Sự hài lòng của người dân là thước đo

ANTĐ - Công an Hà Nội đột phá triển khai “dịch vụ công” trong việc cấp, đổi hộ chiếu, sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân (CMND), đăng ký ôtô, môtô, xe máy... nhằm rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân đang được dư luận đánh giá cao, khẳng định vai trò và trách nhiệm của lực lượng Công an đối với người dân Thủ đô.

Sự hài lòng của người dân là thước đo ảnh 1
CATP Hà Nội hướng đến mô hình “dịch vụ công” để phục vụ nhân dân tốt hơn 
(Trong ảnh: CAQ Hoàn Kiếm đến tận nhà người dân làm thủ tục cấp CMND)


Tạo điều kiện tốt nhất cho người dân

Nguyên tắc “lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo” đang được CATP Hà Nội áp dụng để tạo ra đột phá trong việc triển khai quy trình mới, ứng dụng tốt công nghệ thông tin để giải quyết thủ tục hành chính với công dân. Điều này đã được thể hiện rõ trong việc CATP Hà Nội là đơn vị đầu tiên triển khai hình thức cấp hộ chiếu qua mạng. Thậm chí, các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu cấp hộ chiếu từ 10 người trở lên chỉ cần gọi điện thoại đăng ký để được phòng cử cán bộ đến tận nơi làm thủ tục. Không chỉ rút ngắn thời gian làm thủ tục, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh - CATP Hà Nội còn chủ động phối hợp với dịch vụ chuyển phát nhanh thuộc Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel. Trường hợp người dân muốn nhận hộ chiếu qua đường bưu điện có thể đăng ký dịch vụ chuyển phát nhanh của Viettel, với giá cước tại các quận nội thành là 15.000 đồng/hộ chiếu và các huyện ngoại thành là 20.000 đồng/hộ chiếu. 

Ngoài ra, việc cấp, đổi sổ hộ khẩu và CMND cho người dân tại nơi cư trú, đăng ký phương tiện ôtô, môtô, xe máy,… cũng được CATP Hà Nội ký quy chế phối hợp với bưu điện để chuyển phát nhanh giấy chứng nhận đăng ký đến tận tay chủ phương tiện. Việc làm thủ tục đăng ký cho môtô, xe máy đều được rút ngắn và được cấp biển kiểm soát ngay sau khi hoàn thành thủ tục. Đối với xe ôtô, để khắc phục điều kiện mặt bằng hạn chế, Phòng CSGT- CATP Hà Nội đã cử cán bộ tới doanh nghiệp để làm những thủ tục cần thiết, thậm chí phân cấp về CA các quận, huyện làm thủ tục đăng ký, chuyển đổi để người dân không phải đi xa. Đây thực sự là một chủ trương đúng đắn của lực lượng CATP Hà Nội trong công tác cải cách thủ tục hành chính nói chung, tạo điều kiện phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.

Trước những thay đổi mang tính đột phá về dịch vụ hành chính công mà CATP Hà Nội đang áp dụng, người dân cho rằng điều này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, mà còn cải thiện ngày càng tốt hơn hình ảnh của các đơn vị quản lý hành chính trong lòng người dân. Chị Nguyễn Minh Phượng, đang làm việc cho một tổ chức phi chính phủ tại Hà Nội cho hay, do công việc phải di chuyển nhiều nên chị phải đến Đại sứ quán (ĐSQ) các nước để làm thủ tục xin visa. Theo đó, việc hoàn tất các thủ tục này đều được các ĐSQ đơn giản hoá bằng việc hoàn tất các tờ khai thông tin cá nhân ngay trên các trang web của ĐSQ. Không những vậy, nhiều ĐSQ còn phối hợp với công ty chuyển phát nhanh để chuyển hộ chiếu cho công dân Việt Nam đến tận nhà với mức phí quy định. Chị Phương nhận xét: “Dịch vụ công là hoạt động phục vụ nhu cầu thiết yếu của toàn xã hội, giúp người dân tiết kiệm thời gian và chi phí. Việc tạo điều kiện cho người dân tiếp xúc với dịch vụ công hoàn toàn phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế”.  

Xây dựng chính quyền gần dân

Mặc dù ở nhiều nước trên thế giới, cung ứng dịch vụ công là một trong những chức năng cơ bản mà Nhà nước giao cho nền hành chính đảm trách, song tại Việt Nam, đây vẫn là một khái niệm khá mới mẻ. Theo luật sư Nguyễn Thị Thu - Văn phòng luật S&B, về cơ bản “dịch vụ công” là những hoạt động của các tổ chức Nhà nước hoặc của các doanh nghiệp, tổ chức xã hội, tư nhân được Nhà nước uỷ quyền để thực hiện nhiệm vụ do pháp luật quy định, phục vụ trực tiếp nhu cầu thiết yếu chung của cộng đồng, công dân, theo nguyên tắc không vụ lợi, đảm bảo sự công bằng và ổn định xã hội. Kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới cho thấy con đường ngắn nhất để xây dựng một chính quyền ngày càng gần dân đó là tích cực tăng cường xã hội hóa dịch vụ công.

Cũng theo luật sư Nguyễn Thị Thu, tiếp cận với dịch vụ công sẽ khiến người dân vừa là đối tượng tiêu dùng, vừa là người giám sát chất lượng cung ứng dịch vụ. Với tư cách “khách hàng”, người dân có quyền bày tỏ sự hài lòng hay không hài lòng về chất lượng dịch vụ, về cung cách, thái độ của người phục vụ với mong muốn dịch vụ công ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của họ. Điều này sẽ tạo cho người dân cảm giác mình được tôn trọng chứ không phải là sự ban phát, gia ơn như lâu nay vẫn tồn tại. Hơn nữa, việc chuyển giao một số dịch vụ công cho các tổ chức sẽ tạo môi trường cạnh tranh, những tổ chức được nhận thầu cung ứng độc quyền một loại dịch vụ công nào đó luôn có nguy cơ bị xoá bỏ hợp đồng nếu họ làm ăn kém hiệu quả.

Hướng tới một nền hành chính năng động, linh hoạt

Sự hài lòng của người dân là thước đo ảnh 2

“Có thể nói dịch vụ công mà một số cơ quan hành chính tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội đang áp dụng là cách tiếp cận mới, nhằm cải cách chất lượng quản lý Nhà nước, hướng tới một nền hành chính năng động, linh hoạt hơn. Quản lý công, trong đó bao gồm dịch vụ công mà CATP Hà Nội đang áp dụng đối với các thủ tục hành chính giúp người dân và cả cơ quan quản lý cởi bỏ được nhiều gánh nặng. Đặc biệt là chức năng phục vụ, sự chuyên nghiệp của dịch vụ hành chính tạo thuận lợi cho Hà Nội trong xu thế hội nhập và chuyển mình thành thành phố văn minh, hiện đại. Tuy vậy, nguyên tắc và cách thức quản lý hành chính hiện đại của các nước trong khu vực và trên thế giới cần được cơ quan quản lý tại Việt Nam vận dụng để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính. Thuật ngữ “khách hàng là thượng đế” cần được các cơ quan hành chính của chính quyền thành phố coi như một tiêu chí, để đổi mới mối quan hệ giữa các cơ quan công quyền với công dân”. Ông Christian Revuelta -  Quốc tịch Pháp, Giám đốc Công ty Kiến trúc sư Revuelta tại Việt Nam

Một xu hướng văn minh

Tại một số nước trên thế giới như Australia đã tiến hành cải cách hành chính mạnh mẽ, đặt người dân ở vị trí trung tâm của mục tiêu cải cách dịch vụ công bằng phương thức cung cấp các dịch vụ công theo hướng tự động và đơn giản hóa. Trong khi đó, một trong những sáng kiến cải cách được tiến hành trong thời gian gần đây để nâng cao chất lượng của các cơ quan thuộc khu vực công ở Malaysia đó là Hệ thống đánh giá xếp hạng theo sao (the Star Rating System - SRS) nhằm các mục tiêu đánh giá hiệu quả của các cơ quan trong khu vực công trong việc cung cấp dịch vụ cho người dân. Thụy Điển là một trong những quốc gia xây dựng và phát triển cơ chế một cửa từ năm 1989 với việc phát triển Hệ thống thông tin Hải quan dành cho quy trình xuất khẩu hàng hóa. Hiện nay, cơ chế một cửa quốc gia Thụy Điển có sự tham gia của Cơ quan Hải quan, Nông nghiệp, Thương mại, Ủy ban quốc gia về giám sát hàng hóa chiến lược và Cảnh sát,… nhằm giải quyết tình trạng chồng chéo về thủ tục hành chính giữa các cơ quan quản lý Nhà nước.