Choáng váng với tội phạm 9x giết người

ANTĐ - Sau khi Báo ANTĐ đăng bài: “Nổi cơn ghen, 9x giết người giữa chợ”, nhiều bạn đọc đã chia sẻ với nạn nhân và người thân bị hại, đồng thời đề nghị “tử hình” kẻ thủ ác. Thậm chí có bạn đọc còn đề nghị tường thuật trực tiếp những vụ hành hình tử tội để tăng tính răn đe.

Choáng váng với tội phạm 9x giết người  ảnh 1
Minh họa: N.Vũ


Cần hình phạt nặng để răn đe

“Những loại côn đồ “não phẳng” như Thắng cần phải xử lý nghiêm khắc, Phan Hữu Tây là một sinh viên tốt của ĐH CNTT, bạn ấy tham gia nhiều hoạt động tình nguyện và tính tình hết sức hòa đồng. Mong pháp luật trả lại sự công bằng cho gia đình bạn ấy” - bạn đọc Kiều Thắng viết.

“Bạn tôi phải ra đi về nơi rất xa vì một chuyện vô lý thế đó. Mong pháp luật trừng trị kẻ cầm thú kia một cách thích đáng. Và mong các phương tiện truyền thông tiếp tục đưa thông tin về vụ án cho mọi người được biết” - Nguyễn Hữu Long một người bạn của nạn nhân Phan Hữu Tây phẫn nộ. 

“Tên Thắng này cũng sinh năm 1993, bằng tuổi “sát thủ” Lê Văn Luyện. Cả tên Thắng và Luyện đều xứng đáng nhận án tử hình!” - bạn đọc Trịnh Phước An khẳng định.

Cho biết mình là “một người học trên Tây một khóa”, bạn đọc Nguyễn Vũ Phong viết: “Chúc Tây vui khi biết được nhiều người quan tâm đến mình! Còn Thắng thì hãy suy ngẫm lại! Bạn không chỉ gây ra nỗi đau của một người, mà rất nhiều người!”.

 “Với những kẻ thủ ác như Thắng, cần sớm đưa ra tử hình để răn đe. Hiện nay việc thi hành án tử hình thường được làm kín, chỉ có một số ít thông tin trên các báo in, báo mạng. Tôi cho rằng không phải ai cũng có điều kiện truy cập mạng để xem những thông tin này. Vì thế, để tăng tính răn đe, nên tường thuật trực tiếp những vụ hành quyết tử tội. Như thế có vẻ sốc nhưng sẽ có tác dụng hơn nhiều, góp phần ngăn chặn những vụ án tương tự. Nên bỏ bớt buổi tường thuật trực tiếp về những cuộc thi hát và người đẹp vô bổ đi để dành thời lượng cho tường thuật hành quyết tử tội” - bạn đọc Hoàng Hải Anh đưa ra một đề xuất gây sốc.

“Đúng là đề xuất gây sốc: Truyền hình trực tiếp hành quyết tử tội. Theo tôi biết thì hình như không nước nào áp dụng hình thức này. Tôi đồng tình việc cần tăng nặng hình phạt đối với tội phạm, nhất là loại tội phạm trẻ giết người manh động, man rợ có xu hướng gia tăng gần đây. Tuy nhiên, tường thuật trực tiếp việc hành quyết thì có vẻ dã man quá” - bạn đọc Nguyễn Thu Hương nêu quan điểm. 

Lỗi tại ai?

Lập tức bày tỏ sự đồng tình về không nên “Tường thuật trực tiếp thi hành án tử hình”, tuy nhiên, bạn đọc NTT lại cho rằng “không thể “đổ” lỗi cho môi trường, tệ nạn xã hội”. “Đúng là cuộc sống nhiều khi còn khó khăn, nhưng cái gì cũng có nguyên do, có cái giá của nó. Không thể cứ vì hoàn cảnh khó khăn mà làm bậy. Không thể cứ nghèo đói là đi cướp của, giết người được. Thế thì loạn à? Con người hơn động vật ở chỗ có trí tuệ. Chính trí tuệ giúp cho con người biết đúng, biết sai, biết tiết chế trước các hiện tượng trong cuộc sống. Những kẻ mất hết lý trí, gây tội ác thì phải nhận hình phạt là đương nhiên. Nhưng đó mới là hình phạt ở thế gian, hình phạt về tinh thần, về tâm linh còn khủng khiếp hơn thế nhiều” - bạn đọc NTT chia sẻ.

“Trước lúc thi hành án, nhất là án tử hình, thấy phạm nhân nào cũng nói được những lời rất hay, rất hối hận, mang nhiều ý nghĩa. Giá như trước khi gây án mà nghĩ được như thế thì đâu phải chịu cảnh tù đầy, chết chóc, gây đau thương cho bản thân và bao người khác” - phân tích diễn biến tâm lý tội phạm, bạn đọc Minh Trí viết đầy ngụ ý: “Tôi nhớ câu chuyện đầy ý nghĩa của một tử tù: Trước ngày ra pháp trường, phạm nhân xin được gặp trực tiếp người mẹ của mình. Thương xót cho tình mẫu tử, nguyện vọng của phạm nhân được đáp ứng. Khi vừa gặp mẹ, tử tù mới ngoài 30 tuổi thẳng tay tát mẹ một cái rồi nói: “vì bà mà tôi ra nông nỗi này. Khi còn nhỏ tôi trèo rào ăn cắp con gà của nhà hàng xóm. Không những không trách mắng, bà còn khen tôi là giỏi và làm thịt con gà để ăn. Giá như ngày đó bà nện cho tôi một trận rồi mang trả con gà, có lẽ đời tôi đã khác. Chính sự dung dưỡng cho mầm xấu của tôi vừa nảy sinh mà tôi tưởng mình “giỏi” thật, để rồi tôi trở thành tên trộm cắp, và giết người cướp của, phải chịu án tử hình như ngày hôm nay”. Bà mẹ chết lặng! Lúc này người con - gã tử tù mới quỳ xuống lạy mẹ, khóc như mưa và cảm ơn công sinh thành của mẹ, rồi từ biệt về phòng biệt giam chờ hôm sau thi hành án”. 

Tính hay ghen tuông, lại thủ sẵn dao trong người nên khi thấy Nguyễn Hữu Tây bắt chuyện với bạn gái của mình ở chợ, Đinh Tiến Thắng dùng dao tấn công khiến Tây tử vong.