Chuyện chưa kể trong trận đấu súng kinh hoàng dưới màn pháo sáng

ANTĐ - 1 tuần đã trôi qua kể từ khi chuyên án 279LL đã bị các lực lượng của Bộ Công an và Công an tỉnh Sơn La triệt phá. 108 bánh ma túy đã bị thu giữ, 2 khẩu súng AK, 2 khẩu súng Cacbin, 1 súng ngắn, 70 viên đạn các loại và nhiều vỏ đạn AK, Cacbin, súng Sămblếch, súng ngắn… Vụ án gây chấn động dư luận, được người dân khen ngợi nhưng điều đau xót là một chiến sỹ công an ngã xuống. Đồng chí, đồng đội và người dân quặn đau tiễn đưa người chiến sĩ dũng cảm ấy trong thương tiếc… Nhưng sự hy sinh của anh không uổng phí mà sẽ tiếp thêm sức mạnh cho đồng đội anh tiếp tục chiến đấu trên mặt trận chưa bao giờ hết khốc liệt và nóng bỏng này…

Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an thăm hỏi 
gia đình Đại úy Lường Phát Chiêm

Ngày anh ngã xuống

Tại địa phận bản Thung Cuông, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, phát hiện một toán khoảng 25 tên có vũ trang đang vận chuyển ma túy vào địa bàn, lực lượng Công an tỉnh Sơn La đã phối hợp với các lực lượng chức năng khác triển khai đội hình vây bắt. Mặc dù lực lượng của ta đã bắn chỉ thiên, kêu gọi các đối tượng đầu hàng, nhưng các đối tượng đã chống trả quyết liệt, dùng súng bắn xối xả về phía lực lượng của ta.

Với tinh thần mưu trí, dũng cảm, kiên quyết đấu tranh, trấn áp bọn tội phạm, lực lượng Công an tỉnh Sơn La đã khống chế hiện trường, truy kích và bắt được 5 đối tượng cùng tang vật. Và trong lúc giao chiến ác liệt, Đại úy Lường Phát Chiêm đã bị bắn trúng vào đầu. Vì vết thương quá nặng, nên đồng chí đã hy sinh ngay trên đường đưa vào bệnh viện cấp cứu. 

Lại thêm một chiến sĩ trẻ ngã xuống trên mặt trận đấu tranh chống ma túy, lại thêm một mất mát của ngành Công an. Bản Pá II- xã Chiềng Ly,  nơi gắn bó với Đại úy Lường Phát Chiêm từ thuở nhỏ ngày nào bây giờ quặn đau đưa tiễn anh. Tiễn đưa người con anh dũng của bản làng, đồng chí đồng đội, bố mẹ anh, vợ con anh và những người dân… tất cả đều không ai cầm được nước mắt.

Thượng tướng Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an cùng đoàn công tác của các Tổng cục, Vụ, Cục là những người đầu tiên vào viếng Đại úy Lường Phát Chiêm. Thắp nén hương tiễn biệt người con, người chiến sỹ đã anh dũng hy sinh, trong sự đau đớn, tiếc thương, Thượng tướng Lê Quý Vương đã động viên gia đình, bố mẹ, vợ con đồng chí Lường Phát Chiêm cố gắng vượt qua đau thương, mất mát để vươn lên trong cuộc sống, xứng đáng với sự hy sinh cao cả của người con, người chồng, người cha anh dũng Lường Phát Chiêm. Sự hy sinh của anh là một tổn thất lớn cho lực lượng Công an nhân dân, nhưng anh ngã xuống là để ngăn chặn “cái chết trắng” đang hàng ngày, hàng giờ hoành hành trên mảnh đất biên cương này.

Đại úy Cầm Sơn La, Đội trưởng Phòng CSĐT tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Sơn La thương tiếc tiễn biệt đồng đội của mình: Đồng chí Chiêm hy sinh là một tổn thất lớn đối với chúng tôi, nhưng không vì thế mà chúng tôi chùn bước. Chúng tôi sẽ biến đau thương này thành hành động để xứng đáng với sự hy sinh cao cả của đồng chí ấy. Là người trực tiếp cùng chiến đấu trong trận quyết chiến đó với đồng chí Chiêm, tận mắt chứng kiến giây phút đồng chí ấy hy sinh,  đồng chí Vũ Trung Kiên, cán bộ Phòng Cảnh sát bảo vệ và cơ động, Công an tỉnh Sơn La đau xót nói: Đây là một tổn thất lớn nhưng chúng tôi sẽ không để sự hy sinh ấy uổng phí.

Nhắc đồng chí Lường Phát Chiêm, đồng đội của anh đều nhớ tới hình ảnh một chiến sĩ năng nổ xông xáo với 12 năm tuổi ngành. Trong suốt quá trình công tác, Đại úy Lường Phát Chiêm luôn thể hiện vai trò là một chiến sỹ, một Trung đội trưởng tích cực, tận tụy, luôn đi đầu trong các cuộc chiến chống tội phạm. Là người Thái ở Thuận Châu, anh cũng mới lấy vợ là một người phụ nữ ở Mai Sơn, giờ chị công tác ở Mường La. Hai anh chị cũng mới có cậu con trai nhỏ được 2 tuổi. 

Trong số những người bị thương trong trận đấu súng kinh hoàng này,  Đại úy Chu Văn Quang, Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn Đặc nhiệm số 1 - Bộ Tư lệnh CSCĐ cũng bị thương vào chân trong khi truy kích toán vận chuyển ma túy có vũ trang. Anh đã được đơn vị và đồng đội đưa về điều trị tại Bệnh viện 198 Bộ Công an. Tôi đã vào gặp anh trong bệnh viện. Mặc dù vết thương ở chân còn đau, nhưng anh chỉ muốn được về với đồng đội. Nhắc lại trận đấu súng, anh Quang cho biết đồng chí Chiêm là một trong những người cuối cùng được bổ sung vào trận đánh lớn trước giờ xuất quân. Trong trận đánh, đồng chí Chiêm biên chế ở Tổ công tác số 3, là tổ chỉ huy, tổ cầm loa kêu gọi đầu hàng thì hẳn phải là người tài giỏi, dày kinh nghiệm trận mạc.

Trận đấu súng ở Thung Cuông

Người trở về từ trận đấu súng kinh hoàng đó - Đại úy Chu Văn Quang đã kể cho tôi thêm nhiều chi tiết từ cuộc chiến này. 

Vân Hồ, gần như ngày nào cũng có người từ bên kia biên giới xách ma túy vào bản Tà Dê, Lũng Xá theo đơn đặt hàng. Hàng vào hôm trước thì hôm sau tiền lại được bọn chúng xách ra. Ma túy, tiền, vũ khí nóng đã thành mối nguy hiểm ở vùng biên cương này. Từ nhiều năm nay, nhằm tăng cường cho lực lượng phòng chống ma túy Công an tỉnh Sơn La, các lực lượng của Bộ đã cắm chốt ở đây. Tổ công tác 279 với nhiều kế hoạch đấu tranh với tội phạm ma túy được tăng cường Cục CSĐT TP về ma túy, Cục Quản lý huấn luyện và sử dụng chó nghiệp vụ, Cục Cảnh sát kỹ thuật nghiệp vụ ngoại tuyến, Bộ Tư lệnh CSCĐ... Quá trình điều tra, xác định từ Lào về Việt Nam có 2 tuyến đường chính mà chúng thường xách hàng qua. Một từ đỉnh Pha Luông, Lào đến xã Xuân Nha, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Tuyến đường thứ hai cũng từ đỉnh này nhưng đến xã Thung Cuông, huyện Vân Hồ. Tùy vào lượng hàng mà 2 bản Lũng Xá và Tà Dê của huyện Vân Hồ đặt là bao nhiêu chúng sẽ cung cấp hàng bấy nhiêu và căn cứ vào số lượng hàng thì sẽ có số lượng người cùng vũ khí nóng đi theo. 

Ma túy thường được chúng để trong ba lô và đeo trên vai. Tới điểm dừng chân trên những lối mòn xuyên rừng mà chúng đã quen, chúng mới nghỉ ngơi ăn uống. Không va chạm với người lạ, không nói chuyện với bất cứ ai, nên rất khó tiếp cận với những đối tượng này.

Rạng sáng 18-6, tuyến vận chuyển ma túy qua Xuân Nha đã bị chặn. 2 đối tượng cùng 40 bánh heroin đã bị thu giữ trong cuộc vây bắt này. 1 tuyến đường bị chặn, những kẻ buôn ma túy dồn về tuyến thứ hai qua Thung Cuông.

Sau khi khảo sát kỹ, trận đánh lớn được xác lập. Tiểu đoàn Đặc nhiệm số 1 tham gia với 10 đồng chí, là những tay súng được huấn luyện tốt, tham gia nhiều vụ án ma túy lớn trên địa bàn rừng núi. Đại úy Chu Văn Quang cho hay, anh cùng lực lượng của Tiểu đoàn Đặc nhiệm số 1 cùng tuần tra, mật phục theo dõi đường đi nước bước của toán mang ma túy thuê này. Mỗi lần, chúng đi khoảng 15-20 người, thậm chí có lần lên tới 38 người và đều trang bị vũ khí nóng. Những kẻ buôn bán hay xách thuê ma túy luôn đối mặt với bản án cao nhất nên chỉ cần một tiếng động nhỏ vang lên trong tĩnh lặng, chúng sẵn sàng nhả đạn, bắn chối chết mà không cần xác định đó có phải là người hay không. 

20h45 ngày 18-7, các lực lượng gồm Phòng CSĐT TP về ma túy, Phòng Cảnh sát bảo vệ và cơ động Công an tỉnh Sơn La, CAH Vân Hồ, CAH Mộc Châu, Cục CSĐT TP về ma túy, Cục Quản lý huấn luyện và sử dụng chó nghiệp vụ, Cục Cảnh sát kỹ thuật nghiệp vụ ngoại tuyến, Tiểu đoàn Đặc nhiệm số 1 Bộ tư lệnh CSCĐ... xuất quân, chia thành 6 tổ mũi, bao vây theo thế gọng kìm trên khu vực lối mòn từ đỉnh Pha Luông, Lào về Thung Cuông. 2h sáng 19-7, mới tập kết vào đúng vị trí, nín thở chờ nhóm buôn bán ma túy xách hàng ra. 

Tổ công tác do Đại úy Chu Văn Quang chỉ huy chính là nhóm nhìn thấy đầu tiên toán buôn bán ma túy. Chúng đi 25 tên, 22 tên có vũ khí nóng. Qua số người đi áp tải, lực lượng công an xác định số hàng chúng mang không hề nhỏ. “Trận chiến căng thẳng nhất từ trước đến nay” - Đại úy Quang nói vậy. Khi nhóm buôn ma túy đi vào đến vị trí của tổ số 3 - tổ chỉ huy, tổ của đồng chí Đại úy Lường Phát Chiêm, pháo sáng, lia đèn pin và tiếng loa kêu gọi đầu hàng đã bắt đầu vang lên. Không thỏa thuận, không thương lượng, chỉ 30 giây sau khi nghe tiếng loa, chúng đã bắn xối xả về phía ánh sáng đèn pin. Những chiếc ba lô đựng đầy ma túy được bỏ lại, chúng không tiến sâu vào vùng nội địa mà quay ngược bỏ chạy về bên kia biên giới, vãi đạn sang 2 bên đường mòn. Trong đêm tối chỉ có tiếng nổ chát chúa. Khi biết lực lượng công an có người đã hy sinh và bị trọng thương, Ban chuyên án đã hạ lệnh nổ súng, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho CBCS của ta và bắt giữ đối tượng buôn bán ma túy. 

Lực lượng chó nghiệp vụ đã được tung vào trận. Một chú chó dũng mãnh lao lên, quật ngã được một đối tượng, ngay lập tức, 2 đối tượng khác quay lại bắn chết chú chó nghiệp vụ, giải thoát cho đồng bọn. 

Theo đúng kế hoạch do Ban chuyên án phân công, tổ công tác của Đại úy Chu Văn Quang không được nổ súng vì có thể đạn sẽ lạc vào chính lực lượng làm nhiệm vụ. Toán người bị thương không ít chạy ngang qua tầm mắt của Đại úy Quang và đồng đội. Nhưng chưa được lệnh, không ai trong tổ công tác được “xuống đường”. 

Nhớ lại giây phút khi biết tin đồng đội mình có người ngã xuống, Đại úy Quang giọng chùng xuống: Sự căng thẳng trong trận đánh như biến mất, tâm trạng của anh chỉ còn ý chí quyết tâm chiến đấu, bắt bằng hết những kẻ buôn bán, xách thuê ma túy, nhưng hơn tất cả, là phải đảm bảo cho sự an toàn của tổ công tác. Chờ khi bọn chúng rút hết ra khỏi khu vực bị phục kích, tất cả các tổ, mũi công tác ào xuống đường mòn, bắt giữ những đối tượng bị thương không thể chạy thoát và dàn hàng ngang tiếp tục truy kích những đối tượng vừa rút chạy. 

Tôi hỏi Đại úy Quang điều tiếc nhất của anh trong trận đánh này là gì? Anh bảo: Đau xót nhất là đồng đội của mình đã ra đi. Điều tiếc nữa là vì không bắt được nhiều đối tượng hơn nữa. Tổn thất quá lớn, giữa thời bình, máu của người chiến sỹ công an vẫn đổ. Không những thế, chúng tôi mất đi một chiến sĩ cũng là đồng đội của mình đó là  chú chó nghiệp vụ rất dũng cảm mà mất rất nhiều công sức, thời gian mới huấn luyện thành công để có thể cùng CBCS công an tấn công tội phạm. Kết thúc trận đánh, anh em chúng tôi cùng HLV đi tìm chú chó ấy và người HLV chó nghiệp vụ đã khóc khi nhìn thấy chú chó bị bắn chết. 

Theo sát câu chuyện của Đại úy Chu Văn Quang - Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn Đặc nhiệm số 1, quả đấm thép của lực lượng công an sao mà lại có giọng rủ rỉ tâm tình rất truyền cảm. Trước kẻ thù, các anh là những người kiên cường, bất khuất nhưng với đồng đội thì ôn hòa hết mực. Điều đọng lại trong tôi đó là ấn tượng về những nụ cười hiền hòa của Đại úy Chu Văn Quang, về sự hy sinh anh dũng của Thượng úy Lường Phát Chiêm và bao nhiêu người khác nữa… - các anh đã đổ máu vì bình yên của mảnh đất này.