Tránh “bẫy” thu nhập trung bình

ANTĐ - Tại cuộc họp “tránh bẫy thu nhập trung bình ở Việt Nam” do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức, còn nhiều quan điểm khác nhau về việc nước ta đã rơi vào bẫy thu nhập trung bình hay chưa. Các chuyên gia cho rằng đây là vấn đề hệ trọng, nước ta cần hành động thực chất hơn để tránh hoặc thoát bẫy. Cơ hội tránh bẫy sẽ ngày càng thu hẹp nếu những nỗ lực cải cách, tái cơ cấu nền kinh tế không mang lại hiệu quả thiết thực.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương không khẳng định nước ta đã “sập bẫy” hay chưa, nhưng vấn đề này thường xảy ra khi mức lương tăng, trong khi tính cạnh tranh về giá hàng hóa giảm, khó có thể cạnh tranh với các nền kinh tế có mức lương thấp hơn trong việc sản xuất hàng hóa giá rẻ. Vị Trưởng ban cảnh báo bẫy thu nhập trung bình là trạng thái “tiến thoái lưỡng nan” trong xây dựng và thực hiện các chính sách phát triển kinh tế. Nó có khả năng làm giảm hiệu quả của các nỗ lực phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Giáo sư Nhật Bản thuộc Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia nhận định Việt Nam đã rơi vào chiếc bẫy này với những dấu hiệu như tăng trưởng GDP chậm lại, năng suất lao động kém, chuyển dịch cơ cấu nặng về hình thức, trì trệ trong các bảng xếp hạng toàn cầu.

Đáng lưu ý là Việt Nam đang gặp những vấn đề nảy sinh do tăng trưởng như bong bóng bất động sản, chênh lệch giàu nghèo, ô nhiễm môi trường, tham nhũng. Đồng quan điểm này, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng cho rằng, nước ta đã rơi vào “bẫy” thu nhập trung bình. Bằng chứng là, đẳng cấp nền công nghiệp ở mức rất thấp, chủ yếu là khai thác tài nguyên, gia công, lắp ráp. Đẳng cấp này kéo dài quá lâu và phải mất nhiều thời gian mới thoát được. Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương chỉ rõ, không chỉ tăng trưởng GDP giảm, năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn các nước khu vực, chỉ bằng 13% của Nhật Bản, 35% của Thái Lan, 54% Trung Quốc và 50% Indonesia. Nguyên nhân là, nguồn vốn đang chảy vào khu vực doanh nghiệp Nhà nước với hiệu quả đầu tư thấp, còn nguồn lao động lại chảy vào khu vực năng suất thấp. Đây là dấu hiệu chứng tỏ phân bổ nguồn lực méo mó, nhất là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào nhiều năm qua, song tỷ lệ chuyển giao công nghệ cao chỉ đạt 5-6%, công nghệ trung bình chiếm 75-80%, công nghệ thấp kém là 14-15%.

Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á cho rằng, Việt Nam chưa rơi vào “bẫy” thu nhập trung bình, song nếu không đạt được tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, hệ thống ngân hàng và đầu tư công, thì sẽ “sập bẫy”. Trong vòng 60 năm qua, chỉ có 13 trong số 52 nền kinh tế vượt qua được cái “bẫy” này và đạt ngưỡng thu nhập cao.