Nên sửa luật để “diệt” sát thủ như Lê Văn Luyện?

ANTĐ - Thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ án nghiêm trọng như giết người, cố ý gây thương tích, cướp tài sản, hiếp dâm… mà thủ phạm chính là những học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường. Nhiều bạn đọc Báo ANTĐ cho rằng, nên sửa đổi luật vì hình phạt cho những sát thủ chưa đủ 18 tuổi này còn quá nhẹ, không đủ tính răn đe.

Những vụ án khiến dư luận nhức nhối

Dư luận đã từng bàng hoàng bởi vụ án của sát thủ Lê Văn Luyện giết người, cướp tiệm vàng ở Bắc Giang, và có thể nói cho tới nay, vụ án “Lê Văn Luyện” vẫn ăn sâu vào tiềm thức của những người dân khiến sau bất cứ vụ án mạng nào dư luận cũng ví chúng với “Lê Văn Luyện”.

Trong tháng 4 vừa qua, dư luận tiếp tục bàng hoàng trước vụ giết người dã man chỉ vì mê game. Ngày 11-4, vì muốn có một chiếc điện thoại để chơi game nhưng không được bố đồng ý, Đào Văn Tài, (Đồng Quán, xã Yên Dương, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc) đã tới cửa hàng Internet nhà chị Lương Thị Nguyệt hòng giết người và ăn trộm tiền. Tại đây, Tài đã giả vờ làm khách ngồi chơi game, sau khi chị Nguyệt bế đứa con nhỏ vào buồng ngủ, Tài lẳng lặng lấy con dao giấu trong cặp bổ một nhát vào đầu đứa con trai lớn của chị Nguyệt tên là Trung đang ngồi gần đó. Tiếp đến hắn lấy con dao trên bàn bếp nhà chị chém vào đầu chị khiến chị gục xuống rồi tiếp tục chém khiến cháu Trung tử vong.

Cùng lứa tuổi với Tài, Đinh Quang Vinh, (SN 1997 trú tại xóm 6, thị trấn Vĩnh Trụ, huyện Lý Nhân, Hà Nam) cũng khiến cho dư luận phẫn nộ vì hành vi giết chết bà nội chỉ vì 20.000 đồng. Có trực tiếp nghe được những lời khai của Vinh cũng không thể nghĩ được rằng, chỉ vì tiền mà tên sát thủ này có thể đang tâm giết chết người  bà đã nuôi dạy hắn nên người trong suốt bao nhiêu năm qua. Theo những lời khai của kẻ máu lạnh này, biết Yến có nhiều tiền nên do cần tiền trả nợ và mua điện thoại sử dụng, Vinh đã nảy sinh ý định giết bà. 

Chiều 20-4, khi chỉ có 2 bà cháu ở nhà, Vinh đã tạo cớ xin bà 20.000 đồng đi cắt tóc, trong lúc bà Yến đi lấy tiền, Vinh đã lấy chiếc then cài cửa bằng sắt, giấu ở trong người đập nhiều nhát vào đầu bà Yến, rồi dùng chiếc ghế gỗ đập liên tiếp nhiều nhát vào trán và đầu bà Yến cho đến khi bà bất tỉnh. Không hề run sợ hay tỏ ra hối lỗi, Vinh tiếp tục lấy chiếc kéo nhọn ở bàn uống nước, đâm tiếp vào vùng ngực trái của bà rồi lấy tiền của bà, rửa chân tay, thay quần áo giặt sạch các vết máu dính trên quần áo rồi đi chơi điện tử và cắt tóc.

Ngoài những vụ án trên, hàng ngày trong xã hội còn xảy ra rất nhiều vụ án khiến dư luận nhức nhối. Tuy kết cục của những sát thủ sau khi gây án này đều phải chịu án phạt nhưng chỉ trong thời gian ngắn sau đó, lại có một vụ án tương tự xảy ra?! Trước vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, “phải chăng vì luật pháp nước ta vẫn còn quá nhẹ, không đủ sức răn đe đối với những tên sát thủ này vì vậy, cần phải sửa luật?”.

Nhiều độc giả lo lắng rằng, sẽ có thêm nhiều Lê Văn Luyện nếu chưa sửa luật

Nguy cơ có “Lê Văn Luyện thứ… n+1”

Gửi ý kiến đóng góp đến báo ANTĐ, bạn đọc Binh Phuoc đề nghị: “Hiện nay tình hình bạo lực giết người xảy ra rất nhiều và tội phạm đối với tuổi dưới 18 cũng không phải là ít, có những đối tượng lợi dụng những thanh niên dưới 18 tuổi để ra tay giết hại người vô tội. Là một công dân Việt Nam tôi xin nhà nước sữa đổi luật pháp để trừng trị những đối tượng giết người dã man như trên, giữ an ninh trật tự cho địa phương”.

Đồng quan điểm trên, bạn đọc Nguyễn Lương Duy cho rằng: “Theo tôi, nhà nước nên khẩn trương thay đổi khung hình phạt cho loại tội phạm này. Vì còn như thế thì còn rất nhiều “Lê Văn Luyện” mọc lên”.

Bạn đọc Doanh Quốc cũng đồng tình khẳng định: “Quốc hội nên sớm sửa luật vì thanh niên 17- 18 tuổi đã có đủ sức khỏe & suy nghĩ trước khi làm một việc gì. Nếu luật của ta cứ nhân văn như bây giờ thì nhiều thanh niên sẽ nhờn luật mà phạm nhiều tội ác, gây bức xúc cho xã hội, nhiều người tốt phải chết dưới ngọn đao lưỡi kiếm của bọn coi thường pháp luật này. Không thể để nước ta có Lê Văn Luyện thứ ba, thứ tư nữa...”.

Răn đe là biện pháp cuối cùng!

Trước tình trạng nhức nhối trên, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đã có cuộc trao đổi bên lề Quốc hội với phóng viên Báo An ninh Thủ đô. Theo bà Mai, có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc trẻ vị thành niên phạm tội, nhưng chủ yếu xuất phát từ việc buông lỏng quản lý, giáo dục của gia đình, kèm theo những tác động không tốt của xã hội và việc giáo dục pháp luật chưa đầy đủ cho trẻ vị thành niên.

Trước câu hỏi, “phải chăng luật pháp nước ta còn quá nhẹ, không khiến những sát thủ chưa đủ 18 tuổi như Lê Văn Luyện khiếp sợ, nên chăng cần sửa luật?”, bà Mai cho rằng, việc tăng nặng khung hình phạt để răn đe, chỉ là biện pháp giải quyết cuối cùng còn đối với trẻ vị thành niên, vấn đề giáo dục vẫn là quan trọng nhất. Không thể cứ để các vụ án mạng xảy ra rồi răn đe bằng hình thức xử phạt nặng. 

Bà Mai cũng cho rằng, trên thực tế, ở nước ta đã có hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ, nhưng việc giáo dục và phổ biến pháp luật còn nhiều vấn đề cần phải suy nghĩ. Không chỉ ở lứa tuổi vị thành niên, mà ngay cả trong xã hội cũng có thể thấy điển hình nhất là vi phạm Luật giao thông rất nhiều, điều đó minh chứng việc giáo dục luật pháp chưa tới nơi tới chốn. Chính vì vậy, theo bà Mai, biện pháp hữu hiệu nhất là tăng cường các biện pháp giáo dục pháp luật, nhưng bằng phương thức phù hợp để trẻ vị thành niên tiếp cận được. Mặt khác, tăng cường vai trò của gia đình trong việc nhắc nhở để các em ý thức tốt hơn với việc thực hiện pháp luật.