Xoay xở lo nhà ở

ANTĐ - Sau 8 năm thực thi Luật Nhà ở, nhà ở xã hội không phát triển, thị trường nhà nói chung cũng phát triển méo mó, vừa thừa vừa thiếu. Nhà thương mại hay còn gọi là nhà cao cấp phát triển ồ ạt, trong khi nhà phổ thông phù hợp với sức mua của dân thì không có. Luật hiện hành tác dụng rất hạn chế, hầu như không đóng góp vai trò gì. Đây là ý kiến chung của các chuyên gia, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trong một cuộc hội thảo tập trung vào Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản.

Quan điểm của một số đại biểu là, Nhà nước làm sao để mọi người dân có chỗ ở, chứ Nhà nước không khuyến khích, không làm thay thị trường. Nếu đặt quan điểm như vậy thì việc phát triển nhà ở xã hội phải theo một hướng khác, ngay cả gói tín dụng hỗ trợ 30.000 tỷ đồng hiện nay cũng không đúng đối tượng. Chính sách phát triển nhà ở xã hội cần làm rõ thêm đối tượng, khu vực và loại hình nhà ở được hình thành từ nguồn vốn ngân sách đầu tư. Đối tượng và khu vực nào cần có chính sách hỗ trợ lãi suất để người dân vay xây nhà qua các tổ chức tín dụng. Chính sách đưa ra phải cân đối nguồn lực Nhà nước trong từng giai đoạn cho phù hợp để bảo đảm tính khả thi và nên có chính sách huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế. Đặc biệt, chính sách rất cần “bao phủ” nhà được bán hoặc cho thuê đối với các đối tượng thuộc vùng miền, nghề nghiệp phù hợp điều kiện thu nhập.

Theo đánh giá của các chuyên gia và doanh nghiệp kinh doanh nhà ở, mặc dù đã khắc phục được nhiều bất cập, song vẫn có sự chồng chéo giữa Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở, bởi đối tượng và phạm vi điều chỉnh khác nhau. Luật Kinh doanh cho phép chủ đầu tư được cho thuê, cho thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai, thay vì chỉ được cho thuê, cho thuê mua sản phẩm đã có sẵn. Điều này tạo thuận lợi cho các chủ đầu tư huy động vốn, khai thác từng phần công trình. Tuy nhiên, vấn đề bảo lãnh bán, cho thuê, mua nhà, công trình xây dựng trong tương lai, nếu không quy định việc hoàn lại số tiền ứng trước của khách hàng có bù đắp lãi suất theo lãi suất tiền gửi ngân hàng, thì sẽ không bảo đảm được sự trượt giá khoản tiền ứng trước; đồng thời cũng không ngăn chặn được tình trạng nhà đầu tư lạm dụng vốn đóng góp của khách hàng để dùng vào mục đích khác.

Hiện đang tồn tại thực trạng, sau khi người dân đóng góp vốn vào công trình, chủ đầu tư không hoàn thành, kéo dài hoặc chây ì, khiến nhiều người mất tiền. Cần phải có quy định để người mua có thể kiểm soát đồng tiền của mình bất cứ lúc nào. Hơn thế, người dân cũng cần phải được quyền kiểm soát “tuổi thọ” nhà ở công trình. Xoay xở lo nhà ở, xoay xở tiền bạc đối với nhiều người dân vẫn là một nỗi lo triền miên, nan giải.