Hai hình ảnh đẹp của Cảnh sát Giao thông

ANTĐ - Sự kiện CSGT nữ được điều động tham gia điều khiển giao thông tại 10 “điểm nóng” tại Hà Nội và chuyện 2 CSGT TP.HCM kiên quyết truy bắt tội phạm, dù bị 2 tên cướp chống trả gây thương tích, được đông đảo bạn đọc phản hồi.

Hình ảnh nữ CSGT Hà Nội điều khiển giao thông trong giá rét được nhiều lời khen ngợi từ nhân dân

Sự đổi mới cần thiết

Bình luận về việc lực lượng CSGT nữ được điều động tham gia điều khiển giao thông, bạn đọc tên Tuan khẳng định: “Đây là sự đổi mới của Công an Hà Nội. Một không khí mới khiến cho người dân chấp hành Luật Giao thông nghiêm chỉnh hơn”. “Đúng là người dân thấy thiện cảm hơn với các nữ cảnh sát giao thông”, bạn đọc Quản Gia Huy bày tỏ.

“CATP Hà Nội lại ghi điểm trong mắt người tham gia giao thông và du khách nước ngoài khi đưa phái đẹp tham gia điều tiết giao thông vào giờ cao điểm. Nhìn các chị em khỏe mạnh, nhanh nhẹn, hoạt bát, xinh tươi đứng trên bục điều tiết giao thông, khiến người tham gia giao thông cảm thấy mình cần có ý thức hơn khi tham gia giao thông, nhất là vào giờ cao điềm”, bạn đọc Lebinh viết.

Trong khi đó, bạn đọc Minh Anh nhận xét: “Phải nói là nữ CSGT Hà Nội xinh xắn và nghiêm túc thật. Có lẽ một phần do bộ đồng phục chỉnh tề trên người”. “Nên để nữ CSGT ra đứng đường điều tiết giao thông thay nam giới. Ngoài làm nhiệm vụ ra, lực lượng nữ còn làm đẹp thêm cảnh quan đường phố, chứ đưa mấy CSGT nam bụng phệ ra hướng dẫn giao thông thì thấy không đẹp mắt chút nào”, bạn đọc Nguyễn Khắc Thêm thẳng thắn góp ý.

Bạn đọc Minh Trí gợi ý: “Theo tôi thì ngoài việc sử dụng các bóng hồng làm nhiệm vụ xử lý, điều hành giao thông, cần tăng nặng các mức xử phạt vi phạm TTATGT. Đặc biệt là cần thay đổi cách thức xử lý vi phạm. Nếu làm được như ở một số nước tiên tiến, xử phạt tiền thật nặng thông qua tài khoản ngân hàng thì. Người tham gia giao thông cũng buộc phải có ý thức hơn. Nếu phạm lỗi, bị  camera ghi lại là bị phạt tiền, không có chuyện kỳ kèo xin xỏ hay chống đối như hiện nay. Làm được thế, quả là một mũi tên trúng nhiều đích, vừa nâng ý thức, vừa xử phạt nghiêm các vi phạm TTATGT, vừa chống được tệ mãi lộ...”.

“Một chủ trương đúng của CATP Hà Nội. Việc đưa lực lượng CSGT nữ làm nhiệm vụ điều khiển giao thông vừa tạo hình ảnh thân thiện, mềm mại hơn trong mắt người dân. Từ đó hiệu quả điều hành giao thông sẽ tăng lên. Hy vọng những bóng hồng xinh đẹp này sẽ giúp cho ý thức khi tham gia giao thông ở Thủ đô ngày một cao hơn hơn”, bạn đọc Hoài An kết luận.

Cảm phục tinh thần dũng cảm

Đọc bài viết về 2 CSGT CATP HCM dù bị thương do sự chống trả của 2 tên cướp, vẫn kiên quyết truy đuổi, phối hợp cùng người dân bắt giữ tội phạm, nhiều bạn đọc đã phản hồi, chia sẻ.

“Đây mới là giúp dân, bảo vệ cho dân. Đề nghị khen thưởng cho 2 đồng chí CSGT này cùng người dân đã tham gia bắt cướp”, bạn đọc Phạm Văn Tường viết: “Tôi thật sự cảm phục tinh thần hai anh cảnh sát giao thông đã không sợ nguy hiểm, dũng cảm bắt hai tên cướp. Đề nghị Phòng cảnh sát giao thông và Công an thành phố HCM có phần thưởng xứng đáng”, bạn đọc Nguyen Van Đan đề nghị.

“Hoan hô chiến sĩ công an nhân dân Việt Nam. Cầu chúc cho các anh thật nhiều sức khỏe để phục vụ nhân dân!”, bạn đọc Phạm Thị Tuyết Lành viết.

Bạn đọc Nguyễn Đức Đạt cũng bày tỏ: “Tôi thật sự cảm phục trước hành động truy bắt 2 tên cướp của 2 CSGT, đặc biệt là trung úy Hà. Dù bị bọn cướp đạp đổ xe mà vẫn quyết tâm đuổi tới cùng, 2 trung úy thật dũng cảm, xứng đáng được khen thưởng”.

“Lòng dũng cảm của hai chiến sĩ này rất đáng khen ngợi. Những điều đáng ngạc nhiên là cảnh sát đi bắt cướp bị tấn công lại nhưng không sử dụng súng để trấn áp. Thật không hiểu nổi là họ không được sử dụng súng hay vì lý do gì? Chỉ cần bắn vào chân, tay thôi khi bị tội phạm chống trả là xong, chứ hành động kiểu hiệp sĩ như vậy thì nguy hiểm quá”, bạn đọc NTV.

“Không đơn giản như bạn NTV nghĩ đâu. Do chế tài bảo vệ người thực thi nhiệm vụ khá yếu, lỏng lẻo nên Cảnh sát thường “sợ” phải dùng đến súng khi đối mặt với tội phạm. Vô phúc mà trong lúc truy đuổi hoặc bắt giữ, nổ súng mà gây tử vong cho đối tượng thì “mệt” lắm. Bài học vụ “Tùng Dương” ở cầu Chương Dương mười mấy năm về trước vẫn còn tính thời sự đó”, bạn đọc Minh Quang nêu phản biện.