Đảm bảo an ninh trước giờ G

ANTĐ - Sau chiến thắng Điện Biên phủ, ngày 27-7-1954 là ngày đầu tiên hai bên Việt - Pháp ngừng hẳn tiếng súng trên các mặt trận, ngày hòa bình đầu tiên sau 9 năm trường kỳ kháng chiến. Lực lượng CAND từ những ngày ấy đã được phân công tham gia các mặt công tác như trao trả tù binh; tiếp tục hoàn thành cuộc chiến đấu với tàn quân của binh đoàn biệt kích hỗn hợp nhảy dù (GCMA) được Bộ chỉ huy quân đội Pháp bố trí ở vùng Tây Bắc...

Ngày 10-10-1954 tiếp quản Ty cảnh sát thành phố

Trong các nhiệm vụ đó, phấn khởi nhất là số cán bộ Công an đang đi công tác thì được lệnh gọi về cơ quan, giao việc tiếp quản Thủ đô. Còn gì bằng khi kháng chiến thành công được trở lại Hà Nội thân yêu. Thế là chúng tôi đeo ba lô hăm hở đi Đại Từ, Thái Nguyên.

Một hội trường lớn và vài chục nhà tranh tre bao quanh san sát đã được dựng lên trong khu rừng thưa để mấy trăm cán bộ các ngành, các địa phương về học tập đường lối, chính sách tiếp quản. Giảng viên lớp này đều là các đồng chí trong Trung ương: Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt... và Bác Hồ cũng tới cho chỉ thị. Nội dung học tập là ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác tiếp quản Thủ đô; xác định tư tưởng, đạo đức phẩm chất, ý thức tổ chức kỷ luật của cán bộ tiếp quản; chính sách lưu dụng đối với những người trước đây làm việc cho Pháp hoặc chính quyền Bảo Đại nay ở lại làm việc cho ta; chính sách đối với tư sản dân tộc, doanh nhân...

Sau lớp học, chúng tôi được phân chia thành từng đoàn, từ Đại Từ đi Bình Ca, qua thị xã Phú Thọ, Trung Hà rồi tới Vân Đình (Hà Đông). Tôi được phân công phụ trách và làm giáo viên một lớp tổ chức cho anh em học tập về chính sách lưu dụng của ta. Phương pháp học tập khá kỹ: nghe giảng, thảo luận nêu thắc mắc giải đáp cụ thể từng vướng mắc để anh em yên tâm phấn khởi vào tiếp quản Thủ đô và sau đó ở lại công tác phục vụ Tổ quốc và nhân dân, chống mọi luận điệu dụ dỗ cưỡng ép di cư vào Nam của địch.

Cuối tháng 9 đầu tháng 10-1954, chúng tôi đi từ Vân Đình qua thị xã Sơn Tây về Trung Giã. Tại đây, chúng tôi được lãnh đạo cho biết, có nhiều đồng chí được sắp xếp vào các đội hành chính vào trước để nhận bàn giao 3 cơ quan là Ty cảnh binh thành phố, Cảnh binh quận Nhất (lúc ấy còn gọi là quận Hàng Trống, nay là CAQ Hoàn Kiếm) và Quận Cảnh sát giao thông đường bộ. Cấp trên bố trí Ban Chỉ huy đội trật tự vào trước: anh Nguyễn Ngô Học, cán bộ Công an Hà Nội là Trưởng ban; anh Nguyễn Xuân Tám và tôi (cán bộ Bộ Công an) làm Phó Trưởng ban. Chúng tôi tổ chức cho anh em học tập kỹ các điều khoản của Hiệp nghị Trung Giã về tiếp quản Hà Nội để ta thi hành cho đúng, đồng thời cũng đòi hỏi đối phương phải thực hiện đúng và đầy đủ.

Tiếp quản trại giam Hỏa Lò, giải phóng hàng trăm đồng bào, đồng chí bị giam giữ

Tối 4-10-1954, Ban hiệp định đình chiến phổ biến cho chúng tôi là 5h30 sáng 5-10, bên phái đoàn Pháp sẽ đưa chúng tôi vào Hà Nội. Sáng sớm hôm sau, chúng tôi tập hợp hàng ngũ và đưa anh em từ trong làng Trung Giã ra quốc lộ 2, qua cầu Phủ Lỗ (đầu cầu phía Hà Nội có lô cốt của Pháp). Vì đã được thông báo trước nên đoàn chúng tôi ung dung, tề chỉnh đi qua hai hàng tiêu binh của quân đội Pháp và bước lên 10 chiếc xe vận tải.

Hôm ấy buổi sáng mùa thu đẹp trời, những tia nắng dịu dàng chiếu xuống cánh đồng lúa hai bên đường khiến những giọt sương đêm đọng trên ngọn lúa óng ánh như những hạt kim cương. Bà con nông dân đang làm cỏ lúa ngẩng lên, tươi cười hớn hở vẫy chúng tôi và chúng tôi cũng vẫy tay đáp lại, trong lòng rộn lên bao tình nghĩa đồng bào.

Xe qua cầu Đuống rồi qua thị trấn Gia Lâm, lên dốc cầu Long Biên. Mới thoạt trông thấy hình dáng cầu Long Biên, tôi xúc động như gặp lại bạn cũ, gợi nhớ lại bao kỷ niệm thời học sinh lên trọ học ở Hà Nội. Xuống dốc cầu đã thấy nhân dân đông đảo đứng trên vỉa hè, bà con vẫy tay, vẫy nón đón chào.

Đoàn xe qua nhà Khai trí tiến đức, Lê Thái Tổ rồi đỗ lại cạnh cổng trụ sở Quận nhất. Chúng tôi xuống xe, sắp hàng ngũ tiến vào sân đã thấy nhiều binh sĩ Pháp, các phóng viên nước ngoài đeo máy ảnh chờ ở đó… Đại tá Cô-da-phông chỉ huy khu vực Hà Nội và ông Ác-nô mời ba người chúng tôi vào phòng trao đổi. Các anh em nghỉ ở sân thì phóng viên xúm vào hỏi chuyện, chụp ảnh lia lịa…

Vì trong hiệp nghị Trung Giã có câu: S’habituer aux affaires” (tự làm quen với công việc), tôi nhận bàn giao Quận Cảnh sát giao thông đường bộ, và yêu cầu cần được làm quen với công việc trên các trục giao thông của thành phố để hôm 10-10 khi chính thức tiếp quản khỏi bỡ ngỡ. Ông Ác-nô đồng ý là khi nào tôi cần đi thì ông sẽ gọi Đại úy San-mông ở Đồn Thủy mang xe Jeep và 2 lính Pháp đi với tôi. Do đó, tôi có điều kiện đi khắp thành phố Hà Nội. Xe của tôi đi tới chỗ nào là đồng bào tập trung lại xem anh bộ đội cụ Hồ (hồi ấy bà con chưa phân biệt được phù hiệu CA và trang phục của chúng tôi nên cứ gọi chung là bộ đội cụ Hồ). Tôi rất xúc động, phấn khởi bởi tình cảm của đồng bào.

Đảm bảo an ninh trước giờ G ảnh 3
Vũ khí của địch bị lực lượng CATP HN tịch thu sau ngày Giải phóng Thủ đô 10-10-1954

Thời điểm này, tình hình trật tự xã hội ở thành phố khá lộn xộn. Hàng ngày hàng trăm chuyến xe khách chở người chạy xuống Hải Phòng để di cư vào Nam, tai nạn giao thông, cướp giật móc túi và trộm cướp đêm diễn ra liên tục. Đêm đêm, chúng tôi nằm ngủ ở tầng gác quận Nhất luôn nghe thấy tiếng trống mõ, thanh la, tiếng gõ thùng của nhân dân báo động đánh đuổi bọn trộm cướp. Binh lính Pháp ở tầng dưới gọi nhau í ới, huy động xe cộ chạy đi giữ trật tự, toán đi toán về huyên náo suốt đêm.

Khoảng 10h sáng 10-10, anh Nguyễn Tuấn Thức (cán bộ Bộ Công an) dẫn một đoàn hơn 100 anh em cảnh sát giao thông đến gặp tôi. Ngay lập tức tôi bố trí anh em đi chỉ đường ở các nút giao thông quan trọng, duy trì trật tự giao thông ngay từ đầu. Vì tôi đã nghiên cứu trên bản đồ và đi thực địa quan sát nên tôi bố trí xen kẽ bục chỉ đường nào cũng có anh em kháng chiến và anh em lưu dụng, công việc tiến hành thuận lợi.

Công tác công an gìn giữ an ninh và trật tự an toàn xã hội nói chung ngay từ đầu đã được đảm bảo thông suốt. So với mấy ngày trước đây thôi đã thấy tình hình tốt đẹp khác hẳn, không thấy ai đến trình báo mất trộm cắp, tai nạn giao thông... Toàn dân Thủ đô Hà Nội, trẻ già trai gái ai nấy đều hân hoan niềm vui giải phóng.