Những chiến công thầm lặng của lực lượng "bắt nã"

ANTĐ - Nhiệm vụ bắt truy nã và vận động đối tượng ra đầu thú rất nặng nề nhưng với niềm đam mê công việc và ý chí quyết tâm đưa tội ác ra ánh sáng, các cán bộ chiến sỹ Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh Đắk Nông đã lập nên nhiều chiến công xuất sắc, góp phần cùng toàn lực lượng giữ vững tình hình ANTT tại địa phương.
Đối tượng Dương Viết Hoài bị bắt giữ sau 150 ngày lẩn trốn
Đối tượng Dương Viết Hoài bị bắt giữ sau 150 ngày lẩn trốn

Những chiến công thầm lặng

Một trong những chiến công nổi bật của CBCS Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh Đắk Nông là việc phối hợp với Phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an tỉnh điều tra, truy bắt thành công đối tượng Dương Viết Hoài (SN 1987), trú tại xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước sau 150 ngày đêm nhọc nhằn rong ruổi, truy tìm từ bắc vào nam.

Đây là đối tượng từng làm bảo vệ cho một doanh nghiệp trên địa bàn, trong lúc ẩu đả với người dân đã dùng súng tiểu liên M16 bắn chết anh Điểu Dú (SN.1981), trú tại xã Đắk Nhau, huyện Bù Đăng (Bình Phước) vào ngày 18-11-2011 rồi bỏ trốn và bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông ra lệnh truy nã toàn quốc về tội giết người.

Vụ việc trên đã gây nên dư luận xấu trong quần chúng nhân dân, ảnh hưởng không tốt đến tình hình ANTT tại địa phương. Điều khó khăn, đây là đối tượng ở địa phương khác đến đây làm việc, sau khi gây án đã bỏ trốn khỏi địa bàn, các manh mối về đối tượng, người thân gần như rất ít, càng đi sâu tìm hiểu, truy tìm thì dấu vết của hung thủ càng mất hút, có những lúc tưởng chừng như hồ sơ vụ án đành phải khép lại. Một điều nguy hiểm hơn nữa là sau khi gây án, đối tượng Dương Viết Hoài đã mang theo khẩu súng gây án bỏ trốn, nếu không phát hiện, truy bắt kịp thời thì sẽ gây ra hậu quả khôn lường.

Với quyết tâm đưa cái ác ra trừng trị trước pháp luật, các trinh sát một mặt được cử đi các địa bàn mà đối tượng có thể lui tới trong cả nước để xác minh, truy tìm, một mặt phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Công an và các đơn vị, địa phương cùng truy bắt đối tượng. Sau nhiều tháng lăn lộn khắp nơi, vào một ngày đầu tháng 4-2012, các trinh sát nhận được nguồn tin vô cùng quý giá là đối tượng Hoài đang xuất hiện tại địa bàn tỉnh Quảng Ninh và chuẩn bị “đánh bài chuồn” sang Trung Quốc.

Ngay lập tức, một tổ công tác Phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an tỉnh tức tốc lên đường để phối hợp với công an địa phương khoanh vùng, bắt giữ đối tượng trước khi hắn vượt biên. “Khoanh vùng được đối tượng đã khó, xác định đúng địa điểm đối tượng đang lẩn trốn càng khó hơn vì nếu lộ thì bao nhiêu công sức của anh em coi như đổ xuống song, xuống biển” một trinh sát cho biết.

Sau khi bí mật xác minh, các trinh sát đã có đủ cơ sở để khẳng định Hoài đang làm công nhân hàn xì cho một xưởng sửa chữa tàu thuyền ở phường Ka Long, thành phố Móng Cái (Quảng Ninh) với một cái tên mới là Võ Hoài Nam. Một kế hoạch chi tiết, an toàn để bắt giữ đối tượng Hoài đã được 2 trinh sát vạch ra.

Theo đó, chiều tối ngày 18-4, trong vai hai người đàn ông mặt mày nhem nhuốc mang trên vai hai bao tải ghé vào xưởng sửa chữa tàu thuyền trên để hỏi mua phế liệu, 2 trinh sát đã dễ dàng tiếp cận đối tượng Hoài mà không để cho hắn nghi ngờ. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, 2 trinh sát đã nhanh chóng tra còng số 8 vào tay đối tượng kết thúc 150 ngày đêm đối tượng nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Ngay trong đêm Hoài di lý về trụ sở Công an tỉnh Đắk Nông để tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc.

Đối tượng Đỗ Thanh Phong

Một kỷ niệm đáng nhớ khác của các trinh sát Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm là hành trình truy bắt đối tượng Đỗ Thanh Phong (hay còn gọi là Phong Trọc, SN 1971, trú tại thôn 1, xã Trường Xuân, huyện Đắk Song). Sau khi tham gia cùng đồng bọn dùng súng gây ra nhiều vụ cướp tài sản, gây hoang mang dư luận một thời gian, y đã bỏ trốn khỏi địa phương. Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk đã ra quyết định truy nã toàn quốc về tội cướp tài sản.

Theo đó, vào khoảng tháng 7-1995, Đỗ Thanh Phong đã tham gia cùng với 4 đối tượng khác dùng súng K54, AK và gậy gộc chặn xe tải qua đường thực hiện 5 vụ cướp tài sản trên tuyến QL14 đoạn đi qua Cầu 20 thuộc huyện Đắk Song, trong đó Phong trực tiếp tham gia thực hiện 1 vụ. Đến cuối năm 1995 các đối tượng trong nhóm cướp này lần lượt bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk bắt, đưa ra truy tố trước pháp luật.

Riêng đối tượng Đỗ Thanh Phong đã bỏ trốn khỏi địa phương, thay đổi nhiều nơi ở, gây khó khăn cho công tác truy bắt. Sau 16 năm xác minh, lần tìm các dấu vết của đối tượng, vào một ngày đầu năm 2012, các trinh sát Phòng Cảnh sát truy nã Công an tỉnh Đắk Nông đã phối hợp với Công an tỉnh Bình Phước bắt giữ đối tượng khi hắn đang tìm cách lẩn trốn. 

Trận tuyến thầm lặng và đầy cam go

 Mỗi trường hợp truy bắt là một chiến công về sự mưu trí, dũng cảm cùng những khó khăn, gian khổ mà các CBCS phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an Đắk Nông đã trải qua. Nhiều khi tính mạng của các anh bị đe dọa vì phần lớn các đối tượng bị truy nã thường rất nguy hiểm, khi bị phát hiện chúng sẵn sàng chống trả quyết liệt hòng thoát thân bằng mọi giá. Nhưng khi có lệnh là các anh tức tốc lên đường ngay, lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng, các anh lắng nghe, kiếm tìm và chọn lọc để có được những thông tin rất có giá trị về hành tung, di biến động của tội phạm truy nã, bắt chúng phải trả giá cho những hành động của mình, góp phần xoa dịu nỗi đau cho gia đình và người bị hại.

Khó khăn nguy hiểm là thế nhưng với tinh thần vượt khó, vì nhân dân phục vụ trong 6 tháng đầu năm 2012, lực lượng làm công tác truy bắt tội phạm truy nã toàn tỉnh đã bắt và vận động đầu thú được gần 80 đối tượng trong đó, CBCS thuộc Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm đã bắt, vận động ra đầu thú 40 đối tượng, vượt chỉ tiêu đề ra. Kết quả đó đã cho thấy những chiến công và những nhọc nhằn mà các anh đã trải qua.

Để có được kết quả đó là cả quá trình nỗ lực không ngừng của lực lượng cảnh sát truy nã Công an Đắk Nông. Bởi Đắk Nông là một địa bàn rộng, có địa hình phức tạp, dân cư thưa thớt, phần lớn số đối tượng bị truy nã thường lẩn trốn những nơi có địa hình hiểm trở, xa xôi và hẻo lánh, giao thông đi lại khó khăn. Chúng thoắt ẩn, thoắt hiện, thông thạo địa bàn, thấy động là tiếp tục chạy trốn vào rừng sâu và có thể ở luôn đó không trở lại, nên việc xác minh tung tích, truy bắt tội phạm truy nã vô cùng gian nan.

Có đối tượng khi bị truy lùng ráo riết, thì vượt biên trái phép, sống ẩn dật ở khu vực giáp ranh biên giới; một số khác tìm cách trốn khắp các tỉnh trong cả nước. Trong khi đó quân số của đơn vị còn mỏng, phương tiện phục vụ công tác còn thiếu thốn. Trước mỗi cuộc truy bắt đối tượng có lệnh truy nã, các anh luôn phải “cân não” cẩn trọng rà soát phương án, đồng thời tính toán, dự báo những tình huống có thể phát sinh và các biện pháp đối phó. Với những người lính truy nã vui nhất là lúc tóm được đối tượng, hoàn thành nhiệm vụ và đồng đội trở về an toàn, nhưng buồn nhất là lúc dày công xây dựng kế hoạch, nhưng đến phút chót lại để đối tượng trốn mất. 

Theo Thượng tá Nguyễn Xuân Bình – Phó trưởng Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh Đắk Nông thì thủ đoạn của các đối tượng truy nã thường là thay tên, đổi họ, chọn những địa bàn rừng núi, vùng sâu, vùng xa, địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, những nơi có đông dân cư tự do, làm ăn theo mùa vụ, tại các khu vực có nhiều nhà trọ để trú ẩn tạm thời …., gây khó khăn cho công tác xác minh, truy bắt. Nguy hiểm hơn, những kẻ bị truy nã không chỉ tìm trăm phương nghìn kế để trốn chạy, nhất là đối tượng phạm tội nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm mà chúng thường rất liều lĩnh, manh động và chúng luôn mang vũ khí “nóng” trong người, sẵn sàng ăn thua một sống hai chết với các chiến sỹ công an.

Do đó, nhiệm vụ truy bắt đối tượng truy nã; vận động, thuyết phục và kêu gọi thân nhân đối tượng có lệnh truy nã ra đầu thú của lực lượng cảnh sát rất cam go, phải đối mặt với những nguy hiểm rình rập, thâm chí hy sinh cả tính mạng. Xác minh được nơi lẩn trốn của đối tượng truy nã thực sự là chuyện khó như “mò kim đáy bể”, và để đến được nơi chúng ẩn náu, tóm gọn kẻ phạm tội lại càng khó khăn hơn. Quá trình dẫn giải những kẻ “đào tẩu” cũng rất nhọc nhằn vất vả, vừa phải lo dẫn giải đối tượng an toàn, vừa phải động viên, chăm sóc ăn uống, canh chừng đối tượng mọi lúc, mọi nơi.

“Để bắt được các đối tượng truy nã về thụ án là cả một quá trình đầy gian khó, các trinh sát phải lần mò từng thông tin, xác minh nhiều mối quan hệ, qua nhiều đối tượng. Trong khi đó đối tượng truy nã luôn có nhiều thủ đoạn lẩn trốn và manh động, như: thay tên đổi họ, thay hình đổi dạng, làm hồ sơ giả về nhân thân, luôn có tâm lý sẵn sàng chống trả khi bị bắt v.v... Đây cũng là khó khăn đặc trưng nhất của công tác truy nã. Vì vậy mà chúng tôi phải thường xuyên xa gia đình, “nếm mật, nằm gai” trải qua nhiều đêm không ngủ, phải đi bộ hàng chục kilômét đường rừng là chuyện bình thường. Có nhiều khi phải xã hội hóa để xâm nhập thực tế và tiếp cận đối tượng”. Đó là những tâm sự của Thiếu úy Lâm Văn Định – cán bộ Đội truy nã tội phạm về TTXH Công an tỉnh, người đã trực tiếp tham gia truy bắt gần 30 đối tượng trong 6 tháng đầu năm 2012.

Khó có thể kể hết được những khó khăn của lực lượng Công an nhân dân nói chung, lực lượng truy bắt tội phạm truy nã nói riêng. Họ đã hi sinh nhiều riêng tư trong cuộc sống thường nhật, chấp nhận làm người có lỗi với gia đình để tìm ra mọi tội ác còn đang lẩn khuất trong cuộc sống này. Bởi mỗi người lính truy nã đều nhận thức rằng còn một đối tượng phạm tội lẩn trốn là sẽ còn một nguy cơ tiềm ẩn tội phạm mới phát sinh.

Phía trước hành trình truy nã tội phạm vẫn còn không ít khó khăn thử thách và hiểm nguy, vẫn còn nhiều đối tượng truy nã đang lẩn trốn ngoài xã hội, đe doạ trực tiếp đến cuộc sống bình yên của người dân. Vì vậy những chiến sỹ cảnh sát truy nã Đắk Nông vẫn âm thầm, lặng lẽ đi tìm tội ác đang lẩn khuất đâu đó trong cuộc sống này, và chiến công lại nối tiếp những chiến công...