tôi rằng hầu hết các hộ dân trên địa bàn đều có số điện thoại của anh Cảnh sát khu vực. Chính vì vậy mà có những việc xảy ra người dân thường gọi cho Cảnh sát khu vực trước khi gọi cho Cảnh sát 113 và Trung tá Thảo bao giờ cũng là người có mặt sớm nhất. Có những hôm, vừa về đến nhà, đang thay quần áo thì nhận được điện thoại của người dân anh đã lại phải lập tức đi xuống địa bàn. Đáng nhớ nhất là có năm đúng vào thời điểm ngày 1 Tết, đang trên đường đưa vợ về quê ngoại tại Đan Phượng, khi gần đến quê thì nhận được điện thoại ở địa bàn đang xảy ra vụ mâu thuẫn dữ dội trong một gia đình. Vậy là anh để vợ con bắt xe ôm đi tiếp, còn mình thì lập tức quay trở về để giải quyết. Trung tá Thảo tâm sự: Việc có mặt kịp thời ở những “điểm nóng” sẽ giúp ngăn chặn kịp thời những mâu thuẫn, không để phát sinh những phức tạp về an ninh trật tự. Cũng chính vì điều này mà trên địa bàn của Trung tá Thái Minh Thảo gần 20 năm qua chưa từng để xảy ra một vụ trọng án nào.

Cuối buổi nói chuyện, khi tôi hỏi Trung tá Thảo về lý do tại sao anh lại từ chối việc có thể được đề bạt ở một vị trí khác cao hơn, anh trả lời rất mộc mạc rằng, khi làm Công an, tôi luôn nghĩ đơn giản được sống với dân, gắn bó với dân, mỗi ngày được làm một việc tốt phục vụ cho nhân dân như vậy cũng đã là hoàn thành nhiệm vụ rồi. Khi cấp trên có ý muốn tôi làm ở vị trí khác, tôi nói xin cho tôi vẫn được làm Cảnh sát khu vực, để cho tôi làm việc với dân đến lúc nghỉ hưu cho trọn tình.