Chiến sĩ công an thương binh và những khoảnh khắc rơi nước mắt

ANTĐ - Trong câu chuyện giữa tôi và Thiếu tá Đặng Việt Quảng - Thương binh hạng A có những “khoảng lặng” mà đôi lúc anh trùng xuống khi nhớ lại những vụ án năm xưa khiến anh rơi nước mắt… Anh bảo: “Mỗi khi nhắc lại câu chuyện này buồn lắm. Đang là một con người sôi động như thế bỗng dưng phải nằm giường bệnh, quãng thời gian đó là “điểm rơi” rất lớn trong cuộc đời tôi”.

Những đối tượng giết người trong các vụ án Thiếu tá Đặng Việt Quảng trực tiếp tham gia bắt giữ

Cú nhấn ga của nhóm côn đồ 

Đã tham gia bắt giữ, khám phá những vụ án kinh hoàng gây chấn động dư luận, Thiếu tá Đặng Việt Quảng, từng là điều tra viên Đội Trọng án, Phòng Cảnh sát Hình sự, CATP Hà Nội; rồi Đội phó Đội CSĐT tội phạm về TTXH, CAQ Hai Bà Trưng và nay trên cương vị mới là Trưởng CAP Thanh Nhàn, anh đã từng trải qua những diễn biến cảm xúc của một người lính hình sự sau mỗi vụ án đi qua. 

Cách đây 3 năm, trong một lần thực hiện nhiệm vụ Thiếu tá Đặng Việt Quảng, khi đó mang quân hàm Đại úy, Đội phó Đội CSĐT tội phạm về TTXH, CAQ Hai Bà Trưng đã “lĩnh” trọn cú đâm xe ôtô trực diện của nhóm đối tượng côn đồ. Anh nhớ lại: “Ngay sau khi nhận được tin báo trước cửa số nhà 124 phố Hồng Mai xảy ra vụ 2 nhóm thanh niên tụ tập, dùng hung khí đánh nhau, lực lượng công an đã xuất hiện, thấy vậy các đối tượng nháo nhào bỏ chạy để lại hiện trường là anh Nguyễn Công Đức Thanh, nhà ở 124 phố Hồng Mai với thương tích khá nặng ở vùng đầu. Nhanh chóng đưa nạn nhân Thanh đi cấp cứu, rồi tiến hành rà soát nóng quanh khu vực hiện trường thì phát hiện 1 chiếc xe ôtô 4 chỗ hiệu Kia Morning cùng 2 xe máy chở 6 gã thanh niên từ xa lao đến rồi bất ngờ quay đầu định bỏ chạy.

Nhận định đây chính là những kẻ vừa gây ra vụ ẩu đả, tôi khi đó là Tổ trưởng một tổ công tác đã nhào ra giữa đường, đứng chắn trước đầu chiếc xe ôtô hô lớn: “Công an đây, đề nghị các anh xuống xe”. Một tích tắc luống cuống của đám thanh niên trên xe ôtô, nhưng sau đó tên cầm lái đột ngột nhấn ga, chiếc ôtô đâm thẳng trực diện với tốc độ lớn vào tôi rồi bẻ ngoặt tay lái dúi vào cửa ngôi nhà số 71 phố Hồng Mai. Khi các đối tượng cài số lùi vòng xe bỏ chạy tôi mới khuỵu xuống, cảm giác xương đùi trái vỡ vụn. Sau đấy nhóm đối tượng đi xe máy lăm lăm dao, kiếm, chia thành 2 tốp lao vào tấn công 2 người còn lại trong tổ công tác là Thượng úy Nguyễn Đình Phương và Thượng úy Vũ Thái Sơn. Đúng lúc này lực lượng chi viện có mặt, chúng tôi được đồng đội đưa thẳng vào bệnh viện, Sơn bị chém kéo dài từ thái dương trái xuống đến bả vai làm đứt lìa xương chỏm vai phải. Phương bị đánh rạn xương tay... Lúc khuỵu xuống trong đầu tôi lo lắng nhất là không biết đồng đội mình thế nào!”…

Vượt qua “điểm rơi”

Xương đùi trái dập nát, vỡ vụn trong vụ án ấy đã khiến Đại úy Đặng Việt Quảng trở thành thương binh hạng A. Sau khi bị thương, quá trình hồi phục là cả một thời kỳ gian khổ với nỗi buồn vô hạn của anh. Đó quãng thời gian anh phải đấu tranh nhiều về tư tưởng, sự đau đớn trên thân thể cũng chẳng thấm tháp gì so với những buồn chán khi nghĩ rằng rồi sẽ đến một ngày mình không thể tiếp tục đi cùng đồng đội. Cứ nghĩ đến đấy, anh chỉ chực rơi nước mắt. Cuộc đời của một lính hình sự luôn phải đối mặt với hiểm nguy, trước những đối tượng hung hãn chưa bao giờ biết khuất phục, vậy mà trong lúc này anh lại phải đấu tranh với chính mình để tự động viên mình vững vàng hơn.

Anh tâm sự: “Tôi phải điều trị mất 6 tháng, giai đoạn đấy, đặc biệt trong những ngày đầu tiên nỗi đau thể xác chẳng là gì nữa khi tôi được Ban Giám đốc, chỉ huy đơn vị, gia đình và các đồng đội lo lắng, động viên rồi lo cho từng chút một từ bác sỹ mổ cấp cứu, chỗ nằm dưỡng bệnh… Trước khi bước vào phòng mổ tôi chỉ hỏi bác sỹ Nguyễn Văn Thạch, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức rằng: “Anh Thạch ạ, anh nói thật cho em biết là em còn đi lại bình thường được không?”. Khi anh Thạch đáp lại: “Yên tâm 6, 7 tháng nữa là chú đi đá bóng được”... Chân còn đi được, có nghĩa là còn đi đánh án được. Nghe được vậy là tôi cũng yên tâm hơn, tôi được gây tê và ngủ 1 mạch. Sau 9 ngày điều trị tích cực tại Bệnh viện Việt Đức tôi được chuyển về Bệnh viện 19-8, Bộ Công an. 40 ngày trên giường bệnh dài đằng đẵng, 2 tháng sau tôi bắt đầu chuyển sang giai đoạn vật lý trị liệu với những bài tập nhẹ cùng những cơn đau bởi những chiếc đinh ghim ở đùi trái. Nhưng đau đớn không làm tôi nản chí mà cảm thấy phải quyết tâm và cố gắng hơn trước gấp nhiều lần. Khi mình làm nghề đang xốc vác như vậy nên lúc phải nằm trên giường bệnh thì buồn chán, chỉ mong nhanh phục hồi để được đến đơn vị, gặp anh em đồng đội và lại tiếp tục được “đánh” án. Đợt đó dù chưa bình phục hẳn thi thoảng tôi vẫn “mò” lên cơ quan, làm những công việc nhẹ nhàng lại thấy tinh thần vui hẳn lên. Ở nhà cảm giác mình như thừa thãi, đã bệnh rồi lại còn nặng hơn”. Bằng mọi nỗ lực, 6 tháng sau anh trở lại với công việc, phải cố gắng làm, vừa làm vừa tập để chỉ huy và anh em đồng đội yên tâm. “Thời điểm đó lãnh đạo đơn vị cũng có hỏi nguyện vọng của tôi; gia đình cũng khuyên tôi nên cân nhắc khi cấp trên tạo điều kiện nhưng không, tôi vẫn xin tiếp tục phụ trách Tổ án truy xét của CAQ Hai Bà Trưng”. Lý do vẫn chọn lại công việc cũ được anh Quảng phân trần rằng thực tâm anh yêu cái nghề đấy, thứ nữa là khả năng sở trường của mình cũng ở lĩnh vực đó, mình còn khả năng điều kiện thì phải tiếp tục cố gắng. Rồi anh đã vượt qua “điểm rơi” của cuộc đời một cách nhanh chóng, trở lại với công việc tiếp tục lập những chiến công. 

Cuộc đời với những chuyên án 

Thiếu tá Đặng Việt Quảng tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội, vào ngành Công an, đi học, rồi về nhận nhiệm vụ tại Đội án rõ, Phòng Điều tra; tháng 1-2001 chuyển sang Đội Trọng án, Phòng Cảnh sát Hình sự, CATP Hà Nội, đến tháng 4-2011 nhận nhiệm vụ mới ở Đội Hình sự, CAQ Hai Bà Trưng… Một quãng thời gian dài, trong đó hơn 10 năm ở Đội Trọng án đã bồi đắp cho anh kinh nghiệm, sự can trường của người chiến sỹ Công an nhân dân. Dù hiện nay đã không còn làm nhiệm vụ này nữa (tháng 3-2014, Thiếu tá Đặng Việt Quảng được bổ nhiệm giữ cương vị Trưởng CAP Thanh Nhàn) nhưng hơn 10 năm gắn bó với  nghề điều tra, phá án, anh cùng đồng nghiệp đã phá rất nhiều vụ trọng án, bắt giữ các đối tượng đặc biệt nguy hiểm. Mỗi vụ đều có những đặc điểm, cách phá án khác nhau và cảm xúc của lính trọng án khi phá án cũng hoàn toàn khác nhau. “Ở trọng án vất vả thì cực kỳ vất vả, nhưng niềm vui sau mỗi chiến công cũng vô cùng lớn, đó là niềm động viên, khích lệ chúng tôi tiếp tục cố gắng hơn nữa trong công việc”, anh kể. Kể ra thì nhiều nhưng nhớ lại những vụ án năm xưa anh thụ lý, trực tiếp tham gia bắt giữ đối tượng cảm xúc của anh vẫn vẹn nguyên như vừa mới đây. 

Đó là kỳ án xác chết bí ẩn ở cánh đồng Cùm - vụ án “ám ảnh” người dân và “khó quên” với các cán bộ điều tra. 1 xác chết bí ẩn được phát hiện ở chuôm nước trên cánh đồng Cùm thuộc thị trấn Chí Đông, huyện Mê Linh, hiện trường không dấu vết, không xác định được danh tính nạn nhân, không xác định được chính xác ngày giờ bị giết, không hề có thông tin nào từ quần chúng nhân dân. Khi được phát hiện, xác nạn nhân đang trong thời kỳ thối rữa, phân hủy mạnh, nên hầu như không có khả năng nhận dạng qua khuôn mặt, một số bộ phận cơ thể khác có thể phục vụ cho công tác xác định danh tính như vân tay cũng không còn… Một vụ án vô cùng khó khăn tưởng như bế tắc.

Kể lại với tôi về vụ án này, anh Quảng nói: Với bất kỳ một người lính trinh sát nào cảm giác rơi vào thất vọng nhiều lắm, bởi có những vụ tưởng như thất bại hoàn toàn rồi thì hy vọng lại nhóm lên, mỗi lần phá án xong lại cho chúng tôi thêm niềm vui, động lực gắn bó với nghề. Và trong vụ án cánh đồng Cùm, dù gian nan nhưng chúng tôi đã tìm ra kẻ thủ ác chính là Nguyễn Anh Tuấn (SN 1986), ở thôn Bảo Tháp, xã Kim Hoa, huyện Mê Linh, Hà Nội. Sau này Nguyễn Anh Tuấn chính là tử tù đầu tiên thi hành án bằng tiêm thuốc độc ở Hà Nội”…  

Cuộc đời đã đi qua biết bao vụ trọng án, truy bắt rất nhiều các đối tượng, đó là những tội ác trời không dung đất không tha, bằng lương tâm nghề nghiệp các anh luôn phải bằng mọi giá tìm ra hung thủ trả lại sự công bằng cho nạn nhân. Thiếu tá Đặng Việt Quảng tâm sự: “Đã cùng các đồng đội tham gia rất nhiều các vụ án nhưng để lại ấn tượng mạnh với tôi về nghề là truy bắt đối tượng truy nã”. Dấu chân anh trên hành trình tầm nã đã đặt đến nhiều nơi trên mọi miền Tổ quốc để truy lùng các đối tượng lẩn trốn. Đã tham gia nhiều vụ án, đã lần ra manh mối của những đối tượng trốn nã, đã  từng truy tìm nhiều hung thủ giết người, trong đó có những đối tượng sau này phải mang án tử hình… Có những giây phút cận kề với cái chết; những vụ án đi vào ngõ cụt; tính mạng của con tin như ngàn cân treo sợi tóc; những đêm trắng đi bắt nã; những ngày tháng xa vợ, xa con rong ruổi trong rừng sâu, núi thẳm; những giây phút quyết định khó khăn trong vụ án khi phải lựa chọn giữa công lý và tình người, và cũng có nhiều lần anh đã phải rơi nước mắt… Chẳng hạn như vụ án em dâu thuê người đổ xăng thiêu chết cả nhà người anh chồng ở thôn Phú Mỹ, xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm đã khiến anh bật khóc. Anh kể lại: “Cả gia đình anh Nguyễn Chí Hưng, chị Bùi Thu Hà và cháu Nguyễn Thảo Hiền đã tử vong. Khi vào viện bỏng, trước khi chị Hà trút hơi thở cuối cùng trên giường bệnh tôi đã cố nén nước mắt, khi ra khỏi buồng bệnh thì cứ thế nước mắt rơi xuống…”.

Giờ đây trên cương vị lãnh đạo một đơn vị Công an, anh cũng vẫn đúc kết cho mình một nguyên tắc làm việc là phải luôn mang trong mình một trái tim nóng, một cái đầu lạnh và lòng say nghề. Có vậy, mới cống hiến hết mình trên con đường chiến đấu vì sự bình yên của nhân dân.